Báo Mỹ nêu cách Nga làm chậm đà phản công của Ukraine

Theo Washington Post, ba tháng sau cuộc phản công của Ukraine, lực lượng Nga phần lớn đã có thể giữ vững vị trí của mình nhờ việc học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ.

Quân đội Nga đã tái lập các đơn vị đã bị tiêu hao, thay thế bằng lực lượng mới và chuyển từ tấn công sang phòng thủ các tiền tuyến kiên cố. Moscow hiện nỗ lực gia cố hàng thủ và chờ đợi quyết tâm của những người phương Tây ủng hộ Ukraine giảm bớt.

Các chuyên gia cho rằng việc Nga tổ chức phòng thủ tương đối tốt đánh dấu sự trở lại học thuyết quân sự lâu đời thời Liên Xô. Sau chiến dịch phản công chớp nhoáng được đánh giá rất thành công của Ukraine vào mùa thu năm 2022 buộc lực lượng Moscow phải rút lui chiến thuật, quân đội Nga đã rút được bài học kinh nghiệm từ thất bại này.

Chiến hào và thiết bị quân sự của Nga ở khu vực Kharkov - Ảnh: Washington Post

Thay vì dàn trải lực lượng quá mức, chiến lược huy động nhân lực Moscow đang dần thay đổi nhằm kìm hãm đà phản công của Ukraine. Họ âm thầm chuẩn bị thế và lực nhằm có thể lựa chọn thời điểm để phát động tấn công.

“Đây là một ví dụ về sự thích nghi. Họ đang sử dụng kinh nghiệm của mình về cuộc chiến này để chiến đấu với lực lượng Ukraine”, Ian Matveev, nhà phân tích quân sự Nga nói với Washington Post.

Trong những tuần gần đây, Ukraine tuyên bố đạt được những thành tựu phản công trong nỗ lực cắt đứt cây cầu đất liền phía nam của Nga tới bán đảo Crimea. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng với lượng khí tài phương Tây cùng nhiều tháng huấn luyện với các thành viên NATO, Kyiv cho đến nay vẫn chưa có nhiều đột phá. Ukraine tiếp tục dựa vào một chiến thuật cũ: bắn pháo vào các vị trí của Nga.

Trong khi đó, Nga đã bắt đầu chuyển từ thế thủ sang công. Cuộc tấn công mới vào thành phố Kupyansk ở phía bắc cho thấy Nga vẫn có thể tiến lên. Các chuyên gia cho rằng, đây là bước đi chiến lược làm kéo dãn lực lượng Ukraine ở phía nam.

Quân Nga đang tập hợp lại

Theo đánh giá của phương Tây, dù chịu nhiều tổn thất, lực lượng Nga vẫn có thể phục hồi. Bộ Quốc phòng Anh ước tính Nga có thể triển khai số lượng quân tại Ukraine tương đương với thời điểm bắt đầu cuộc chiến: khoảng 200.000 lính, chia cho 70 trung đoàn và lữ đoàn chiến đấu, bảo vệ các chiến tuyến trải dài khoảng 1.000km.

Ước tính gần đây của Ukraine cho biết, gần một nửa lực lượng của Nga tập trung ở vùng đông bắc, cách xa trung tâm cuộc phản công ở phía nam.

Trước khi xung đột nổ ra, quân số của Ukraine ước tính khoảng 250.000 người và đang có kế hoạch mở rộng. Cả Nga và Ukraine đều bị thương vong đáng kể trong cuộc chiến. Giới chức Mỹ và châu Âu hồi đầu năm nay ước tính tổng số binh sĩ thiệt mạng trong cuộc chiến lên tới hơn 300.000 và những con số ngày càng tăng lên.

Lý thuyết quân sự truyền thống cho rằng một lực lượng tấn công sẽ cần ít nhất gấp 3 lần số lượng binh sĩ phòng thủ để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, quân số của lực lượng Ukraine dường như không đáp ứng được điều kiện này.

“Trong những tình huống như thế này với hàng phòng ngự đã được chuẩn bị sẵn, Ukraine cần nhiều hơn 3 chọi 1. Có thể là 6 hoặc 10 hoặc chọi 1”, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington), ông Mark Cancian cho hay.

