Bảo tàng bên trong 'bảo tàng' 113 năm tuổi

Bảo tàng tỉnh Kiên Giang tọa lạc tại phường Vĩnh Thanh Vân, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) là điểm đến tham quan thú vị. Nơi đây, hoạt động bảo tàng được phát huy nhờ vào sự lồng ghép với giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - ngôi nhà cổ 113 năm tuổi.

Bảo tàng tỉnh Kiên Giang được thành lập năm 1985, trưng dụng ngôi nhà cổ của một địa chủ phong kiến xây dựng từ năm 1911 làm trụ sở hoạt động. Năm 1990, ngôi nhà cổ được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Trải qua hàng chục năm, hoạt động của Bảo tàng tỉnh được phát huy nhờ sự kết hợp giá trị với ngôi nhà cổ di sản (được ví như "bảo tàng" 113 năm tuổi).

Ngôi nhà bảo tàng được xây dựng vào năm 1911, hoàn thành năm 1920, diện tích khoảng 2.000m2. Chủ của ngôi nhà là ông Trần Nhuệ, một địa chủ nổi tiếng thời bấy giờ. Về sau, ông Trần Quang Chiêu (con thứ ba của ông Trần Nhuệ) thừa hưởng ngôi nhà. Người dân địa phương hay gọi nhà cổ này là nhà ông Ba Chiêu.

Ông Nguyễn Quang Khánh - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang cho biết, ngôi nhà cổ được gia chủ xây nên từ các vật liệu như mật mía, nhựa cây ô dước, cát, vôi trộn lại với nhau mà không dùng xi măng. Cách xây dựng này khá tương đồng với cách xây dựng cổng tam quan - một biểu tượng nổi tiếng của TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Gỗ dùng để xây nhà được gia chủ chọn mua gỗ quý như gỗ lim, gõ, căm xe… Gạch lát nền được nhập từ Pháp.

Du khách tham quan Bảo tàng tỉnh Kiên Giang.

Theo nhiều tài liệu của Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, trong thời gian xây dựng nhà, gia chủ đã thuê 100 người thợ lành nghề từ Gia Định - Huế làm việc xuyên suốt. Riêng phần bao lam của ngôi nhà, những người thợ phải thực hiện 7 năm mới hoàn thành. Việc làm nền nhà cũng mất khoảng 3 năm…

Tòa nhà Bảo tàng tỉnh Kiên Giang nhìn từ trên cao.

Với kiến thức và 20 năm kinh nghiệm công tác tại Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Quang Khánh chia sẻ, ngôi nhà cổ 113 năm tuổi có sự pha trộn độc đáo giữa văn hóa kiến trúc xây dựng của người Việt với văn hóa phương Đông, phương Tây. Đây cũng được xem là ngôi nhà cổ đẹp và nổi tiếng nhất của tỉnh Kiên Giang còn được bảo tồn đến ngày nay.

Gian chính của ngôi nhà Bảo tàng tỉnh Kiên Giang.

Cũng theo Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Quang Khánh, ngôi nhà có thế “nội công ngoại quốc”. Thoạt nhìn bên ngoài, nhiều người cứ nghĩ đây là một ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp thuần túy.

Tuy nhiên khi quan sát kỹ, không khó để nhận ra nhiều kết cấu, chi tiết xây dựng mang đậm văn hóa kiến trúc của người Việt xưa, hoặc văn hóa Á Đông với hoành lộng, bao lam, liễng, đối… bên trong ngôi nhà được nghệ nhân chạm khắc trên gỗ rất tinh xảo, tạo hình rồng, phụng, nai, hoa mai, hoa sen, cây tùng, cây bách… Đây đều là những tượng hình quen thuộc trong phong cách trang trí nhà của người Việt xưa.

Liễng đối, ở giữa là mặt trời, hai bên chạm phụng chủ đề “Loan phụng hòa minh”, thể hiện sự cao quý, uy quyền của gia chủ.

Đối phong cảnh chủ đề mai điểu với ý nghĩa mong muốn sự may mắn và phát triển, phóng khoáng, tự do.

