Bạo hành trên không gian mạng

Cứ 10 người dùng internet tại Việt Nam thì có hơn 5 người liên quan đến các hành vi bắt nạt, 21% những người được khảo sát cho biết họ từng là nạn nhân, 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối. Những con số báo động về vấn nạn bạo hành trên không gian mạng này được đưa ra tại Hội thảo 'Việt Nam và Israel phòng, chống bắt nạt trên môi trường mạng', do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức vừa qua.

Một số người nghĩ rằng bạo hành trên “thế giới ảo” thì làm sao có thể ảnh hưởng tới cuộc sống thực tế được. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm bởi đã có không ít hậu quả đau xót xảy ra. Nhiều nạn nhân của bạo hành trên mạng bị ảnh hưởng tâm lý trầm trọng, nặng hơn nữa là hành động tiêu cực, nguy hiểm đến tính mạng. Trên thế giới đã có những trường hợp tự sát sau nhiều ngày chịu sự tấn công dồn dập từ cộng đồng mạng.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ở nước ta hiện nay, trong cơn lốc gia tăng của số người sử dụng internet, mạng xã hội ngày càng trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, nhất là giới trẻ. Việc chia sẻ, bình luận về những vấn đề quan tâm là cách mà nhiều người dùng mạng lựa chọn để tương tác, gắn kết nhau hơn. Sẽ chẳng có gì phải trăn trở nếu văn hóa bình luận ấy không biến tướng thành sự xoi mói vô duyên, ác ý, gây bức xúc trong dư luận. Cộng đồng mạng đã chứng kiến không ít trận xỉa xói, “ném đá hội đồng” trước một sự việc, hành động, phát ngôn của một tổ chức hay cá nhân khiến họ không vừa ý. Chưa dừng lại ở ngày một, ngày hai, nhiều trường hợp bị các nhóm sử dụng mạng xã hội miệt thị, xúc phạm đến thách thức, đe dọa, kêu gọi tẩy chay hay “tra tấn ngôn từ” trong khoảng thời gian dài, gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý, sức khỏe, tinh thần.

Đành rằng, có những hành động, phát ngôn chưa chuẩn mực, gây bất bình trong cộng đồng. Thế nhưng, việc góp ý một cách văn minh, trên tinh thần xây dựng mới là điều đáng khuyến khích để góp phần điều chỉnh hành vi xã hội, xây dựng môi trường văn hóa ngày càng tốt đẹp hơn. Vẫn biết ai cũng có quyền được tự do bày tỏ quan điểm, tâm tư tình cảm của mình, nhưng nên nhớ không thể vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến trước những vấn đề quan tâm không đồng nghĩa với việc tự huyễn hoặc mình là chân lý và có quyền dạy dỗ, xúc phạm, miệt thị, bôi nhọ, vùi dập người khác.

Pháp luật nước ta có những quy định rất nghiêm minh về tội vu khống, làm nhục người khác. Vừa qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý nghiêm một số vụ việc lợi dụng mạng xã hội để vu khống, xúc phạm danh dự người khác, đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Sự vào cuộc quyết liệt, điều chỉnh kịp thời của cơ quan thực thi pháp luật trước các hành vi bạo hành trên không gian mạng là việc làm rất cần thiết, cấp bách hiện nay. Hiệu quả của hành động ấy sẽ còn được nhân lên gấp bội nếu mỗi công dân tự điều chỉnh ngay từ trong ý thức sử dụng mạng của mình. Hãy là người sử dụng mạng văn minh để kiến tạo một không gian số của văn hóa và tri thức kết nối.

HỒNG THẠNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bao-hanh-tren-khong-gian-mang-754829