Bao phủ bảo hiểm y tế cho người có HIV: Khó nhưng rất cần

Do nguồn kinh phí hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân HIV sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện chi trả tiền thuốc điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho bệnh nhân từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT). Do vậy việc tham gia BHYT với đối tượng này là cấp thiết nếu không họ sẽ không thể thực hiện được việc điều trị do kinh phí lớn.

Bệnh nhân HIV không có thẻ BHYT sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong điều trị bệnh trong bối cảnh nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế bị cắt giảm. Ảnh: D.N.

Nhiều khó khăn

Theo ông Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng Truyền thông và huy động cộng đồng, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, nguồn viện trợ điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) cho người nhiễm HIV từ các dự án quốc tế sắp tới sẽ bị cắt giảm khiến công tác phòng chống HIV/AIDS và bản thân người bệnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, những lo lắng đó có thể được giải tỏa nếu người nhiễm HIV tham gia BHYT. Hiện số lượng bệnh nhân HIV có thẻ BHYT vẫn chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 40%.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay nhiều địa phương, nhiều bệnh nhân có HIV không có khái niệm cụ thể nào về thẻ BHYT, không nhận thấy tầm quan trọng của thẻ BHYT. Nhiều bệnh nhân được chính quyền địa phương trợ cấp mua thẻ BHYT miễn phí song cũng không dùng tới bởi nhiều năm nay vẫn quen được điều trị miễn phí thuốc ARV. Bên cạnh đó, qua tiếp xúc với nhiều bệnh nhân HIV, phóng viên nhận thấy cuộc sống của họ quá khó khăn, do không đủ sức khỏe nên không có khả năng lao động, chỉ sống lay lắt qua ngày, vậy nên để có thêm kinh phí mua thẻ BHYT là cả vấn đề nan giải.

Chị Nguyễn Thị Ch., phường Trung Kiên, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết, từ khi phát hiện mắc bệnh đã được điều trị bằng thuốc ARV miễn phí, do vậy không nghĩ đến việc phải mua thẻ BHYT. Gần đây, nghe thông tin nguồn thuốc viện trợ sắp bị cắt giảm, sắp tới người bệnh muốn dùng thuốc ARV phải trả tiền, còn không phải mua thẻ BHYT (khoảng hơn 600.000 đồng/năm), chi phí sẽ giảm đi phần nào, song tôi rất lo lắng khoản kinh phí mua thẻ BHYT bởi sau khi bị bệnh chỉ ở nhà, không đủ sức khỏe làm việc, kinh tế gia đình chỉ trông vào người chồng đi làm phụ hồ, tiền công được trả hàng ngày đủ tiền chi tiêu ăn uống, sinh hoạt.

Cũng có hoàn cảnh khó khăn, chị Nguyễn Thị C., phường Thốt Nốt, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ chia sẻ, người nhiễm HIV đa số có hoàn cảnh khó khăn, điều những bệnh nhân có HIV như chị lo sợ nhất khi khám, chữa bệnh bằng BHYT là mọi người sẽ biết mình bị nhiễm HIV và kỳ thị. Do vậy một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh.

Nêu lên thực tại khó khăn khi tiến hành mục tiêu bao phủ BHYT cho bệnh nhân HIV, ông Nguyễn Danh Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV tỉnh Cần Thơ cho biết, trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng hơn 10% số bệnh nhân HIV chưa có thẻ BHYT. Đối tượng này chủ yếu là dân cư từ địa phương khác chuyển tới sinh sống, không có giấy tờ tùy thân, không có thông tin cá nhân khiến cho việc mua thẻ BHYT không thể thực hiện được. “Có trường hợp bệnh nhân từ địa phương khác chuyển tới, thất lạc gia đình, mất hết giấy tờ tùy thân, dù cán bộ nhân viên y tế của Trung tâm cố sức trợ giúp để bệnh nhân có thẻ BHYT song quy định của bảo hiểm yêu cầu phải có giấy tờ tùy thân mới mua được BHYT do vậy không còn cách nào khác”, ông Lam nói.