Biểu tượng bao lam tượng trưng cho Phúc (với tạo hình dơi trong văn hóa Á Đông) - Lộc (hoa, lá) - Thọ (lan, điệp, nai, tùng, bách).

Tượng hình chim trên bao lam được cẩn xà cừ tinh xảo.

Cận cảnh phần mái bên trong gian chính ngôi nhà cổ.

“Nếu nhìn kỹ, ngôi nhà có sự hiện hữu của văn hóa Phật giáo và tục thờ cúng của người Việt xưa. Gia chủ trang trí bề mặt trước của ngôi nhà với nhiều đài vôi có tượng hình đầu rắn, tượng trưng cho truyền thuyết linh vật này bảo vệ đức Phật trên con đường tu hành.

Đài vôi mặt trước của ngôi nhà có tạo hình đặc biệt.

Phía dưới đài vôi có hoa cúc, hoa hồng (tượng trưng cho nước Pháp), hoa sen (tượng trưng cho văn hóa Nam bộ của người Việt). Qua nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi nhận định cách trang trí đài vôi bề mặt trước ngôi nhà như thế này có từ thế kỷ 16,17 thời kỳ Phục Hưng (châu Âu)”, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Quang Khánh cho biết.

Bên trong ngôi nhà di sản còn có nhiều vật dụng trên 100 năm tuổi, từng được gia chủ sử dụng hiện vẫn còn khá nguyên vẹn như bộ trường kỷ, bàn tròn, tủ gỗ cẩn xà cừ, ghế đôn… Theo lãnh đạo bảo tàng, sắp tới sẽ bố trí không gian để trưng bày những vật dụng này, phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân.

Bộ trường kỷ trên 100 năm tuổi trước đây gia chủ ngôi nhà cổ sử dụng, hiện còn khá nguyên trạng.

Một chiếc bàn tròn cổ từng được gia chủ sử dụng.

Cận cảnh những vật dụng bằng gỗ của ngôi nhà với những chi tiết chạm trổ rất tinh xảo.

Anh Nguyễn Minh Tín, ngụ phường An Hòa, TP. Rạch Giá cùng gia đình đến tham quan bảo tàng. Anh Tín cho biết: “Mọi thứ trong ngôi nhà rất cổ kính, kỹ năng điêu khắc trên gỗ của người xưa thật sự ấn tượng. Nhìn những chi tiết điêu khắc tạo hình tinh xảo, tôi có cảm giác những người thợ đã tốn rất nhiều công sức để hoàn thành ngôi nhà này. Có dịp tôi sẽ giới thiệu để người thân, bạn bè đến thăm bảo tàng”.

Gia đình anh Nguyễn Minh Tín, ngụ phường An Hòa, TP. Rạch Giá tham quan Bảo tàng tỉnh.

Trong khuôn viên bảo tàng còn có cây nhãn cổ hơn 100 năm tuổi. Cây phát triển tốt, nhiều trái, được xem là “người bạn đi cùng năm tháng” của ngôi nhà cổ 113 năm tuổi.

Cây nhãn hơn 100 năm tuổi nằm trong khuôn viên ngôi nhà cổ.

Đến nay, ngôi nhà 113 năm tuổi đã có 2 lần trùng tu. Lần gần nhất được thực hiện vào năm 2009 gồm gia cố, sửa chữa mái ngói, sơn vách tường và nhiều kết cấu, chi tiết khác của ngôi nhà cổ với kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng.

Những mảng ngói còn khá nguyên bản dù ngôi nhà đã 113 năm tuổi. Công tác bảo tồn tiếp tục được Bảo tàng tỉnh Kiên Giang chú trọng trong thời gian tới. Đối với những mảng ngói hư hỏng, các chuyên gia sẽ thay thế bằng loại ngói mới nhưng có kết cấu tương tự ngói cổ.

Sau 15 năm kể từ lần trùng tu gần nhất, ngôi nhà Bảo tàng tỉnh Kiên Giang hiện xuống cấp khá nặng. Phần mái gian nhà trưng bày, nhà làm việc, nhà kho của bảo tàng thấm dột. Tường vôi bị bong tróc, hư hỏng. Bên trong gian nhà trưng bày chính của bảo tàng có dấu vết côn trùng (mối, mọt) gây hại bề mặt gỗ…

Một số hạng mục trong ngôi nhà cổ xuống cấp.

