Bạo lực học đường: trách nhiệm đùn đẩy?

Chúng ta luôn nghĩ vấn đề bạo lực học đường là ở con trẻ, thầy cô… nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn chính là cha mẹ, gia đình, những người luôn ở bên và đồng hành với trẻ từ ấu thơ cho tới khi trưởng thành.

Ngày 19/10/2017, tại Hà Nội, thương hiệu sách giáo dục MESSYBOOKS phối hợp với Trung tâm sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng – CFC Việt Nam đồng tổ chức sự kiện “Bạo lực học đường – Ba mẹ đang ở đâu?”nhân dịp ra mắt cuốn sách “Marion, mãi mãi tuổi 13”.

Mục đích của chương trình nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực học đường tại Việt Nam, thảo luận những giải pháp từ phía gia đình và nhà trường. Bên cạnh đó, chương trình cũng giới thiệu tới độc giả phiên bản Tiếng Việt cuốn sách “Marion – Mãi mãi tuổi 13”, cuốn sách được viết bởi một người mẹ đã mất đi đứa con gái của mình vì bạo lực học đường gây chấn động nước Pháp.

Số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau...

Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta đã xem nhẹ những hành vi này và không thực sự lưu tâm đến các biểu hiện của con trẻ. Bởi cho dù là trẻ đi bắt nạt hay trẻ bị bắt nạt đều rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ của cả gia đình và nhà trường để có thể phát triển, trưởng thành cả về thể chất và tâm lý thành những công dân tốt, những con người hòa bình trong tương lai.

Vấn nạn bạo lực học đường, trách nhiệm thuộc về ai ? - Bản thân học sinh, gia đình, nhà trường hay xã hội ?

Bạn Đỗ Việt Cường, một 9X hiện cũng đang tham gia giảng dạy khá nhiều lớp kỹ năng sống chia sẻ: ngày đi học cũng có là nạn nhân của bạo lực học đường. Hiện tại, Cường cũng gặp khá nhiều tình huống bạo lực học đường nhưng điểm chung khiến trẻ không kiểm soát được hành vi, gây ra bạo lực với bạn bè, thậm chí thầy cô là bởi những hiệu ứng lan truyền. Có thể từ những chuyện nhỏ, trẻ bị ức chế không thể giải tỏa nên đã dồn ứ, tích tụ dễ bùng nổ và gây ra những sự việc đáng tiếc.

Bởi vậy, Việt Cường cho rằng cha mẹ, người trong gia đình có vai trò vô cùng quan trọng khi cần trở thành người giúp trẻ giải tỏa những vấn đề về tâm lý. Ví như câu hỏi thường ngày: “hôm nay có việc gì không?” hay việc cùng trò chuyện, tâm sự với trẻ. Khi trẻ đã hết những ức chế, khó chịu thì việc gây ra bạo lực học đường cũng sẽ khó xảy ra.

Dịch giả Hiệu Constant cũng chia sẻ rằng, việc có thể trò chuyện, tâm sự cùng con cái vô cùng quan trọng. Thêm đó, cha mẹ cũng cần hiểu và nắm bắt tâm lý của con cái mình. Ví như, cô cũng có hai đứa con với tính cách khá trái ngược. Một bé rất hay thể hiện cảm xúc, có chuyện gì bực tức, ức chế sẽ nói, tâm sự cùng mẹ ngay nhưng sau đó mọi việc rất dễ được giải quyết. Còn một bé khác lại rất ít khi thể hiện điều này. Làm mẹ, dĩ nhiên cô cũng sẽ phải quan tâm và tìm cách trò chuyện nhiều hơn để hiểu con muốn hay đang nghĩ gì.

Chị Hiệu constant chia sẻ, các bậc cha mẹ nên quan tâm tới con cái nhiều hơn. Thực tế, ta làm cha mẹ chỉ có 1-2 đứa trẻ nhưng vẫn không thể hiểu được chúng thì thầy cô chủ nhiệm một lớp tới 40-50 học sinh sẽ khó hơn việc nắm bắt, hiểu rõ tất cả. Chúng ta không nên đổ lỗi cho mạng xã hội, cho thầy cô quá nhiều mà vấn đề là cha mẹ hãy hiểu rõ con hơn, quan tâm chúng hơn mỗi ngày… Điều này sẽ giúp hiểu và giáo dục tốt hơn cho con trẻ.

Chuyên viên tâm lý Hồng Tâm cho biết đã gặp rất nhiều những trường hợp cả trẻ là nạn nhân lẫn thủ phạm gây ra bạo lực học đường thì đều gặp rất nhiều những vấn đề về gia đình. Theo chuyên viên tâm lý, nguyên nhân sâu xa nhất của bạo lực học đường dĩ nhiên không phải do gia đình, học đường, thầy cô mà từ sự yếu đuối:

Yếu đuối thứ nhất: với những việc xảy ra với chính mình: khi gặp những chuyện không như ý các em sẽ tức giận, bức xúc, bực bội và có xu hướng trút điều đó lên người khác. Và chúng ta dường như ai cũng vậy, tuy nhiên, người lớn sẽ biết cách kiềm chế và dừng lại hơn con trẻ. Còn trẻ nhỏ sẽ tìm cách trút giận lên bạn bè, những người yếu thế hơn.

Yếu đuối thứ hai: nhiều con trẻ sợ một mình nên đã nghiễm nhiên gia nhập vào bạo lực học đường. Nó không còn là vấn đề của một cá nhân với một cá nhân mà là nhiều cá nhân với một vài cá nhân khác. Có thể các em không muốn tẩy chay, bắt nạt bạn nhưng vì sợ mình bị tẩy chay mà lại tham gia vào hay bỏ lơ nạn nhân. Gốc rễ của bạo lực học đường sẽ là sự yếu đuối- tức giận - nhận thức không đúng.

Bởi thế, chuyên viên tâm lý Hồng Tâm nhấn mạnh rằng việc giúp trẻ nhỏ giải tỏa cảm xúc, thay đổi nhận thức sẽ là cốt yếu để giúp chúng không gây ra bạo lực học đường hay không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Và dĩ nhiên, ở đây, vai trò của bố mẹ sẽ nhiều hơn cả thầy cô ở trường.

Rất nhiều ý kiến của các thành viên tham gia buổi tọa đàm đều thống nhất quan điểm là cha mẹ cần trò chuyện và hiểu rõ hơn với con cái mình. Hãy để con trẻ biết rằng chúng luôn có người yêu thương, có người tin tưởng để chúng có thể dừng lại trước nhiều sai lầm.

Đôi khi, cuộc sống quá bận rộn, công việc, cơm áo gạo tiền, việc gia đình… khiến nhiều bậc cha mẹ quên lãng đi việc ngồi xuống trò chuyện cùng con cái mỗi ngày. Nhiều cha mẹ lại chỉ quan tâm tới thành tích học tập và những câu hỏi dù nhiều lại chỉ là: hôm nay học gì, hôm nay được bao nhiêu điểm… mà quên mất hỏi trẻ “hôm nay con có vui không?”, “hôm nay có việc gì không?”, “con vẫn ổn chứ”… Vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng để giáo dục và giúp con trẻ vượt qua những vấn đề của lứa tuổi học trò.

Vĩ Thanh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/bao-luc-hoc-duong-trach-nhiem-dun-day-78632.html