Bạo lực học đường - hãy giúp con trước khi quá muộn

Cuốn sách Marion, mãi mãi tuổi 13 là câu chuyện của một người mẹ viết về cái chết của cô con gái bé bỏng mới 13 tuổi-Marion. Cô bé là nạn nhân của bạo lực học đường trong thời gian dài và cuối cùng đã chọn cách kết thúc cuộc sống.

Đề tựa của cuốn sách đã viết “Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ là chủ đề tranh luận, thảo luận trong mỗi gia đình các bạn và ở cả những nơi khác. Mong rằng nó sẽ có hiệu lực hệt như một ngòi nổ và sẽ khiến cho các em học sinh ý thức toàn vẹn về nạn quấy rối giữa chúng với nhau”.

Marion mãi mãi tuổi 13” là câu chuyện có thật. Marion Fraisse 13 tuổi, thông minh, xinh đẹp và chăm chỉ. Em có một gia đình hạnh phúc, sống cùng một em trai 18 tháng tuổi và một em gái 9 tuổi, cha mẹ hết mực yêu thương. Marion ước mơ sau này sẽ trở thành kiến trúc sư. Nhưng cô bé đã không bao giờ thực hiện được ước mơ của mình. Mọi chuyện bắt đầu tồi tệ khi khi mỗi ngày cô bé đến trường bị chính những người bạn học lừa dối, lăng mạ và xâm phạm đến cơ thể. Không chịu nổi, Marion Fraisse đã tự tìm đến cái chết.

Điều gì đã xảy ra? Câu hỏi ám ánh cha mẹ cô bé, bởi lẽ, họ chưa bao giờ thấy em phàn nàn hay than vãn vì buồn chán bất hạnh, bị tổn thương hay kiệt sức cả. Cha mẹ cô đã đi tìm kiếm câu trả lời. Sau đó đã khám phá ra các tin nhắn trong điện thoại, một tài khoản Facebook bí mật, những thông báo xúc phạm trên mạng xã hội của cô bé.

Tại Pháp, cứ 10 học sinh thì sẽ có 1 học sinh là nạn nhân của nạn Quấy rối học đường. Cuốn sách là câu chuyện có thật của cô bé Marion Fraisse đã bị quấy rối cả ở học đường lẫn trên mạng xã hội và bị nhà trường và bạn bè bỏ mặc.

Từng trang của cuốn sách khắc họa chi tiết nỗi đau khổ của người mẹ khi chứng kiến cảnh con gái mình tự tử vì bạo hành tại trường học. Những tháng ngày cô cố gắng tìm câu trả lời cho cái chết của Marion, cũng là khoảng thời gian cô phải chịu đựng sự xa lánh của các gia đình khác và giáo viên trong trường.Gia đình cô phải chịu những tin đồn vô căn cứ xung quanh việc tử tự của con gái. Nhưng người mẹ ấy không chọn cách bỏ cuộc, vì đứa con thân yêu và vìhàng vạn những em nhỏ ngoài kia, với mong muốn ngăn chặn nỗi đau do bạo lực học đường gây ra. Người mẹ đau khổ mà can đảm ấy không chỉ đấu tranh cho gia đình mình mà còn đấu tranh vì rất nhiều gia đình khác nữa. Trên tất cả không thứ gì có thể ngăn cản tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con của mình, cho dù đứa con ấy còn sống hay đã mất.

Cuốn sách không chỉ là nỗi đau bàng hoàng mất con mà còn là cuộc chiến của người mẹ tìm lại công lý cho con gái mình. Cuốn sách gây tiếng vang lớn tại Pháp năm 2015, mở ra cuộc chiến đấu của những phụ huynh cũng chịu chung nỗi đau âm ỉ -  có con cái bị quấy rối.

Trích bức thư của người mẹ Noara Fraisse gửi cho cô con gái đã qua đời của mình:

Gửi Marion,

Marion, con gái yêu của mẹ, con đã tự vẫn ở tuổi 13, vào ngày 13 tháng Hai năm 2013, bằng cách dùng chiếc khăn quàng để tự treo cổ mình ngay trong phòng ngủ.

Bên dưới giường, người ta cũng đã tìm thấy chiếc điện thoại di động của con bị treo lơ lửng vào một đầu sợi dây để tượng trưng cho việc cắt đứt mọi lời chửi rủa và đe dọa của những kẻ đã từng tra tấn con ở trường học.

Mẹ viết cuốn sách này để tưởng nhớ con, để giãi bày nỗi buồn xa vắng bâng khuâng của mẹ về một khoảng đời trong tương lai mà mẹ con chúng mình sẽ không còn chung sống và chia sẻ cùng nhau nữa.

Mẹ viết cuốn sách này để mỗi người đều rút ra những bài học từ cái chết của con. Để giúp các bậc cha mẹ tránh cho con cái họ khỏi trở thành hoặc nạn nhân giống như con, hoặc những tên đao phủ giống như những đứa đã khiến con mông lung lạc hướng. Để cho các cấp có thẩm quyền trong bộ máy giáo dục nỗ lực cẩn trọng hơn nữa, nỗ lực lắng nghe và có thiện chí hơn nữa đối với trẻ em khi chúng phải chịu đau đớn.

Mẹ viết cuốn sách này để người ta coi nạn quấy rối học đường là một việc quan trọng, cần phải lưu tâm.

Mẹ viết cuốn sách này để không còn đứa trẻ nào muốn treo cổ cái điện thoại, lẫn kết thúc cuộc đời của nó nữa.”

Marion mãi mãi tuổi 13” của tác giả Nora Fraisse do Jacqueline Remy  thu thập, đã tạo nên một cơn chấn động trên toàn nước Pháp về nạn quấy rối, bạo lực học đường. Cuốn sách được dịch giả Hiệu Constant dịch một cách chi tiết, sâu sắc về tiếng Việt.

Vĩ Thanh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/bao-luc-hoc-duong-hay-giup-con-truoc-khi-qua-muon-78626.html