“Các chi tiết gỗ bên trong bắt đầu có nhiều vết mối, cần phải xử lý để không bị lây lan thêm. Việc theo dõi và xử lý tác động của côn trùng đối với ngôi nhà được chúng tôi thực hiện xuyên suốt trong năm. Khi phát hiện có côn trùng tấn công, chúng tôi xử lý ngay”, anh Thái Quang Phú - Giám đốc Công ty xử lý mối, côn trùng tại TP. Rạch Giá cho biết.

Việc xử lý côn trùng (mối, mọt) trên các chi tiết gỗ trong ngôi nhà được thực hiện thường xuyên.

“Bảo tàng tỉnh Kiên Giang đang tiến hành làm báo cáo hiện trạng, trình lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, làm cơ sở để xin chủ trương và kinh phí của bộ, ngành Trung ương thực hiện việc duy tu, bảo tồn trong thời gian tới. Đây là di sản kiến trúc nghệ thuật quốc gia nên rất cần được sự quan tâm bảo tồn”, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Bạch Huệ nói.

Ban Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang thường xuyên khảo sát hiện trạng ngôi nhà cổ.

Bảo tàng tỉnh Kiên Giang hiện trưng bày khoảng 3.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu được chia thành 6 chuyên đề: Văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; hiện vật được trục vớt tại vùng biển Kiên Giang; Họ Mạc với công cuộc khai phá trấn Hà Tiên; Kiên Giang vùng đất - con người; thân thế, sự nghiệp Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; quân và dân Kiên Giang qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ.

Hiện vật trưng bày bên trong bảo tàng.

Chuyên đề hiện vật về văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được trưng bày khá phong phú bên trong bảo tàng. Theo thuyết minh viên Nguyễn Thị Hồng Phượng, đây cũng là chuyên đề thu hút nhiều nhất sự quan tâm của người dân, du khách khi đến bảo tàng.

Không gian trưng bày hiện vật chủ đề văn hóa Óc Eo bên trong bảo tàng.

Ở Kiên Giang, có 12 địa điểm ghi nhận phát hiện nền văn hóa Óc Eo. Đồng bằng sông Cửu Long có 8/13 tỉnh, thành phố có di chỉ của nền văn hóa này. Nền văn hóa Óc Eo phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long có niên đại từ thế kỷ thứ I - VI sau Công Nguyên.

Chỉ tay vào chiếc bình lớn thuộc văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có niên đại từ thế kỷ thứ IV - VI sau Công Nguyên, thuyết minh viên Nguyễn Thị Hồng Phượng cho biết, chiếc bình đặc biệt này được nhiều người ưu ái gọi tên là “hoa hậu” trong số các bình cổ thời văn hóa Óc Eo. Lý giải cho tên gọi này, chị Hồng Hạnh cho biết vì đây là chiếc bình to nhất, đẹp nhất, nguyên trạng nhất được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh Kiên Giang.

Cận cảnh chiếc bình văn hóa Óc Eo được mọi người gọi vui là "hoa hậu".

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực trưng bày hiện vật chủ đề văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, thuyết minh viên Nguyễn Thị Hồng Phượng giới thiệu loạt hiện vật “độc - lạ”, từng khiến không ít khách tham quan trầm trồ, bất ngờ như khuôn đúc đồ trang sức, con dấu của cư dân văn hóa Óc Eo, đèn gốm, bình đáy tròn, phù điêu đinh ba lửa…

Phù điêu đinh ba lửa thời văn hóa Óc Eo.

Điểm đặc sắc của Bảo tàng tỉnh Kiên Giang là có không gian trưng bày hiện vật (chủ yếu gốm) của 6 tàu cổ bị đắm trên vùng biển Kiên Giang. Gốm được tìm thấy có xuất xứ Trung Quốc và Thái Lan, niên đại thế kỷ 14-15. Nhiều chuyên gia nhận định, những tàu cổ bị đắm là tàu buôn, gặp nạn trên vùng biển Kiên Giang vì va phải đá, san hô ngầm.