Karolina Hird, nhà phân tích Nga tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) nhận định các đơn vị Nga vốn bị tổn thất trong cuộc chiến dường như đang được lấp đầy. Hird cũng cho biết Moscow đã huy động các binh sĩ tinh nhuệ có kinh nghiệm để đáp trả cuộc phản công của Ukraine ở khu vực phía nam. “Những người lính này đã dành nhiều tháng để chuẩn bị cho loại hoạt động phòng thủ”, ông nói.

Chiến thuật của Moscow

“Vào năm ngoái, Nga đã tự tin rằng họ có thể tiếp tục tấn công và kiểm soát được một lượng lớn lãnh thổ hoặc thậm chí toàn bộ Ukraine. Bây giờ họ đang cố gắng phòng thủ”, chuyên gia quân sự Cancian cho biết. Cách tiếp cận này thể hiện sự quay trở lại nguyên tắc truyền thống trong tư duy quân sự của Nga: tập trung vào huấn luyện các hoạt động phòng thủ vì lo sợ một cuộc tấn công từ phương Tây.

Dara Massicot, nhà phân tích quân sự Nga tại Rand Corp., một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, cho biết: “Chuẩn bị những vị trí phòng thủ như thế này là điều mà các chỉ huy Nga đã nắm rõ và khắc sâu vào đầu kể từ khi họ còn là học viên”.

Một bài xã luận được đăng hồi tháng 4 trên Military Thought - tạp chí của giới tinh hoa quân sự Nga - nhấn mạnh việc tập trung vào tấn công đã phải trả giá. Bài báo không đề cập đến cuộc chiến tại Ukraine nhưng đã vạch ra một chiến thuật thực tế, nhằm bảo vệ các khu vực trọng điểm.

Theo Washington Post, đồng tác giả của bài xã luận là Alexander Romanchuk, người đứng đầu một học viện quân sự ở Moscow, sau đó được bổ nhiệm phụ trách nỗ lực phòng thủ ở vùng Zaporizhzhia - trọng tâm trong chiến dịch phản công của Ukraine ở phía nam.

Các chuyên gia đánh giá việc thiết lập tuyến phòng thủ nhiều lớp của Nga nhằm làm chậm và bào mòn lực lượng Ukraine. Ngay cả khi Kyiv vượt qua được tiền tuyến, họ vẫn phải đối đầu với các lực lượng mới của Nga đang cố thủ ở tuyến thứ 2 hoặc thứ 3.

Việc sử dụng mìn là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Moscow. Quân đội Nga sử dụng hệ thống ISDM Zemledeliye để rải mìn từ trên không, đồng thời sử dụng các chiến hào đã được dựng lên ngăn cản các lực lượng đang tiến lên.

Các đơn vị pháo binh tinh vi của Nga cũng được nhiều người đánh giá là chìa khóa trong nỗ lực phòng thủ. Chúng có thể xác định mục tiêu mới và tiến hành các cuộc tấn công chỉ trong vài phút.

Cơ hội nào cho Ukraine?

Quân đội Nga đã xây dựng một hệ thống phòng thủ hiệu quả song có những dấu hiệu cho thấy Moscow đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lực.

“Họ đang thiếu hụt các phương tiện bọc thép có thể triển khai. Bên cạnh đó, sau cuộc nổi loạn của Wagner, cơ cấu lãnh đạo quân sự của Nga dường như vẫn còn lộn xộn”, nhà phân tích quân sự James Rand nói và cho biết thêm rằng việc lực lượng lính đánh thuê Wagner bị rút khỏi Ukraine đã loại bỏ tới 20.000 chiến binh giàu kinh nghiệm khỏi chiến trường.

Theo các nhà phân tích và cựu chiến binh, nếu quân đội Ukraine muốn xuyên thủng các phòng tuyến tiếp theo, họ cần theo dõi kỹ lưỡng địa hình cũng như đánh giá thận trọng năng lực phòng thủ của Nga. Thắng lợi của cuộc phản công phụ thuộc vào việc có đủ người hỗ trợ rà phá bom mìn với trang bị phù hợp. Ngoài ra, việc đủ đạn pháo để tấn công và làm suy yếu lực lượng Nga cũng sẽ rất quan trọng. Kyiv cần nhận ra rằng việc cho Moscow thời gian để xây dựng hệ thống phòng thủ là một sai lầm chiến lược và vì vậy họ phải duy trì áp lực lên quân Nga.

Hoàng Vũ (theo Washington Post)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bao-my-neu-cach-nga-lam-cham-da-phan-cong-cua-ukraine-205275.html