Bảo hiểm y tế - 'phao cứu sinh' của người nghèo

Chi phí cho việc điều trị bệnh tật luôn là nỗi lo đối với người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Với người nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được coi như có 'phao cứu sinh' nếu không may đau ốm, mắc trọng bệnh.

Hằng tuần, bệnh nhân Hoàng Thị Bé, dân tộc Tày, ở thôn Khuôn Cầu, xã Đại Sơn lại đến Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Nhi (Trung tâm Y tế huyện Sơn Động) để lọc máu. Nằm trên giường bệnh, chị kể: "Tôi bị mắc bệnh suy thận hơn 5 năm nay. Thời kỳ đầu, tôi phải xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh lọc máu mỗi tuần một lần. Lịch điều trị liên tục như vậy, nếu không có BHYT thanh toán chi phí (khoảng 70 triệu đồng/năm) thì có lẽ tôi phải bỏ cuộc”.

Bệnh nhân bị suy thận được lọc máu tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động.

Hai năm nay, Trung tâm Y tế huyện có hệ thống lọc máu cho bệnh nhân suy thận, chị Bé chuyển bệnh án về điều trị ngay tại quê nhà. Tại đây còn có gần 30 bệnh nhân lọc máu chu kỳ. Cũng như chị, họ đều có thẻ BHYT do thuộc một trong các nhóm đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số.

Bác sĩ Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cho biết: “Theo lịch hẹn, bệnh nhân dù ở thôn, bản xa cũng sắp xếp công việc có mặt để được điều trị đúng liệu trình. Có điểm tựa vững chắc từ BHYT nên mọi người đều kiên trì, yên tâm điều trị”. Ở các địa phương khác, người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số khi có thẻ BHYT đều được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, bình đẳng.

Cán bộ BHXH tỉnh tư vấn chính sách BHYT cho học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong năm 2022, Bắc Giang có hơn 3,4 triệu lượt người dân khám, chữa bệnh BHYT; chi phí khám, chữa bệnh BHYT được thanh toán hơn 1.767 tỷ đồng. Phát huy hiệu quả chính sách an sinh xã hội dành cho người dân, năm nay BHXH tỉnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đối với 55 cơ sở y tế.

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, đơn vị tổ chức thẩm định, giải quyết chế độ theo quy định. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay có hơn 1,9 triệu lượt người dân đến khám, chữa bệnh BHYT, tăng 533 nghìn so với cùng kỳ năm 2022, với tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại tỉnh là 933,98 tỷ đồng (tăng 189,61 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022).

Không chỉ là điểm tựa khi bị tai nạn, ốm đau, chính sách BHYT còn mang lại cơ hội sống cho những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính phải điều trị liên tục, dài ngày, chi phí lớn như: Bệnh rối loạn đông máu di truyền, ung thư, tim mạch, suy thận, nhiễm khuẩn... cũng được quỹ BHYT chi trả. Như trường hợp của bệnh nhân N.T.M. ở xã Hộ Đáp (Lục Ngạn) bị sốc do nhiễm khuẩn, điều trị gần một tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tổng chi phí cả đợt điều trị hết 182 triệu đồng đều được quỹ BHYT thanh toán.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, đến nay toàn tỉnh có hơn 1,7 triệu người có thẻ BHYT, tỷ lệ bao phủ chiếm 99%. Người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm chủ động "đóng góp khi lành để dành khi ốm".

Trong trường hợp không may đau ốm phải đi khám, chữa bệnh sẽ được quỹ BHYT hỗ trợ thanh toán chi phí. Vì vậy không chỉ với người nghèo, cận nghèo mà mọi người dân đều chủ động tham gia để được bảo vệ, đồng thời sẻ chia rủi ro giữa những người tham gia.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/412309/bao-hiem-y-te-phao-cuu-sinh-cua-nguoi-ngheo.html