Gốm Trung Quốc được tìm thấy chủ yếu là gốm thời nhà Minh.

Chiếc bình cổ to được vớt lên từ một tàu cổ bị đắm.

Du khách tham quan bảo tàng.

Ngoài những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, nhà kho của bảo tàng hiện có lưu giữ khá nhiều hiện vật cổ nhưng chưa được công bố. Cán bộ làm công tác tại Bảo tàng tỉnh Kiên Giang duy trì thực hiện việc sưu tầm, bổ sung nguồn hiện vật cho bảo tàng nhằm phục vụ việc trưng bày, giới thiệu trong thời gian tới.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang Nguyễn Quang Khánh cho biết, “bảo tàng” là chữ Hán - Nôm. Trong đó, “bảo” là những thứ quý giá, “tàng” là những gì để lại. Theo cách dịch nghĩa này thì “bảo tàng” là những gì quý giá được để lại, được lưu giữ. Như vậy, ngôi nhà cổ di sản này cũng được xem là một “bảo tàng”.

Tuy nhiên, cụm từ “bảo tàng” dùng trong tiếng Việt thuần túy lại được hiểu là nơi để lưu giữ, trưng bày những hiện vật quý, có giá trị lịch sử - văn hóa. Nhiều người nói Bảo tàng tỉnh Kiên Giang là bảo tàng bên trong “bảo tàng” là hoàn toàn có lý do.

Có thể khẳng định nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh Kiên Giang được phát huy thêm phần giá trị thông qua việc ngôi nhà bảo tàng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ở chiều ngược lại, hiệu ứng thu hút của hoạt động bảo tàng cũng giúp ngôi nhà cổ 113 năm tuổi được nhiều người biết đến hơn.

Du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa và hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Kiên Giang.

Ông Phạm Hiếu Thắng, ngụ TP. Cà Mau (Cà Mau) cùng gia đình du lịch đảo Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) . Qua lời giới thiệu của một người thân ở TP. Rạch Giá, gia đình ông Tuân quyết định đến thăm Bảo tàng tỉnh Kiên Giang dịp đầu năm mới Giáp Thìn.

Cũng theo Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, nếu nghiên cứu Luật Di sản Văn hóa sẽ dễ nhận thấy Bảo tàng tỉnh Kiên Giang đang “ở trọ” trong ngôi nhà cổ là di tích cấp quốc gia.

Nhận thức được vấn đề này nên nhiều năm qua, việc thiết kế các gian trưng bày hiện vật được bảo tàng thực hiện chú trọng tính di động, linh hoạt trong kết cấu, để sau này khi bảo tàng có “nhà mới”, việc di dời các gian trưng bày, di dời hiện vật… được thực hiện dễ dàng hơn.

Năm 2020, tỉnh Kiên Giang thực hiện việc xây dựng Trung tâm Bảo tồn di sản nghệ thuật tỉnh Kiên Giang quy mô lớn, kinh phí thực hiện giai đoạn đầu trên 100 tỷ đồng.

Cận cảnh Trung tâm Bảo tồn di sản nghệ thuật tỉnh Kiên Giang.

Công trình Trung tâm Bảo tồn di sản nghệ thuật tỉnh Kiên Giang đang trong quá trình triển khai thực hiện, tiến độ khá chậm vì gặp khó khăn về vốn. Khi hoàn thành, nơi đây được kỳ vọng sẽ là không gian tầm cỡ để phát huy hoạt động bảo tàng tỉnh, hướng đến phục vụ ngày càng nhiều hơn nhu cầu thưởng ngoạn, tham quan bảo tàng của công chúng.

Khu đất thuộc Công viên văn hóa An Hòa, TP. Rạch Giá là nơi tọa lạc của Trung tâm Bảo tồn di sản nghệ thuật tỉnh Kiên Giang.

HOÀNG GIÁM

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/van-hoa-the-thao/bao-tang-ben-trong-bao-tang-113-nam-tuoi-19127.html