Báo Tết bình chuyện năm cũ

Thường trong nội dung báo Tết, ngoài những văn thơ bàn chuyện vui Xuân, đón Tết, thì nội dung gần như không thể thiếu là xã luận tổng kết một năm cũ đã qua.

 Minh họa trên trang bìa báo "Truyền bá" số Tết 1943 do họa sĩ Thịnh Đen thực hiện. Ảnh: Đình Ba.

Minh họa trên trang bìa báo "Truyền bá" số Tết 1943 do họa sĩ Thịnh Đen thực hiện. Ảnh: Đình Ba.

Lần giở những trang báo cũ 1945 trở về trước, có thể điểm danh một số tờ báo có làm báo xuân, báo Tết khắp ba miền. Những tên tuổi báo đó có thể kể đến Hà Nội báo, Phong hóa, Ngày nay, Tổng xã báo, Đàn bà mới, Đàn bà, Phụ nữ Tân văn, Nhi đồng họa bản, Tân văn, Thần chung, Thời thế, Đại Việt tập chí (tục bản), Truyền bá… và chắc chắn là chưa thể đầy đủ hết được.

Báo Tết tổng kết nguyên năm cũ

Việc gọi số xuân, hoặc số Tết cũng bất định chứ không nhất nhật. Xem báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn ngoài Hà Nội, năm 1937 ra số mùa xuân, nhưng năm 1938, 1939 thì gọi là số Tết; Tổng xã báo trong Sài Gòn tên gọi số Tết cũng bất định. Năm 1942 báo ra số đặc biệt năm Nhâm Ngọ gọi là “Mùa gió Tết 1942”, năm 1943 là “Gió Tết”, kèm số đặc biệt Tết Quý Mùi, năm 1944 là số đặc biệt Tết Giáp Thân.

Tiếp cận qua những số báo xuân, báo Tết ra thời gian 1918 - 1945, thấy rằng chủ đề xuân, Tết chiếm vị trí chủ đạo với đủ thể loại thơ ca, truyện ngắn cho tới đoản thiên tiểu thuyết, xã luận. Mở trang báo Duy tân xuân 1942 có thể minh họa cho điều đó với xã luận “Xuân năm Nhâm Ngọ” “Mùa xuân với thi sĩ”, nghiên cứu “Tiểu Xuân Hương hay nàng Lệ Tiên, tiểu tài hoa hai chục năm trước” “Cái Tết lịch sử”, thơ “Tết biên thùy” “Xuân duy tân”, những mẩu chuyện cười trong mục “Những nụ cười xuân”, kịch “Yêu và ghen”… và những tranh biếm họa xuân.

 Báo Tân văn số mùa xuân 1936. Ảnh: Đình Ba.

Báo Tân văn số mùa xuân 1936. Ảnh: Đình Ba.

Đồng thời, gần như báo, tạp chí nào cũng có những bài mang tính tổng kết về tình hình thời sự trong nước, hoặc mở rộng ra quốc tế trong năm đã qua và dự đoán vận hội mới.

Lấy Tân văn số mùa xuân 1936 mà dẫn, ngoài những bài về xuân, Tết thì thời sự bên ngoài có “Dòm qua cỏi [cõi] Viễn Đông: Chánh sự Tàu Nhựt mấy lúc sau này”, “Phòng hờ trận giặc nay may: Võ lực liệt cường Âu châu”; thời sự trong nước thì xem Thần chung số Tết Kỷ Tỵ 1929, có “Những việc xảy ra trong năm Mậu Thìn”.

Trên báo xuân báo Tết, việc có mặt các tên tuổi trong làng bút mực là lẽ dĩ nhiên. Trong số báo Tết năm Bính Tý 1936 của Tiểu thuyết tuần san, báo này có mục “Thi ca trào phúng” đăng bài của Toan Ánh. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (1903-1993), người có chân trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập đã có nhiều bài viết trên Thanh Nghị liên quan đến âm nhạc. Trong đó có bài “Hát cửa đình” trên Thanh Nghị số Tết Giáp Thân, tháng 1/1944…

Chỉ riêng Hà Nội báo số mùa xuân 1936, thấy đầy tên tuổi quen thuộc như Lê Tràng Kiều với bài “Xuân…” và “Giang hồ của Trần Bình Lộc”, Nguyễn Đỗ Cung với bài “Tranh Tết”, Lưu Trọng Lư có thơ “Bao la sầu” và truyện “Người mua hoa”, “Huyền không động”, Hoài Thanh góp mặt qua “Đêm giao thừa”, Vũ Trọng Phụng thì hiện diện ở bài “Tết ăn mày”…

