Bạo loạn và băng nhóm ở Marseille

Chưa đầy vài giờ sau khi cảnh sát Pháp bắn chết Nahel Merzouk 17 tuổi ở ngoại ô thủ đô Paris, dẫn đến hậu quả là những vụ bạo động kinh hoàng diễn ra ở nhiều nơi thì tại Marseille, cảnh sát Pháp đã đụng độ với những nhóm thanh thiếu niên gốc Bắc Phi, là thành viên của các băng nhóm tội phạm từ lâu nắm quyền kiểm soát một số khu vực của thành phố này…

1. Chỉ vài giờ sau khi đoạn video đầu tiên lan truyền về vụ cảnh sát bắn chết Nahel Merzouk, 17 tuổi ở ngoại ô Paris ngày 27/6/2023, các băng nhóm tội phạm mà phần lớn thành viên là người gốc Bắc Phi ở thành phố Marseille đã không bỏ qua cơ hội. Paul Busser, phóng viên trang tin Inside Politics, người có mặt tại nơi này vào thời điểm ấy kể lại: “Các thanh thiếu niên - thường được gọi là “choufs” - tiếng Arab nghĩa là “lính canh” và cũng là tầng lớp thấp nhất trong hệ thống phân cấp băng nhóm đã gào thét man rợ khi nhìn vào màn hình điện thoại, nơi đang phát đi hình ảnh về cái chết của Nahel. Trên cầu thang của một tòa tháp 23 tầng cạnh đó, hơn chục kẻ khác mặc áo khoác bằng da nhưng vẫn có thể thấy dưới vạt áo, thò ra nòng súng AK47. Xa hơn một chút về phía Tây, một số con đường đã bị chặn bởi các rào chắn và những kẻ mang súng quyết định cho ai phải ra đi và ai được vào…”.

Lính cứu hỏa bất lực trước những đám cháy trên đường phố gây ra bởi đám đông bạo loạn.

Xuất hiện ở Marseille từ những năm 1900 đến cuối những năm 1930, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có nguồn gốc từ đảo Corse, Italia chủ yếu là mại dâm, buôn lậu và cướp. Từ 1940 đến 1970 có thêm ma túy, bắt cóc tống tiền. Từ 1990 đến 2000 là làm tiền giả, cho vay nặng lãi và từ 2010 đến nay, ngoài ma túy, mại dâm, bắt cóc, bảo kê, cờ bạc, một số băng nhóm còn xây dựng những đường dây đưa người nhập cư trái phép từ Pháp sang Anh. Thống kê của cảnh sát Pháp cho thấy một trong những băng nhóm cộm cán nhất hiện nay ở Marseille là nhóm Unione Corse cùng những nhóm Bắc Phi mới nổi sau này, phần lớn đều nằm dưới sự chi phối của Unione Corse.

Theo ước tính, doanh thu của các băng nhóm tội phạm là khoảng 30 triệu euro mỗi tháng. Còn tại các điểm nóng như ở phía bắc Marseille, con số này bình quân khoảng 80.000 euro mỗi ngày, phần lớn đến từ ma túy, bảo kê và đưa người vượt biên trái phép.

Vẫn theo cảnh sát Pháp, từ năm 2021 trở về trước, mỗi năm chỉ có vài vụ thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm nhưng 2022 là năm kỷ lục trong cuộc chiến tranh giành lãnh địa ở Marseille với 27 vụ xả súng, 33 người chết, được gọi là “règlements de compte - dàn xếp tỉ số”. Thông thường, vũ khí sử dụng là súng AK-47 nhập lậu từ vùng Balkan và được bán với giá 300 euro mỗi khẩu. Riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có 15 người chết và hơn 50 người bị thương trong các vụ đấu súng. Ông Frédérique Camilleri, cảnh sát trưởng Marseille giải thích: “Những vụ giết chóc ấy không còn đơn giản là để kiểm soát lãnh thổ mà nó đang biến thành một cuộc trả thù vượt ra ngoài ranh giới Marseille”, còn với giới truyền thông thì tờ Liberation giật cái tít lớn: “Vụ xả súng ở Marseille: Một thành phố đang ăn mòn tuổi trẻ”. Nhà báo Paul Busser viết: “Phần lớn thanh niên Bắc Phi ở Marseille đều không có việc làm ổn định, lâu dài. Họ cay đắng vì họ không thể kiếm được bất kỳ công việc nào ngoại trừ những thứ không cần đến kỹ năng với mức lương thấp nhất - những thứ mà người Pháp không bao giờ làm. Điều này vô hình trung đã đưa họ đến con đường gia nhập băng nhóm vì ở đó họ có thể kiếm ra tiền và được tôn trọng”.

