Bão số 11 có khả năng gây mưa lớn diện rộng, gây thiệt hại nặng nề

Trong khi nhiều địa phương đang gồng mình khắc phục hậu quả mưa lũ thì tiếp tục 'đón' cơn bão số 11 được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường do đó không được chủ quan.

Bão số 11 có khả năng gây mưa lớn diện rộng, gia tăng rủi ro thiên tai

Bão số 11 có khả năng gây mưa lớn diện rộng, gia tăng rủi ro thiên tai

Chiều 14/10, tại cuộc họp ứng phó với bão số 11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh bão 11 vào trong hoàn cảnh nhiều địa phương vừa trải qua mưa lũ lớn, thiệt hại nặng nề, sẽ làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Mưa lũ đã tàn phá làm thiệt hại về người và kinh tế. Các địa phương đang gồng mình khắc phục hậu quả. Đây là diễn biến bất lợi cho ứng phó với bão 11. Vì vậy theo Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường, công tác ứng phó tuyệt đối không được chủ quan ngay từ bây giờ.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 13 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 117,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và còn mạnh lên.

Đến 13 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc, 114,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 15, biển động dữ dội.

Do ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 11, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang có mưa rào và dông, trong cơn dông khả năng có gió giật cấp 7-8.

Đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết đã chỉ đạo cho bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão số 11.

Lực lượng Bộ đội biên phòng đã thông báo cho các địa phương thông tin cho các chủ tàu thuyền biết được vị trí bão để di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, hiện còn 68 tàu với hơn 500 lao động đang hoạt động tại khu vực phía Bắc của Hoàng Sa. Tất cả các tàu đều đã nhận được thông tin về vị trí của bão số 11.

Thiếu tướng Trương Đức nghĩa - Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - cho biết bão số 11 ảnh hưởng trong hoàn cảnh thiệt hại từ lũ vẫn còn nhiều người mất tích chưa được tìm thấy, ngập lụt còn chia cắt ở nhiều nơi, sạt lở còn có nguy cơ xảy ra.

Theo ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, thì rất cần cảnh báo tình trạng sạt lở đất. Với bão số 11, Ban chỉ đạo sẽ huy động các nhà mạng cùng phát tin cảnh báo tới người dân.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương về thiệt hại do mưa lũ gây ra, tính đến ngày 13/10, cả nước đã có 60 người chết, trong đó 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa có số lượng người chết vì mưa lũ lớn nhất (Hòa Bình 20 người, Thanh Hóa 15 người); số người mất tích là 37 người; 31 người bị thương.

Đặc biệt, về sự cố sạt lở đất vùi lấp 04 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình:Tính đến chiều ngày 13/10, đã tìm được 11 thi thể nạn nhân bị vùi lấp; còn 7 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

Thiệt hại về tài sản, báo cáo cho biết, tính đến ngày 13/10, đã có 214 ngôi nhà bị sập; 39.977 nhà bị ngập nước; 1.967 nhà phải di dời khẩn cấp.

Về sự cố đê điều: Theo báo cáo của Vụ Quản đê điều tính đến 21h ngày 13/10 đã xảy ra các sự cố đê điều trên các tuyến đê, cụ thể như sau:

Tại Hà Nội: Các tuyến đê từ cấp III trở lên: xảy ra 01 sự cố sạt lở mái đê (K15+965-K15+996 tả Đáy, huyện Hoài Đức, địa phương đã xử lý giờ đầu; các tuyến đê dưới cấp III: đã bị tràn 3 đoạn với tổng chiều dài khoảng 1.100m tại huyện Mỹ Đức; sạt lở 1 đoạn bờ sông dài 10m tại huyện Mỹ Đức.

Tại Hà Nam: Trên tuyến tả Đáy (đê cấp III) đã xảy ra 04 sự cố sạt mái đê với tổng chiều dài 125m.

Tại Thái Bình: Xảy ra 01 sự cố lún, sập đường đỉnh kè Nhật Tảo tại K140 đê tả Hồng Hà I (đê cấp II).

Tại Nam Định: Trên các tuyến đê từ cấp III trở lên xảy ra 6 sự cố sạt mái đê với tổng chiều dài 1.178m, 01 sự cố rò rỉ qua thân đê, 01 sự cố thẩm lậu, 01 sự cố đùn sủi, 02 sự cố sạt lở bờ sông.

Tại Thanh Hóa: Trên các tuyến đê từ cấp III trở lên: Xảy ra 05 sự cố sạt lở mái phía sông, đồng với chiều dài 167m; 01 sự cố nứt đê dài 150m; 07 sự cố thẩm lậu, đùn sủi, lỗ rò; 03 sự cố cống qua đê; tràn cục bộ 07 đoạn đê với tổng chiều dài 3.276m; 02 sự cố sạt bờ sông và bờ kè; trên các tuyến đê dưới cấp III, đê bối, đê bao: Xảy ra 13 sự cố sạt lở mái đê với tổng chiều dài 815m; 10 sự cố thẩm lậu, đùn sủi, lỗ rò; 06 sự cố cống qua đê; 01 sự cố nứt dọc mặt đê dài 70m;12 đoạn đê bị nước tràn qua; vỡ 3,0m đê bao Tế Nông bảo vệ 40ha trồng cói. Địa phương đã kịp thời phát hiện và xử lý giờ đầu các sự cố nêu trên.

PV

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bao-so-11-co-kha-nang-gay-mua-lon-dien-rong-gay-thiet-hai-nang-ne-post239948.info