Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh Nơi lưu giữ ký ức Sài Gòn

Nằm trong một tòa nhà cổ hơn 100 năm tuổi, Bảo tàng TP.HCM là một kiến trúc đô thị cổ tuyệt đẹp, và là điểm đến thú vị cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử thành phố - thủ phủ của phương Nam.

Kiến trúc của bảo tàng là một tòa nhà cổ đã thay đổi nhiều chức năng qua những thăng trầm lịch sử.

Kiến trúc của bảo tàng là một tòa nhà cổ đã thay đổi nhiều chức năng qua những thăng trầm lịch sử.

Lịch sử công trình hơn trăm năm tuổi

Bảo tàng TP.HCM có địa chỉ tại số 65 Lý Tự Trọng, quận 1, với một địa thế đẹp trong khu đất rộng gần 2ha, giới hạn bởi bốn con đường bốn phía. Kiến trúc của bảo tàng là một tòa nhà cổ đã thay đổi nhiều chức năng qua những thăng trầm lịch sử.

Công trình khởi nguyên có tên là Bảo tàng Thương mại với mục đích trưng bày những sản vật trong nước, được khởi công xây dựng năm 1885 và hoàn thành năm 1890, theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux. Nhưng khi xây xong, tòa nhà trở thành tư dinh của Phó toàn quyền Đông Dương Henri Eloi Danel. Về sau, tòa nhà được sử dụng hẳn làm dinh Phó toàn quyền Đông Dương của nhiều vị kế nhiệm, hay còn gọi là dinh Phó soái; sau đó là dinh Thống đốc Nam Kỳ.

Chỉ trong năm 1945, tòa nhà đã năm lần thay đổi chủ nhân. Tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp, Thống đốc Yoshio Minoda (người Nhật) chiếm dinh này. Tháng 7 năm đó, phát xít Nhật mới giao dinh này cho chính phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim. Viên Khâm sai Nam bộ Nguyễn Văn Sâm ở chẳng bao lâu thì ngày 25.8.1945, lực lượng cách mạng hạ cờ quẻ ly kéo cờ đỏ sao vàng và từ đây tòa nhà trở thành trụ sở của Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân Nam bộ. Ngày 10.9.1945, trung tá B.W. Roe (phái bộ quân sự Anh) chiếm dinh, buộc Ủy ban Nhân dân Nam bộ phải dời về dinh Đốc lý (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân TP.HCM).

Sau khi chiếm lại Sài Gòn, từ ngày 23.5.1947, Pháp giao dinh này cho Lê Văn Hoạch làm trụ sở chính phủ Nam kỳ tự trị và sau đó chuyển cho Trần Văn Hữu làm dinh Tổng trấn (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần (từ 2.6.1948).

Sau hiệp định Genève 1954, và sau khi phế truất Bảo Đại năm 1955, Ngô Đình Diệm dùng tòa nhà này làm dinh Quốc khách. Trước đó, dinh được Quốc trưởng Bảo Đại đặt tên là dinh Gia Long. Ngày 27.2.1962, dinh Độc Lập bị ném bom, Ngô Đình Diệm dời phủ tổng thống sang đây. Hai mươi tháng sau, ngày 1.11.1963, quân đội Sài Gòn làm đảo chính, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ.

Năm 1966, dinh Độc Lập xây lại xong, tòa nhà này được làm trụ sở của Tối cao Pháp viện. Sau ngày 30.4.1975 một thời gian, Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng TP.HCM 12.8.1978, đến ngày 13.12.1999 được đổi tên thành Bảo tàng TP.HCM như hiện nay.

Công trình Bảo tàng TP.HCM có quy mô 2 tầng ở tòa nhà chính với diện tích 1.700m2 và tòa nhà ngang phía sau. Bố cục kiến trúc đăng đối, mang phong cách cổ điển Phục hưng với khối sảnh là điểm nhấn ở giữa, hai cánh trải dài hai bên với hàng cột ionic - một thức kiến trúc kinh điển của châu Âu. Kiến trúc công trình cũng là sự kết hợp Âu-Á: Mặt tiền mang nét Tây phương với nhiều phù điêu, trong đó có những biểu tượng của thần thoại Hy Lạp; nhưng phần mái lại mang dáng dấp Á Đông.

Do mục đích ban đầu của tòa nhà là Bảo tàng Thương mại trưng bày những sản vật trong nước, nên ở hai bên cửa chính có 2 cột trụ trang trí bằng hai tượng nữ thần thương nghiệp và công nghiệp. Tuy nhiên năm 1943, Thống đốc Nam kỳ Ernest Thimotheé Hoeffel đã cho phá bỏ hai tượng nữ thần tại cửa chính của dinh để xây dựng một mái hiên như hiện trạng bây giờ.

Nơi lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa

Bảo tàng TP.HCM có 9 không gian trưng bày chuyên đề cố định, đó là các phòng: (1) Thiên nhiên - Khảo cổ, (2) Địa lý - Hành chính Sài Gòn - TP.HCM, (3) Thương cảng, Thương mại - Dịch vụ, (4) Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp, (5) Văn hóa Sài Gòn - TP.HCM, (6) Đấu tranh cách mạng 1930-1954, (7) Đấu tranh cách mạng 1954-1975, (8) Kỷ vật kháng chiến, (9) Tiền Việt Nam.

Các không gian trưng bày trong bảo tàng là một câu chuyện kết nối và xuyên suốt tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP.HCM. Ở phòng Thiên nhiên - Khảo cổ, người xem có thể chiêm ngưỡng những di vật của những cư dân cổ cách đây 3.000-2.000 năm. Đó là những công cụ lao động như rìu đá, cuốc đá, trang sức, đồ minh khí; hình thức mai táng tìm được ở các di tích khảo cổ Bến Đò, di tích Gò Sao, Rỏng Bàng, Gò Cát, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Am, các di tích trong nội thành của TP.HCM.

Phòng Địa lý - Hành chính tái hiện sự thay đổi và phát triển của thành phố, từ một vùng đất hoang sơ, đến dấu ấn đô thị thành lũy kiểu phương Đông dưới thời Nguyễn, chuyển sang hình thái đô thị phương Tây thời Pháp thuộc, và tới một diện mạo mới mẻ, hiện đại như hiện nay. Ở đó, có nhiều bản đồ cổ qua các thời kỳ được trưng bày cho thấy sự thay đổi và phát triển hơn 300 năm của thành phố.

Đặc biệt, không gian “Văn hóa Sài Gòn - TP.HCM” cho thấy một sự phong phú, đa dạng về văn hóa, vốn là một đặc thù của mảnh đất phương Nam này. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Sài Gòn luôn được coi là miền đất hứa, nơi “đất lành chim đậu” hội tụ cư dân của nhiều dân tộc tới sinh sống, làm ăn. Không gian này trưng bày những nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc: Việt, Chăm, Hoa, Khmer. Những sự hợp lưu văn hóa đã làm nên Sài Gòn là một mảnh đất cởi mở, hiếu khách, nghĩa tình.

Bảo tàng TP.HCM là một di sản kiến trúc đô thị. Công trình là một phần lịch sử của đô thị Sài Gòn - TP.HCM, là nơi lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa, chứa đựng trong đó lịch sử đầy tự hào của thành phố.

Hà Thành

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bao-tang-thanh-pho-ho-chi-minh-noi-luu-giu-ky-uc-sai-gon-42637.html