Còn theo bà Lê Thị Kim Thoa, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ bệnh nhân HIV tham gia BHYT còn thấp, có 5 huyện đạt dưới 50%, 2 huyện đạt trên 80% và 1 huyện đạt trên 90%. Một nguyên nhân quan trọng khiến bệnh nhân chưa muốn tiếp cận với thẻ BHYT là lo sợ lộ thông tin khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Do vậy nhiều bệnh nhân HIV không dám về địa phương, đi tìm việc nhiều nơi, không đăng ký tạm trú hoặc thường trú; thường xuyên thay đổi chỗ ở, sống lang bạt, thậm chí họ không có cả chứng minh nhân dân. Đây là rào cản cơ bản khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận BHYT. Bên cạnh đó, nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án. Thêm vào đó, bản thân người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT.

Nỗ lực bao phủ BHYT

Theo ông Đỗ Hữu Thủy, nguy cơ lớn nhất khi người nhiễm HIV không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, gia tăng tình trạng kháng thuốc, khi đó công tác điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém gấp bội phần. Tuy nhiên, hiện nhiều người nhiễm HIV chưa hiểu hết được lợi ích của BHYT. Một số người khác lại cho rằng thuốc ARV vẫn đang cấp miễn phí nên không cần tham gia mà không biết rằng thời gian tới do hết tài trợ từ tổ chức quốc tế nên người bệnh sẽ phải tự chi trả tiền thuốc điều trị ARV, do vậy vấn đề quan trọng trước tiên là tuyên truyền cho người bệnh về việc cần thiết, lợi ích khi tham gia BHYT. Về lâu dài, giải pháp sử dụng BHYT chi trả cho điều trị AIDS vẫn là hiệu quả nhất và hiện nhiều địa phương trên cả nước đang quyết liệt thực hiện. Tại Hà Nội , ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, sẽ tạo điều kiện tốt nhất về mặt thủ tục hành chính cho bệnh nhân nhiễm HIV để mua BHYT.

Cụ thể, những người nhiễm HIV không đủ điều kiện mua BHYT theo hộ gia đình có thể trực tiếp đến Trung tâm y tế các quận, huyện hoặc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội để báo cáo. Những trường hợp này sẽ được lập danh sách riêng để gửi BHXH Hà Nội xem xét và tạo điều kiện mua BHYT tự nguyện mà không nhất thiết phải mua theo hộ gia đình. Hiện nay, Hà Nội có 21 cơ sở điều trị HIV, trong đó 6 cơ sở đã được Sở Y tế Hà Nội đề xuất BHXH Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV và 11 trung tâm y tế sẽ tiếp tục được đề xuất ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV.

Về phía Cục Phòng chống HIV/AIDS, theo Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh, để tăng độ bao phủ BHYT cho người nhiễm HIV, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ. Thực hiện chỉ đạo này, nhiều tỉnh đã cân đối ngân sách của địa phương để mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Đồng thời, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu chuyển đổi nguồn lực.

Ông Cảnh cũng thông tin, ngành Y tế đang tìm các giải pháp thích hợp để tăng tỉ lệ người nhiễm HIV có BHYT, như tăng cường công tác truyền thông, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện mua BHYT. Những hộ không có điều kiện kinh tế để mua cả gia đình sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để người nhiễm HIV được cấp thẻ BHYT. Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ y tá, bác sĩ tại các trung tâm y tế, bệnh viện các tuyến có chức năng khám, chữa bệnh cho người bệnh HIV/AIDS. Cán bộ y tế phải hiểu, thông cảm và đồng cảm với người bệnh. Quy định về giấy tờ, hồ sơ phải được mã hóa, bảo đảm bảo mật bệnh tật của người bệnh; bảo đảm thông tin về HIV không tiết lộ ra ngoài, chỉ hạn chế trong các cơ sở điều trị và cơ quan BHYT. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh nhiễm HIV/AIDS phải vượt qua được sự kỳ thị bởi đây là cuộc chiến đấu lâu dài, cho nên không thể giấu suốt đời.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bao-phu-bao-hiem-y-te-cho-nguoi-co-hiv-kho-nhung-rat-can.aspx