Bảo quản, lan tỏa giá trị tài liệu lịch sử

Nhiều tài liệu, hiện vật gắn với các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước từ trước Cách mạng tháng Tám, một số chưa từng được công bố liên quan tới Hiệp định Paris 1973 vừa được gia đình Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III sáng 26.8.

Lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng

Với tổng số 107 đơn vị bảo quản tài liệu giấy, 336 đơn vị bảo quản ảnh, 815 xuất bản phẩm, khối tài liệu này phản ánh cuộc đời và sự nghiệp hoạt động quân sự, ngoại giao của Đại tá Hà Văn Lâu và nhiều sự kiện lịch sự quan trọng của đất nước. Đặc biệt có những văn bản vô cùng giá trị tổng kết Cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ tại Paris từ năm 1968 - 1973. Bên cạnh đó là ảnh về hoạt động của Đại tá cùng các nhà lãnh đạo, nhà hoạt động chính trị và các nhân vật lịch sử tiêu biểu của Việt Nam và thế giới như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Mexico Luis Echeverría, Chủ tịch Cuba Phidel Castro, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông... và bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng riêng Đại tá nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của Bác tại Chiến khu Việt Bắc ngày 19.5.1950.

Nhiều tài liệu, hình ảnh thể hiện quá trình đàm phán Hiệp định Genève, HIệp định Paris.

Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu sinh năm 1918 tại làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong sự nghiệp cách mạng, ông đảm nhận một số trọng trách trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam; Chuyên viên quân sự tại Hội nghị Genève, Trưởng Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát thi hành Hiệp định Genève và Phó trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris; Đại sứ Việt Nam tại Cuba, Pháp và Liên Hợp Quốc...

Khối tài liệu này là tổng hợp kết quả 3 đợt Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tiếp nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thừa Thiên Huế từ đầu năm 2022. Tại lễ trao tặng tài liệu, hiện vật, bà Hà Thị Ngọc Hà - con gái Đại sứ Hà Văn Lâu chia sẻ: Theo cách mạng từ năm 17 tuổi, cuộc đời của ba tôi gắn liền với các sự kiện của lịch sử của đất nước. Sau thời gian, tất cả còn lại là những tập tài liệu này, từ tài liệu ở chiến khu Việt Bắc 1944 - 1945, tới quá trình chuẩn bị đàm phán Hiệp định Genève, thời gian dài đàm phán Hiệp định Paris và những năm tháng hoạt động ngoại giao của ông...

“Những tài liệu này được ông quý hơn sinh mạng. Năm 1999, trong trận lụt lịch sử ở Huế, mọi người chạy lụt, nhưng ông ở nhà lo cứu các trang giấy khỏi dính nước. Nhờ đó, các tài liệu này vẫn vẹn nguyên. Biết được giá trị của khối tài liệu cũng như tâm nguyện của ba tôi, nên khi ông mất, tôi đã gìn giữ những tài liệu này” - bà Hà Thị Ngọc Hà nói.

Lo rằng các tài liệu này sẽ mai một qua thời gian khi không được bảo quản đúng cách, bà Hà quyết định trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III để gìn giữ, khai thác, phát huy giá trị.

Từng bước giải mật, phát huy giá trị tài liệu

Tiếp nhận các tài liệu, hiện vật, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa khẳng định: Khối tài liệu do gia đình Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu trao tặng là nguồn tư liệu quý giá đề cập đến quá trình hoạt động của Đại sứ Hà Văn Lâu. Trong số này, nhiều thành phần tài liệu quan trọng về Hội nghị Paris chưa từng được công bố, thậm chí đang được đóng dấu chỉ các mức độ mật. “Trong quá trình diễn ra Hội nghị Paris với nhiều vòng đàm phán, có sự tham gia của các nhà ngoại giao, trong đó Đại sứ Hà Văn Lâu để lại nhiều dấu ấn. Ông được giao nhiệm vụ quan trọng, đôi khi là nguy hiểm, và giữ các tài liệu bí mật... Khối tài liệu mở ra các thông tin quý báu, vừa mang thông tin về các sự kiện chính trị mang tính chính thức, nhưng có nhiều câu chuyện thú vị đằng sau, thể hiện quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Genève, Hiệp định Paris”.

Theo Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Nguyễn Thị Nga, năm 2023 kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cần từng bước giải mật tài liệu, sắp xếp, chỉnh lý khoa học nghiệp vụ, sớm công bố thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi để phát huy hiệu quả giá trị của các tài liệu về quá trình đàm phán Hiệp định Paris nói riêng và khối tài liệu của Đại tá Hà Văn Lâu nói chung cho các mục đích nghiên cứu khác nhau...
Nhận định đây là khối lượng tài liệu ghi dấu những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam thời gian vừa qua, đặc biệt là lịch sử đối ngoại, TS. Vũ Thị Minh Hương, nguyên Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thấy rằng, trong 1.094 đơn vị ảnh, có nhiều bức ảnh quý chưa rõ thời gian, thông tin, vì thế còn rất nhiều việc phải làm. Không chỉ xem một bức ảnh, những người làm công tác lưu trữ cần “đọc” các bức ảnh dưới góc nhìn sử học. Các tài liệu, hiện vật cần được biên tập, đưa vào sử dụng để lan tỏa giá trị. Đây cũng là mục tiêu Chương trình Ký ức thế giới...

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bao-quan-lan-toa-gia-tri-tai-lieu-lich-su-i299126/