Bảo tàng Dân tộc Việt Nam lưu giữ văn hóa dân tộc

Nằm ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc Việt Nam đã phục dựng và lưu giữ, trưng bày văn hóa, hiện vật của 54 dân tộc. Bảo tàng nghiên cứu, tổ chức trưng bày, phục chế hiện vật, tổ chức những hoạt động khác nhằm giới thiệu, phổ biến về các giá trị lịch sử, văn hóa của các dân tộc trong và ngoài nước.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lưu giữ văn hóa của 54 dân tộc với những
nét đặc sắc khác nhau, 54 dân tộc được chia thành 5 ngữ hệ khác nhau.

Lễ Lẩu Then của người Tày là loại nghi lễ mang tính chất tôn giáo với ý
nghĩa mang lễ vật đi tiến cống Ngọc Hoàng theo thông lệ

Bảo tàng tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Huyên, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Công trình Viện Bảo tàng Dân tộc học do kiến trúc sư Hà Đức Linh, người Tày thiết kế. Nội thất được thiết kế bởi nữ kiến trúc sư người Pháp. Bảo tàng gồm ba khu trưng bày chính: Khu trưng bày trong tòa Trống Đồng; Khu trưng bày ngoài trời; Khu trưng bày Đông Nam Á.
Bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hóa của cả 54 dân tộc. Các hiện vật này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, trang sức, công cụ trong lao động sản xuất, nhạc cụ, tôn giáo – tín ngưỡng, cưới xin, ma chay và nhiều hoạt động tinh thần, văn hóa xã hội khác.
Khu trưng bày thường xuyên trong tòa Trống Đồng giới thiệu tất cả 54 dân tộc ở Việt Nam. Ở đây, trưng bày nhiều hiện vật thông dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc.

Không gian trưng bày 54 dân tộc chia ra 5 ngữ hệ để đem tới cho khách tham quan những điều lý thú về các dân tộc. Đặc biệt phong phú hơn trong không gian trưng bày tại tòa Trống Đồng là đồ vải của các dân tộc như khố, váy, áo, khăn... trang phục của các dân tộc được phục dựng lại theo từng giai đoạn, được
trang trí bằng các kỹ thuật truyền thống khác nhau; cùng với đó là các vật dụng trong đời sống xã hội như gùi, giỏ, lưới bắt cá, săn bắn... những nhạc cụ bằng vỏ tre, quả bầu khô, tái hiện lại làng nghề truyền thống...và điển hình là đặc trưng nhà ở của các dân tộc như Thái Đen, Thái Trắng, Mường...
Không chỉ vậy, du khách tới đây sẽ được tham quan, nghe thuyết minh về những tập tục, các nghi lễ của các dân tộc như tang lễ người Mường, nghề dệt của người Mường hay lễ Lẩu Then của người Tày... Tất cả đều được phục dựng lại đem đến những điều thú vị đối với du khách trong và ngoài nước. Cùng với
hiện vật, trong phòng trưng bày tại khu Trống Đồng còn có ảnh và phim tư liệu, phản ánh mọi khía cạnh văn hóa vật thể, phi vật thể, những nét tiêu biểu trong đời sống và sự sáng tạo của các dân tộc.

Nhà người Việt – đây là khuôn viên nhà bà Cố Hợi, một gia đình khá giả
hồi nửa đầu thế kỉ XX ở xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Tất cả những thông tin trong khu trưng bày, các bài viết giới thiệu về các dân tộc, những tập tục, những làng nghề truyền thống, những chú thích về các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng đều được thực hiện bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp. Không chỉ đem lại cho du khách những hình ảnh về phong tục, tập quán, hình ảnh về trang phục cũng như là vật dụng củ mỗi dân tộc mà còn đem tới những công trình kiến trúc dân gian. Đó là khu trưng bày ngoài trời như nhà sàn dài của người Êđê, nhà rông của người Bana, cối giã gạo bằng sức nước của người Dao, nhà mồ tập thể của người Giarai, nhà mồ cá nhân của người Cơtu, nhà ngói của người Việt.Tất cả đều đem lại những nét đẹp khác nhau thể hiện trong từng nếp nhà xưa. Bên cạnh đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng đã ứng dụng công nghệ tham quan ảo, tương tác 3D các khu vực trưng bày của mình, đặc biệt là luôn có những không gian trưng bày nhất thời, thay đổi để phù hợp với chủ đề trưngbày. Điển hình là trưng bày “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp (1975 – 1986) năm 2006; năm 2013, trưng bày một góc cuộc sống sinh viên xã nhà học tập ở các thành phố lớn...Ngày nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đón nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, các đoàn học sinh vào đây mỗi năm nhiều hơn. Không chỉ đem lại sự giàu có về văn hóa dân tộc mà còn là điểm đến lý thú đối với mỗi người. Ngoài ra, còn có khu trưng bày Đông Nam Á để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước với mong muốn tìm hiểu các nền văn minh trong khu vực.

Mỹ Lương – Kim Chi

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bao-tang-dan-toc-viet-nam-luu-giu-van-hoa-dan-toc-a18592.html