Báo quốc tế bật mí 5 điều ít người biết về Việt Nam

Nhân dịp 50 năm thành lập ASEAN, báo Singapore giới thiệu 5 điều thú vị chỉ có tại Việt Nam

Đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN (1967 – 2017), báo The Straight Times của Singapore đã có loạt bài viết về 50 điều thú vị nhất của 10 quốc gia thành viên ASEAN; trong đó nhắc đến 5 “bất ngờ” ít người biết đến về Việt Nam.

1. Dân tộc ít người nhất của Việt Nam

Theo The Straight Times, Si La là một trong những dân tộc ít người nhất của Việt Nam. Ngày nay, chỉ có khoảng chưa đầy 1.000 người Si La đang sinh sống chủ yếu tại huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và Mường Nhé (tỉnh Điện Biên)… Người Si La nói tiếng Si La – một ngôn ngữ của thuộc ngữ tộc Tạng Tiếng trong hệ ngôn ngữ Hán – Tạng.

Theo phong tục truyền thống Si La, đàn ông thường nhuộm răng đỏ, đàn bà nhuộm răng đen. Trang phục phụ nữ Si La khá cầu kỳ, phần trước ngực thường được trang trí với nhiều đồng xu kim loại.

Si La là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất của Việt Nam (ảnh: The Straight Times)

2. Nhà thờ Hồi giáo duy nhất ở miền Bắc nằm ở trung tâm Hà Nội

Tọa lạc tại địa chỉ 12 Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Al-Noor Masjid là Nhà thờ Hồi giáo duy nhất tại miền Bắc. Trong hơn 100 năm qua, nơi đây là địa điểm cầu nguyện cho những người dân Việt Nam và khách quốc tế theo đạo Hồi. Lịch sử kể lại, những thương nhân Ấn Độ đến Việt Nam bắt đầu xây dựng thánh đường vào năm 1885, chính vì vậy kiến trúc Al-Noor chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách và văn hóa Ấn Độ.

3. Đặc sản mực trứng

Tỉnh cực nam Cà Mau nổi tiếng với món đặc sản mực trứng. The Straight Times miêu tả, những mẻ mực trứng được ngư dân câu vào buổi đêm và ướp với đá để giữ độ tươi. Sáng hôm sau, người ta tách riêng phần trứng ra và phơi khô phần mực dưới nắng.

Giá thành mực trứng rất đắt, bởi vì từ 10 đến 12kg mực tươi mới có được 1kg trứng.

4. Con đường mòn dưới lòng biển

Nằm trên Vịnh Vân Phong (cách TP Nha Trang 60km), đảo Điệp Sơn đang trở thành một địa điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Một trong những điểm đặc biệt nhất của đảo Điệp Sơn, đó chính là “con đường mòn chìm nổi giữa đại dương”. Tùy thuộc vào các thời điểm khác nhau trong ngày, con đường sẽ chìm dưới làn nước trong xanh (vào buổi sáng khi triều lên), hoặc hiện ra hoàn toàn khô ráo (vào buổi chiều khi triều xuống).

5. Ngôi làng nơi “đấng mày râu” sinh ra để may áo dài cho phụ nữ

Cách Hà Nội khoảng 60km, làng Trạch Xá thuộc Huyện Ứng Hòa nổi tiếng với nghề may áo dài đã trải qua nhiều thế kỷ. Ngày nay, 90% thợ may trong làng là đàn ông – theo đúng một quy định truyền thống: bí quyết nghề nghiệp chỉ truyền lại cho các đấng nam nhi.

The Straight Times dẫn lại lời giải thích của ông Nguyễn Văn Nhiên, một thợ may 84 tuổi, từng có thâm niên làm áo dài trong 65 năm, cho biết: trước đây, người dân địa phương thường phải đi làm thợ may ở rất xa. Chính vì vậy, chỉ có đàn ông mới có thể trở thành thợ may, vì họ có thể đảm đương được sự vất vả của công việc và những hành trình dài ngày xa gia đình.

Dân làng cũng tin rằng, dưới bàn tay của các thợ may nam, những chiếc áo dài sẽ đẹp và có sức sống hơn.

(The Straight Times)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/bao-quoc-te-bat-mi-5-dieu-it-nguoi-biet-ve-viet-nam-249250.html