Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Bảo vệ quyền lợi của người lao động

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) là chính sách an sinh xã hội thiết thực và hữu ích, góp phần bù đắp tổn thất cho người lao động, hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, bảo hiểm TNLĐ, BNN là một phần của Quỹ Bảo hiểm xã hội ra đời nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả người dân. Nhiều người lao động đã được bảo vệ khi không may gặp tai nạn trong quá trình lao động.

Điểm tựa khi gặp rủi ro

Chị Ngô Thị Xuân làm việc cho một đơn vị trên địa bàn TP Tuy Hòa, trong quá trình công tác, không may bị TNLĐ gãy tay. Gia cảnh bình thường, hai vợ chồng làm vừa đủ nuôi hai con nhỏ ăn học. Biến cố xảy ra khiến gia đình xáo trộn, chị vừa không đi làm được vừa phải tốn chi phí điều trị lâu dài trong bệnh viện. “Rất may, cơ quan có tham gia bảo hiểm tai nạn cho người lao động nên tôi không phải lo lắng chi phí điều trị”, chị Xuân cho biết.

Anh Nguyễn Đình Luân làm công nhân tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu cũng bị tai nạn trong quá trình làm việc. “Lúc đó, gia đình thật sự khó khăn, cũng may có sự hỗ trợ từ bảo hiểm TNLĐ, BNN về chi phí phẫu thuật, tôi phần nào vực dậy tinh thần. Hiện nay, tôi đã dần ổn định sức khỏe và tự lo được cho bản thân. Trong giai đoạn ngặt nghèo, bảo hiểm TNLĐ, BNN rất có ý nghĩa với những công nhân lao động khó khăn như tôi”, anh Luân nói.

Dù làm công việc gì, phức tạp hay đơn giản thì người lao động khó có thể lường trước những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, bảo hiểm TNLĐ, BNN đã trở thành điểm tựa cho nhiều người lao động khi không may gặp rủi ro.

Anh Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng Sức khỏe, an toàn và môi trường Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp (Khu công nghiệp Hòa Hiệp, TX Đông Hòa) cho biết: Phòng An toàn và môi trường của xí nghiệp có những an toàn viên, chuyên viên chuyên đi kiểm tra giám sát 24/24 giờ hàng ngày, ở các vị trí. Đồng thời, hàng quý, hàng tháng, chúng tôi phối hợp với Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật để cán bộ công nhân viên hiểu thêm về an toàn lao động.

Còn theo ông Huỳnh Dũng, Phó Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH), để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động, hàng quý, đơn vị phối hợp với các cơ quan kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN; bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, ổn định sản xuất.

Đảm bảo an toàn lao động, tránh rủi ro

Theo Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 470.305 người trong độ tuổi lao động, chiếm 53,65% dân số của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 29 vụ tai nạn lao động (25 vụ trong khu vực có quan hệ lao động, 4 vụ trong khu vực không có quan hệ lao động), làm chết 2 người, 2 người bị thương nặng và 23 người bị thương nhẹ. Hầu hết trường hợp đều được công ty, xí nghiệp và các đơn vị hỗ trợ, bảo hiểm TNLĐ, BNN để đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động bị rủi ro, tai nạn trong quá trình lao động.

Xác định đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển bền vững, những năm qua, công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN luôn được các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm chỉ đạo và thực hiện. Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động, tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động nói chung, bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng, giúp các doanh nghiệp và người lao động nắm được nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN, giảm tối đa TNLĐ. “Định kỳ hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn chính sách pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc cho chủ sử dụng lao động, cán bộ lao động tiền lương, kế toán, cán bộ hành chính nhân sự của các doanh nghiệp, nhằm trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý, cơ chế tài chính về chi phí quản lý bảo hiểm TNLĐ, BNN, các chính sách phòng ngừa TNLĐ, BNN”, ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành, tổ chức thực hiện Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra, thanh tra tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN; kiểm tra việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh; công tác huấn luyện an toàn lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Để triển khai tốt chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, theo ông Phan Đại Thắng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền đến đơn vị sử dụng lao động và người lao động về Luật An toàn vệ sinh lao động. Hơn ai hết, tổ chức công đoàn phải nắm vững các quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, kịp thời bảo vệ khi người lao động bị TNLĐ mà đơn vị chưa lập đủ hồ sơ cũng như giới thiệu người lao động giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ TNLĐ, BNN. “Đối với các trường hợp BNN, đơn vị sử dụng lao động cần nắm rõ các quy định để giải quyết chế độ cho họ, trong đó lưu ý về các bản tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị BNN của người lao động phải có trong hồ sơ khám BNN hàng năm của đơn vị, tránh trường hợp khi phát sinh người lao động bị BNN thì mới hoàn thiện lại hồ sơ”, ông Thắng nói.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/304645/bao-hiem-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep--bao-ve-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong.html