Tuy nhiên tất cả những lý do trên vẫn chưa là gì nếu so với những chuyện xảy ra sau cái chết của cậu bé Nahel. Tại Frais Vallon, nơi được xem là khu vực nghiệt ngã nhất thành phố Marseille, khoảng 70.000 người với độ tuổi trung bình 26, hầu hết gốc gác ở Algeria, Maroc và Tunisia, trong đó 70% thất nghiệp đã lên cơn loạn thần khi xem đoạn video rồi chỉ vài tiếng sau đó, đường phố Frais Vallon đã tràn ngập những người phản kháng với những tiếng hét: “Chúng tôi không quên. Chúng tôi không tha thứ”. Paul Busser, phóng viên trang tin Inside Politics cho biết khi thấy một thiếu niên 12 tuổi châm lửa đốt một trường học, nhiều kẻ kích động bạo lực đã hả hê: “Nước Pháp sẽ tiếp tục bị đốt cháy cho đến khi Nahel có công lý”.

Những cuộc bạo động kéo dài suốt ngày và đêm 28/6, được tiếp sức bởi những hình ảnh trên các mạng xã hội về những gì đang diễn ra ở Paris, Lyon, Nanterre và một số thành phố khác, gây ra hiệu ứng dây chuyền. Tại Marseille, nhiều con đường tràn ngập mảnh vỡ của đồ đạc bị đập phá cùng những chiếc xe hơi cháy trơ khung. Trên một số tuyến phố chính, các băng nhóm tội phạm dựng rào chắn để kiểm soát người qua lại. Một phụ nữ 24 tuổi gốc Maroc có mặt tại cuộc bạo loạn nói: “Đây là hậu quả của tất cả những gì chúng tôi đã phải chịu đựng trong nhiều năm”.

Nhiều con đường ở Marseille tràn ngập hơi cay.

2. Ngày 30/6, cuộc bạo động bước sang ngày thứ 3 thì cảnh sát mới xuất hiện. Rayan và Reda, hai cư dân Marseille cho biết: “Họ bắn hơi cay rồi xông vào đám đông, dẫn đến những cuộc hỗn chiến giữa họ và nhóm thanh niên Bắc Phi. Chúng tôi không tham gia đốt phá, chỉ đi xem vì tò mò nhưng vẫn bị đánh, có lẽ vì hình dáng và màu da của chúng tôi…”. Hậu quả của cuộc xung đột là một người đàn ông gốc Algeria tên Mohammed đã chết vì đau tim sau khi một sĩ quan cảnh sát bắn vào ngực anh ta bằng một viên đạn cao su. Theo gia đình của Mohamed, anh ta là tài xế lái xe giao hàng. Vào thời điểm xảy ra bạo loạn, Mohammed không tham gia mà chỉ dừng xe lại vì đám đông làm nghẽn đường.

Một nạn nhân khác là Hedi người Maroc cũng bị bắn bằng đạn cao su rồi bị một nhóm cảnh sát mặc thường phục đánh đập đến bất tỉnh. Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo địa phương Marseille, Hedi cho biết hôm 1/7, anh đi uống nước với một người bạn và gặp gỡ những kẻ bạo loạn vì tò mò. Hadi nói: “Tôi là người nhập cư hợp pháp, có giấy tờ tùy thân và có việc làm ổn định. Lẽ ra cảnh sát nên kiểm tra lý lịch nhân thân tôi rồi mới quyết định đưa ra biện pháp. Nhưng không! Họ đánh tôi trước khi hỏi xem tôi là ai?”.

Theo ông Gerald Darmanin, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, trong suốt những ngày diễn ra bạo loạn, đã có tổng cộng 2.000 chiếc xe bị đốt, hơn 200 cảnh sát bị thương, hơn 700 nhà hàng, siêu thị và chi nhánh ngân hàng bị cướp hoặc thiêu hủy. Ngược lại cảnh sát đã bắt giữ hơn 40.000 người trên toàn nước Pháp, trong đó 30% dưới 18 tuổi. Riêng ở Marseille, số người bị bắt là khoảng 800, tất cả đều liên quan đến cướp bóc, hôi của và đốt phá. Các sự kiện bao gồm hai buổi hòa nhạc tại Stade de France ở ngoại ô Paris đã bị hủy bỏ trong khi nhà tạo mốt Celine cũng tuyên bố tạm ngưng buổi trình diễn trang phục nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp kêu gọi các công ty truyền thông xã hội Meta, Twitter, Snapchat và TikTok hãy nhanh chóng xóa bỏ các video, hình ảnh gây kích động chủng tộc. Một sĩ quan cảnh sát nói: “Một lần nữa, mạng xã hội lại thể hiện sự vô trách nhiệm khi cho đăng tải hình ảnh đám đông hò hét, đốt phá, hôi của, chống lại nhân viên công lực mà chẳng cần biết liệu ứng lan truyền của nó như thế nào. Theo ghi nhận của chúng tôi, các băng nhóm tội phạm ở Marseille như được tiếp thêm liều thuốc bổ, thể hiện qua việc thanh thiếu niên tình nguyện gia nhập đã tăng lên…”.

Ngày 15/7, phiên tòa đầu tiên xét xử những kẻ phá hoại đã diễn ra ở Marseille. 742 người nhận án tù và nhiều người trong số đó bị kết tội với những lý do rất nhỏ, chẳng hạn như lấy cắp một miếng pho mát hoặc 1 lon nước tăng lực Red Bull. Một số luật sư cho biết “các thẩm phán tuyên án ngay cả khi bị cáo không trực tiếp bị buộc tội tham gia phá hoại hàng loạt”.

