Bạo lực học đường đang gia tăng đáng báo động

Hơn 10 năm kiên trì hỗ trợ các cơ sở giáo dục, tổ chức nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường… cũng là chừng đó năm ThS Lê Minh Huân- giảng viên tâm lý trăn trở đối với nạn bạo lực học đường.

PLO giới thiệu bài viết của ThS Lê Minh Huân, nguyên Giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục An Nhiên về tình trạng bạo lực học đường qua 10 năm giảng dạy của mình.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân chia sẻ với học sinh trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu những kỹ năng tự bảo vệ. Ảnh: FBNV

Số nạn nhân bị bạo lực học đường (thừa nhận/được ghi nhận) không nhỏ trong các giờ giảng của tôi ở các trường học và cơ sở trên cả nước. Nhưng quan trọng hơn chính là diễn tiến tâm lý ngày càng có chiều hướng tiêu cực của các nạn nhân hậu bạo lực.

Bạo lực học đường diễn ra khắp nơi, ngày càng tinh vi

Ai cũng nhận thấy công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống ngày càng phổ biến hơn, sâu rộng hơn nhưng liên tục mỗi năm, con số về tình trạng bạo lực học đường lại gia tăng đáng báo động.

Vấn nạn này ngày càng trở nên đa dạng về hình thức, không gian, thời gian và đối tượng thực hiện. Cách thức, chiêu thức đối tượng thực hiện bạo lực cũng ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.

Bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành; làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể; sỉ nhục, lăng mạ đến danh dự và nhân phẩm; tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy và những hành động gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn học trong các tổ chức, cơ sở giáo dục (Khoản 5 Điều 2 của Nghị định 80/2017/NĐ-CP). Có thể nhóm gộp bạo lực học đường thành 4 hình thức cơ bản, phổ biến, bao gồm: Bạo lực về thể chất, thể xác, thân thể; bạo lực tinh thần, tâm lý; bạo lực vật chất, tài sản; bạo lực tình dục, xâm hại tình dục.

Theo đó, hình thức bạo lực học đường rất đa dạng, ảnh hưởng khôn lường đến cuộc sống của nạn nhân. Nếu thiếu kiến thức, bất kể người lớn nào cũng có thể mắc phải hành vi “bạo lực” người khác, và bất kì đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nạn nhân với tổn thương từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Khi tôi đứng lớp, một nam sinh lớp 7 ở trường quốc tế khu vực quận 3, TP.HCM chia sẻ: “Con bị mẹ cầm chổi rượt đánh mỗi ngày”.

Lần khác, tôi lại được gửi tâm sự trong lớp “Phòng chống bạo lực học đường” tại TP.HCM: “Con biết một người bị bạn bè bạo lực và đòi tự tử nhiều lần."

Với tâm lý lo sợ, em xin tôi nán lại lớp học sau giờ tập huấn để giải đáp vài câu hỏi: Tại sao con không thấy ai trừng trị người đã tấn công bạn con đến mức tự tử? Và con cần phải làm gì khi có người bạn cùng lớp suốt ngày trêu chọc và nói xấu con với bạn bè?

Ngoài việc động viên, trấn an tâm lý học sinh, tôi cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể để hướng dẫn học sinh xử lý các vấn đề đang gặp phải, chẳng hạn tìm trợ giúp từ thầy cô, cha mẹ hoặc các chuyên viên tâm lý trường học để tâm sự và tháo gỡ những cảm xúc rối ren trong lòng.

Như vậy, rõ ràng bạo lực học đường vẫn âm ỉ trong đời sống sinh hoạt và học tập của học sinh, nhu cầu được hỗ trợ và tiếng lòng của các em theo cách nào đó vẫn chưa được quan tâm và giúp đỡ thỏa đáng.

