Bão lũ tàn phá khắp thế giới

Trong khi “cơn bão thập kỷ” Harvey gây ngập lụt diện rộng một số bang ở Mỹ đang là tâm điểm chú ý trong nhiều ngày qua thì tại các quốc gia Nam Á, bão lụt đã liên tục gây ảnh hưởng khiến con số người chết trong mùa mưa năm nay lên tới hơn 1.000 người.

Khoảng 30.000 người bị buộc phải sơ tán khỏi nhà cửa ở Texas và các bang lân cận. Ảnh: Reuters

Sức công phá của siêu bão Harvey

Đợt mưa bão lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ trong vài ngày qua đã bắt đầu di chuyển khỏi Houston từ 29.8, nhưng tàn dư của bão Harvey và những trận mưa với sức tàn phá lớn đang chuyển sang đe dọa bang Louisiana. Cảnh báo bão đối với khu vực ven biển từ bãi biển Holly đến thành phố Morgan (Los Angeles) cho hay, mực nước biển có thể cao hơn bình thường từ 0,6m đến 1,2m khi bão đổ bộ lần thứ hai vào đêm 29.8.

Theo Washington Post, tại bang Texas, cơn bão vẫn đang di chuyển về phía đông và vẫn gây nguy hiểm. Ở phía đông, sáng 29.8, New Orleans cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ lụt. Tại Beaumont, Texas, 137km về phía đông thành phố Houston, riêng trong chiều 29.8, lượng mưa lớn ít nhất 10 inch (254mm). Trong trận lụt lớn, có hai mẹ con đã bị cuốn trôi khỏi ôtô 800m khi chạy xe trên đường cao tốc. Khi lực lượng cứu hộ tới hiện trường chỉ còn đứa trẻ sống sót.

Sau 4 ngày lượng mưa lên tới hơn 50 inch (1.270mm), thành phố Houston xanh tươi bị nhấn chìm trong biển nước. Thuyền và máy bay trực thăng vẫn đang tiếp tục cứu các nạn nhân từ các mái nhà, và nước lũ vẫn tiếp tục xả ra từ các hồ chứa và các con sông. Chiều 29.8, khoảng 25 đến 30% hạt Harris, Houston và vùng ngoại ô gần đó vẫn bị ngập lụt. Các quan chức cho biết, có ít nhất 22 người chết trong bão, số người mất tích vẫn chưa được xác nhận, hơn 13.300 người đã được đưa tới các nơi trú ẩn, khoảng 30.000 người bị buộc phải sơ tán khỏi nhà cửa ở Texas và các bang lân cận.

Trước khi Harvey đổ bộ Mỹ vào cuối tuần qua, cơn bão lớn nhất được ghi nhận ở Mỹ là bão nhiệt đới Amelia, đổ bộ Texas năm 1978.

Hơn 1.000 người thiệt mạng do mưa lũ ở Nam Á

Thiệt hại về mưa lũ ở Nam Á cũng nặng nề không kém. Hơn 1.000 người chết vì lũ lụt tại khu vực này trong mùa hè năm nay. Ngày 29.8, khi mưa liên tục đổ xuống, giới chức các nước trong khu vực lo ngại, số người chết sẽ tăng thêm.

Tại Nepal, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy, hàng chục người bị nước lũ cuốn trôi. Thậm chí, voi đã được huy động giải cứu người dân khỏi lũ lụt. Hiện vẫn còn nhiều người mất tích. “Đây là trận lụt khủng khiếp nhất trong nhiều năm qua” - ông Francis Markus - Người phát ngôn của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - chia sẻ từ thủ đô Kathmandu.

Ấn Độ cũng phải hứng chịu hậu quả lớn từ đợt mưa lũ này. Mùa mưa ở Ấn Độ thường gây ra số thương vong lớn, nhưng năm nay đã trở nên tồi tệ hơn. Nước lũ tràn qua các tiểu bang Assam, Bihar, Odisha, Tây Bengal và các khu vực khác. Quan chức bang Bihar cho hay, ít nhất 514 người chết do mưa lũ trong vài ngày qua. Hàng ngàn người sống trong các trại cứu trợ và 17,1 triệu người dân trong bang bị ảnh hưởng do bão lụt. Ngày 29.8, mưa tầm tã ở Mumbai - thủ đô tài chính của Ấn Độ làm tê liệt mọi hoạt động, các chuyến tàu hỏa bị hủy và một bệnh viện bị ngập nước. Cuối tuần qua, Thủ tướng Narendra Modi đến Bihar, cam kết gói cứu trợ lên tới 78 triệu USD và hối thúc các công ty bảo hiểm tính toán tổn thất càng sớm càng tốt cho nông dân.

Bangladesh cũng bị tàn phá nặng nề do lũ lụt. Mùa mưa năm nay khiến khoảng 1/3 lãnh thổ nước này bị ngập. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thông tin trên website rằng có hơn 8 triệu người Bangladesh bị ảnh hưởng bởi lũ, điều tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Theo Sky News, chỉ riêng ở Bangladesh, Liên Hợp Quốc ước tính hơn 640.500 ngôi nhà đã bị phá hủy, ít nhất 106.000 người đang ở trong các khu trú ẩn khẩn cấp.

Quan chức y tế cho biết, hơn 13.000 trường hợp mắc bệnh lây lan qua đường nước như: Tiêu chảy, bệnh ngoài da, nhiễm trùng đường hô hấp cấp và nhiễm trùng mắt. Ông Mark Pierce - Giám đốc Tổ chức Cứu trợ trẻ em Bangladesh - chia sẻ với Sky News, trọng tâm của các tổ chức cứu trợ là cung cấp thực phẩm, chăm sóc y tế và tiền bạc để chuẩn bị đối phó với những ảnh hưởng lâu dài của thiên tai. Được biết, khoảng 9.000km đường sá và 500 cây cầu đã bị phá hủy ở Bangladesh khiến công tác cứu trợ khó khăn hơn.

Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 41 triệu người ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal đã bị ảnh hưởng trực tiếp vì lũ lụt và sạt lở đất trong mùa mưa kéo dài từ tháng 6 và đến tháng 9.

HÀ LIÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/bao-lu-tan-pha-khap-the-gioi-552148.ldo