Từ trước đến nay, nước Pháp có truyền thống không lưu giữ dữ liệu quốc gia về chủng tộc nên thông tin về nhân thân, nguồn gốc của những người bị bắt và xét xử vì bạo loạn rất hạn chế, đặc biệt với các trường hợp liên quan đến trẻ vị thành niên. Một số luật sư ở Marseille nói với Inside Politics rằng nhiều bị cáo là thanh niên da màu đến từ các khu vực nghèo nàn trong thành phố, phần lớn không nhà cửa và không có tư cách nhập cư hợp pháp. Luật sư Nicolas Chambardon trợ giúp pháp lý cho 5 trẻ vị thành niên bị bắt ở Marseille cho biết, các vụ bắt giữ có vẻ “khá bạo lực và khá ngẫu nhiên” trong lúc 3 trong 5 trẻ vị thành niên nói rằng cảnh sát đã xúc phạm chúng bằng những từ ngữ phân biệt chủng tộc.

Sau khi những vụ bạo loạn lắng xuống, số đông người gốc Bắc Phi ở Marseille phàn nàn rằng họ bị cảnh sát làm khó, chẳng hạn như phải xuất trình giấy tờ tùy thân và giấy phép lao động mặc dù họ chẳng vi phạm gì. Một người Maroc giấu tên cho biết anh bị người Pháp xô đẩy và thúc cùi chỏ trên đường phố: “Nếu tôi chống lại, tôi sẽ bị đánh và khi cảnh sát đến, tôi sẽ bị bắt vào tù”. Luật sư Chambardon cho biết thêm: “2 trong số 5 trẻ vị thành niên nói với tôi rằng cảnh sát đã nhét đồ ăn cắp vào ba lô của họ mặc dù họ không ăn cắp. Tuy nhiên sau đó cảnh sát có vẻ như đã nhận ra rằng việc cố gắng buộc tội họ là không thể nên 4 đứa đã được thả, còn lại 1 đứa thì vẫn đang trong vòng điều tra”.

Các băng nhóm Bắc Phi lập chướng ngại vật để ngăn chặn cảnh sát.

3. Theo các nhà quan sát nhân quyền quốc tế, Chính phủ Pháp từ lâu đã bị cáo buộc là không giải quyết được nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống, cũng như sự tàn bạo của cảnh sát với dân nhập cư gốc Bắc Phi. Vài ngày sau cái chết của Nahel, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc khuyến cáo “nước Pháp phải giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu sắc về phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong lĩnh vực trị an” nhưng Bộ Ngoại giao Pháp bác bỏ điều này trong một tuyên bố với tờ Le Monde: “Mọi cáo buộc phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt đối xử có hệ thống trong lực lượng cảnh sát ở Pháp là hoàn toàn vô căn cứ”.

Ngược dòng thời gian, trước đây cũng đã có những phong trào chống phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát Pháp. Các cuộc bạo loạn sau cái chết của cậu bé Nahel được so sánh với vụ bạo loạn năm 2005, nổ ra khi 2 thiếu niên thiệt mạng vì bỏ chạy trước sự truy đuổi của cảnh sát. Năm 2019, biểu tình lại bùng phát khi Adama Traore, người da màu chết trong đồn cảnh sát, với khoảng 2.000 người tham dự, bất chấp việc chính quyền Pháp đã chính thức cấm biểu tình và cuộc biểu tình Black Lives Matter diễn ra ở Pháp năm 2020, sau cái chết của George Floyd, người da đen ở Mỹ.

Ngày 8/7/2023, khi tình hình an ninh trên toàn nước Pháp đã được tái lập thì tại Marseille lại bùng phát một cuộc biểu tình với hơn 1.500 người ủng hộ các nạn nhân thiệt mạng vì sự tàn bạo của cảnh sát, bao gồm Adama, Nahel và những người khác. Đoàn biểu tình diễu hành qua khu phố nghèo Belle-de-Mai, nơi Souheil el-Khalfaoui, thanh niên 19 tuổi gốc Bắc Phi bị cảnh sát bắn chết năm 2021 trong một lần dừng xe kiểm tra giao thông thông thường, giống như trường hợp cậu bé Nahel!

Theo ông Andre Dupon, nhà tranh đấu nhân quyền Pháp: “Những cuộc biểu tình, những thông tin trái ngược về nạn nhân của cả hai bên, những kẻ lợi dụng hệ tư tưởng chủng tộc, những chính trị gia vô trách nhiệm tìm kiếm sự khiêu khích thay vì nhân phẩm và đồng thuận là những yếu tố châm ngòi cho bạo loạn. Tất cả sẽ chỉ dẫn đến sự trỗi dậy của các băng nhóm và sự hủy diệt các nền tảng xã hội dù bên nào thắng…”.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/bao-loan-va-bang-nhom-o-marseille-i703601/