Thạc sĩ Lê Minh Huân trong một buổi nói chuyện với học trò. Ảnh: NVCC

Nhận thức về bạo lực học đường chưa đầy đủ

Bạo lực học đường không phải là một chủ đề quá mới lạ trong cuộc sống hiện nay. Vì thế nhiều phụ huynh, học sinh hoặc giáo viên thường có quan điểm sai lầm rằng đây chỉ là những mâu thuẫn, bất đồng nhỏ nhặt giữa các học sinh đồng trang lứa hoặc tin tưởng rằng trẻ con đang được giáo dục tại ngôi trường tốt nên không bao giờ gặp phải tình huống này. Có lẽ, chúng ta cần xem xét lại những nhận định như vậy. Điều đó rất nguy hiểm, có thể âm thầm đẩy trẻ đến những bờ vực sâu hơn của bạo lực vì không được quan tâm, động viên và hỗ trợ, đúng lúc, đúng cách.

Trước đây, khi còn hỗ trợ tư vấn tâm lý cho một số trường học tại quận 5, TP.HCM, tôi nhiều lần tìm gặp Ban giám hiệu để bày tỏ lo ngại về cách ứng xử của một số cán bộ, giáo viên đối với học sinh như quát, mắng, hù dọa, tác động vào cơ thể, thậm chí sỉ nhục, bắt quỳ và bêu tên trước cờ, kèm những “giáo huấn đanh thép” đến ngạt thở khi học sinh ở tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”.

Khi trò chuyện với vị này về việc đề nghị xem xét thay đổi cách giáo dục học sinh với vai trò là chuyên viên tâm lý, tôi nhận ra người này có nhiều phần “nhận thức sai lệch, thiếu sót” về “bạo lực học đường”. Theo ý họ, chỉ khi dùng vũ lực với học sinh mới được xem là bạo lực. Quát, mắng và các hình thức bêu tên… là chuyện bình thường. Học sinh quậy phải dùng biện pháp mạnh, bất chấp bản thân vi phạm Luật trẻ em, Luật hình sự…

Trong một diễn biến khác, sau khi kết thúc lớp tập huấn “Phòng chống bạo lực học đường”, một vị quản lý cao cấp của một trường quốc tế nọ cũng đề nghị tôi, khi dạy phòng chống bạo lực học đường cho các lớp sau (tiểu học), không nên liệt kê đầy đủ các hình thức bạo lực, đặc biệt phải loại “bạo lực tình dục” ra khỏi bài giảng vì “nhạy cảm”. Nếu truyền đến tai phụ huynh, sẽ không hay... Tôi khá sốc trước yêu cầu khó hiểu đó và cũng sẽ vô cùng quan ngại nếu thực sự biết rằng có phụ huynh nào “nhắm mắt đồng tình” hay lên tiếng ủng hộ - đúng như “lo lắng bất hợp lý” của vị quản lý này, nếu có thì chắc chắn đó là phụ huynh hiểu chưa tới, quan tâm chưa đầy đủ hoặc phiến diện về an nguy của con cái mình trước “vấn nạn bạo lực học đường” ngày càng phức tạp kèm theo nhiều hậu quả nghiêm trọng mà nhiều nạn nhân đang gánh chịu như hiện nay.

Kinh nghiệm giảng dạy hàng ngàn lớp và dưới góc độ chuyên môn, tôi không cho phép bản thân giảng dạy hời hợt, nhảy cóc các bước hay liệt kê qua loa, đại khái về một kỹ năng quan trọng như “phòng chống bạo lực học đường” cho học sinh. Tôi lo sợ rằng, việc trang bị kỹ năng sống hay tuyên truyền nửa vời như vậy đối với học sinh sẽ gây hại hơn là mang lại lợi ích.

Thực tế, khi nhắc đến bạo lực học đường, nhiều người chỉ nghĩ đến những hậu quả đối với nạn nhân, trong khi cảm xúc tiêu cực, sự xáo trộn tâm lý cũng xảy ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trẻ em thực hiện hành vi bạo lực học đường. Khi hành vi bạo lực học đường ở trẻ em không được phát hiện và giáo dục đúng đắn, dần dần thói quen bạo lực của trẻ sẽ trở nên nguy hại hơn, trong tương lai rất dễ dẫn đến các hành vi tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.

Dù vậy, nếu giáo dục không đúng cách hoặc biện pháp giáo dục quá cứng nhắc, rập khuôn, khắt khe, xa lánh, né tránh và kỳ thị (đặc biệt đối với những trẻ ở độ tuổi rất nhỏ) rất dễ để lại những mặc cảm, tổn thương, thậm chí tạo tác dụng ngược trên trẻ.