Báo Tết không chỉ được dùng để bán cho độc giả vui xuân, đón Tết. Có cả báo Tết làm trong hoàn cảnh hiếm gặp, mà cụ thể là tù đày. Tờ Suối reo ở nhà tù Sơn La do Xuân Thủy phụ trách là một minh chứng. Nhân những dịp lễ lớn, báo ra cả số đặc biệt, như dịp năm 1942 có cả số báo Tết kết hợp với chương trình đón Tết, ngâm thơ; hay năm 1943 ra số kỷ niệm ngày thành lập Đảng (dạo đó là ngày 6 tháng 1). Báo được thực hiện trên nền giấy thường, viết tay.

Báo Tết tăng trang… quảng cáo

Đây cũng là dịp các trang quảng cáo được tăng cường so với số thường để báo thêm thu nhập. Các báo, tạp chí trong những số xuân, số Tết cũng dành một phần đất cho các mục đố vui có thưởng như thai đố, giải ô chữ, đoán hình đúng tính chất vui xuân.

Đơn cử ở Thời thế Xuân Tân Tỵ 1941 có quảng cáo trà của hiệu Văn Minh, sơn Resistanco của Nguyễn Sơn Hà, giày H-Gia bền chắc; báo Đàn bà số Tết Quý Vị 1943 quảng cáo thuốc bổ máu Hồng Khuê, kem Mona, giầy Que Hien, sách Thi nhân Việt Nam, xổ số Đông Dương, hiệu bánh Thanh Hương...

 Truyền bá là số Tết 1943, tương ứng số 68. Ảnh: Đình Ba.

Truyền bá là số Tết 1943, tương ứng số 68. Ảnh: Đình Ba.

Bên cạnh đó là chủ đề Tết nhưng liên quan đến tính chất của báo, báo xuân, báo Tết của Phong hóa, Ngày nay thì tính chất cười cợt, biếm họa không thể thiếu; báo Phụ nữ Tân văn, Đàn bà mới, Đàn bà Tết liên quan phụ nữ, như Đàn bà mới số mùa xuân 1940 có nhiều bài về giới chị em: “Phụ nữ với mùa xuân”, “Phụ nữ ta 50 năm sau: Cuộc chơi xuân năm 1985”, “Chiều ba mươi dựa cửa trông chồng”…

Báo thiếu nhi cũng tham gia thị trường báo Tết, như tờ Truyền bá. Trên Truyền bá số 59, báo đăng tin về báo Tết Quý Mùi: “Năm nay nhà nào cũng có Truyền Bá tết Quý Mùi vì đó là một số báo HOÀN TOÀN NHẤT VỀ NHI ĐỒNG. Trẻ em sẽ đọc không bỏ một trang nào mà người lớn xem cũng thích. ĐỦ HẾT CÁC THỨ TRUYỆN VỀ TẾT! Các nhà văn thân mến của các em sẽ ký tên trong số này và hai họa sĩ Thịnh Đen và Nguyệt Hồ sẽ đem hết tài nghệ ra mà làm cho số báo đó đẹp như một thứ đồ chơi tết (xem Truyền Bá số sau)”. Số Tết của Truyền bá là số 68 dày tới 80 trang.

Dù làm báo xuân, báo Tết, nhưng có báo không ra số xuân, số Tết đều đặn “như vắt chanh” mà có lúc bị khuyết. Chẳng hạn Phụ nữ Tân văn trong thời gian tồn tại ra 4 số báo Xuân năm 1930, 1932, 1933 và 1934, nhưng riêng năm 1931 không ra báo xuân.

Thời này dù có hàng trăm tờ báo khắp ba miền, nhưng không phải báo nào cũng ra số Tết hoặc số xuân, ví dụ Bảo an y báo từ số 1 (7/1934) đến số 42 (1/1938), hoặc Nam Thanh Công giáo từ số 1 (4/1935) đến số 21 (12/1936 - 1/1937), Thần Nông báo (1929-1933), Tiếng chuông sớm (1935-1936)… chỉ ra những số báo thường.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-tet-binh-chuyen-nam-cu-post1394673.html