Bảo tàng bên trong trường học

Với rất nhiều hiện vật quý, không gian Bảo tàng Dân tộc – Khảo cổ (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) không chỉ là nơi phục vụ việc nghiên cứu, học tập của sinh viên mà còn là địa chỉ được giới văn hóa, nghiên cứu ở Huế rất quan tâm.

Không gian Bảo tàng Dân tộc - Khảo cổ luôn thu hút sinh viên đến tìm hiểu, nghiên cứu thực tế

Nằm ở tầng 2 tòa nhà có lối kiến trúc Pháp duyên dáng của Trường đại học Khoa học, hướng mặt ra đường Nguyễn Huệ (TP. Huế), Bảo tàng Dân tộc – Khảo cổ hàng ngày vẫn đón rất nhiều sinh viên và các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu.

Nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi đặt chân vào không gian này. Được bày biện một cách khoa học, không gian này hiện có hơn 500 hiện vật gốc về khảo cổ học và dân tộc học, lịch sử có giá trị lịch sử - văn hóa. Phần lớn các hiện vật này được thầy trò của Khoa Lịch sử sưu tầm qua các đợt nghiên cứu điền dã ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Một số hiện vật trong số đó được Viện Đại học Huế chuyển lại sau khi giải thể năm 1976. Năm 2014, các hiện vật trong bảo tàng được bổ sung thêm thuộc các nền văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn nhờ trao đổi với Bảo tàng Nhân học (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Dù số lượng hiện vật không nhiều và không đầy đủ tất cả các thời kỳ nhưng trong bảo tàng đều có những hiện vật tiêu biểu, đại diện cho các di tích khảo cổ học miền Trung từ thời tiền sử, sơ sử đến lịch sử. Đáng chú ý trong đó có các tác phẩm điêu khắc văn hóa Champa do thầy trò trong khoa thu thập được từ phế tích tháp Linh Thái ở Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), với các loại hình như: phù điêu tu sĩ Bà-la-môn, nữ thần, đầu bò Nandin, chim thần Garuda, thủy quái Makara... Bên cạnh đó, có các sưu tập về đồ sành, gốm sứ của Việt Nam và Trung Quốc từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Đặc biệt, có hai bức tranh gương thời vua Thiệu Trị, một mộc bản triều Nguyễn, cùng các sưu tập về các loại tiền cổ, con dấu của Đại Việt...

Nhiều hiện vật dân tộc học được sưu tập từ những chuyến điền dã ở Nam Đông, A Lưới hay các huyện ở tận Quảng Nam, Tây Nguyên cũng xuất hiện ở bảo tàng này. Tất cả đã phản ánh mọi khía cạnh văn hóa vật chất dân cư và thể hiện tiêu biểu các sáng tạo văn hóa.

Nhiều sinh viên Khoa Lịch sử nói riêng và các ngành xã hội nhân văn Trường đại học Khoa học (Đại học Huế) nói chung cho biết tỏ ra thích thú khi được học thực hành ở không gian của bảo tàng với “mắt thấy tai nghe”. Nhiều sinh viên tìm đến bảo tàng thường xuyên, không chỉ được bổ trợ kiến thức mà xem đó như mái nhà, nơi được gặp các hiện vật và yêu thêm văn hóa, lịch sử của đất nước.

TS. Nguyễn Văn Quảng, Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, nhờ sự phong phú từ các hiện vật, bảo tàng trở thành nơi học tập trực quan bổ ích và lý thú đối với sinh viên trong khoa, cũng như với các đoàn tham quan. Những đoàn khách trong và nước ngoài đến trường, khoa làm việc thường tham quan bảo tàng và đánh giá cao giá trị những bộ sưu tập hiện vật ở đây.

Từ năm 2012 đến nay, bảo tàng đã tiến hành một số hoạt động hợp tác với các cơ quan bên ngoài, để trao đổi, cho mượn một số hiện vật khai quật được để trưng bày chuyên đề.

Theo TS. Quảng, khoa đang có hướng tiếp tục bổ sung làm phong phú thêm các sưu tập hiện có tại bảo tàng nhằm phát huy hơn nữa giá trị đối với công tác đào tạo, học tập của cán bộ và sinh viên trong khoa. Đồng thời trở thành nơi tham quan và nghiên cứu hữu ích đối với những nhà nghiên cứu và công chúng có nhu cầu.

“Chúng tôi mong muốn bảo tàng tiếp tục duy trì từ chuyên môn lẫn chất lượng, cũng như thực tế chức năng. Ngoài ra, các hiện vật được phát huy một cách tốt nhất vai trò của nó trong việc giảng dạy cho sinh viên trong khoa, trong trường và mở rộng ra bên ngoài xã hội”, TS. Quảng chia sẻ.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/bao-tang-ben-trong-truong-hoc-130588.html