Công tác giáo dục, tuyên truyền còn chiếu lệ

Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi nhận được báo cáo “năm qua, nhà trường không xảy ra vụ bạo lực học đường hoặc xâm hại tình dục nào” từ đại diện của một trường học. Những ngày trực phòng tư vấn học đường ở đây, tôi chứng kiến và hỗ trợ nhiều vụ việc học sinh mắng nhau, hăm dọa và xô xát đến tận phòng tư vấn tâm lý. Nhiều lần, học sinh “kêu cứu” vì bị bạn bè tấn công, bị sát thương đến đổ máu. Nhưng kết quả báo cáo vẫn là “hoàn hảo”.

Nhiều trường đã mời tôi hay bạn bè đồng nghiệp báo cáo các chuyên đề kỹ năng sống đầu tuần với yêu cầu “chỉ tuyên truyền 20-30 phút”. Tôi mạnh dạn nói cảm ơn và từ chối hỗ trợ nếu đơn vị không tăng thời lượng lên tối thiểu được 60 – 90 phút. Giúp học sinh hình thành kỹ năng không thể chỉ qua một bài nói chuyện hay với thời gian quá hạn hẹp. Không thể treo băng rôn, chụp vài bức ảnh báo cáo viên chia sẻ chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” là xong nhiệm vụ được. Giáo dục, tuyên truyền như vậy rất chiếu lệ, chạy theo phong trào, chuộng thành tích mà thiếu thực chất.

Trên thực tế, trong những giờ dạy kỹ năng sống đang triển khai tại các trường phổ thông, tôi ghi nhận nhiều trường hợp giáo viên kỹ năng sống không có chuyên môn tâm lý, giáo dục, không được đào tạo sư phạm, một số giáo viên đến lớp kỹ năng sống chỉ để “dạy hát, kể chuyện khơi khơi, chơi trò chơi giải trí giết thời gian”.

Làm sao để cải thiện?

Để tránh hiện tượng nhận thức mù mờ về tầm quan trọng của các kỹ năng sống và cả những hoạt động giảng dạy, tuyên truyền thiếu thực chất, trọng hình thức, rất cần:

- Nhà trường phân công đại diện có chuyên môn tương ứng kiểm duyệt các nội dung giảng dạy trước khi tiến hành tại trường, lớp của báo cáo viên hoặc đơn vị cộng tác ngoài trường.

- Chỉ kêu gọi, gửi lời mời báo cáo, chia sẻ, giảng dạy đối với các nhà chuyên môn được đào tạo về tâm lý, giáo dục và sư phạm, hay chí ít phải có chuyên môn gần, sâu về vấn đề cần tuyên truyền, có kỹ năng dẫn dắt và giao tiếp sư phạm.

- Thường xuyên tổ chức các hội thảo, chương trình tập huấn nâng cao kiến thức về “Phòng chống bạo lực học đường” và các kỹ năng sống cần thiết cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Hoạt động cần được lặp lại và có kế thừa, thay vì tập huấn duy nhất một lần.

- Cần tham khảo ý kiến chuyên môn khi cần thiết để tránh giáo dục sai lầm, lạc lối dẫn đến nhận thức chung của học viên, học sinh trở nên phiến diện, khi gặp tình huống cần vận dụng kiến thức lại bối rối, để lại hậu quả nghiêm trọng.

- Thẳng thắn phê bình, kiểm điểm và đề ra các giải pháp hỗ trợ đối với cán bộ, giáo viên và phụ huynh xem thường sự an toàn của học sinh, thiếu phối hợp trong việc giáo dục kỹ năng sống nói chung, phòng chống bạo lực học đường nói riêng. Trường hợp, có biểu hiện sai phạm, vi phạm Luật trẻ em, Luật hình sự như tấn công, đánh đạp, bạo lực… trẻ em, lập tức trình báo cơ quan chức năng để xử lý nghiêm.

- Lên tiếng phản đối bạo lực và cập nhật kiến thức không ngừng là điều tối quan trọng để tạo thêm nhiều rào chắn an toàn hơn nữa nhằm bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất.

ThS LÊ MINH HUÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-luc-hoc-duong-dang-gia-tang-dang-bao-dong-post755171.html