Bao giờ trả hết?

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn với mục tiêu cao nhất là nâng cao thu nhập để cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều địa phương vì chạy theo thành tích đã tạo ra gánh nợ nặng trĩu mà chưa biết xoay để trả nợ thế nào.

Nợ vì muốn đạt NTM bằng mọi giá

Cụ thể, trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015, hiện có tới 3.637 xã nợ đọng vốn vay xây dựng hạ tầng để đạt tiêu chí NTM, chiếm hơn 40% số xã đạt NTM của cả nước. Đáng chú ý, các địa phương có số nợ đọng lớn lại là nơi có phong trào xây dựng NTM dẫn đầu cả nước như khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) cũng đang nợ khoảng 35 tỉ đồng xây dựng cơ bản, xây dựng NTM.

Theo báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện hai khu vực này có số nợ chiếm tới hơn 75% số nợ đọng của cả nước. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỉ đồng, Thanh Hóa 1.547 tỉ, Thái Bình 1.232 tỉ đồng… Số nợ đọng của các địa phương tập trung chủ yếu trong các dự án về giao thông, thủy lợi, trường học…

Nợ đọng này xuất phát từ bệnh thành tích của những địa phương muốn đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) bằng mọi giá. Thế nhưng tiền trả nợ nhiều địa phương lại chỉ trông chờ vào việc bán đất. Điển hình như xã Quý Lộc huyện Yên Định (Thanh Hóa) đang gánh món nợ 16 tỉ đồng trong xây dụng nông thôn mới.

Về vấn đề nợ đọng trong chương trình xây dựng NTM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dường như các địa phương mới chú trọng xây dựng hạ tầng chứ chưa đầu tư nhiều cho sản xuất để tăng nguồn thu. Vậy lấy tiền đâu để trả nợ

Là một trong 11 xã được chọn làm điểm xây dựng NTM, Quý Lộc sốt sắng nhập cuộc từ đầu năm 2011 với quyết tâm cao, nhiều công trình vượt dự toán của địa phương mà theo lý giải do đây là công việc mới nên lúng túng. Hơn nữa, do áp lực về tiêu chí, thậm chí “chạy tiến độ”, dẫn đến nhiều hạng mục công trình phải làm gấp.

Trong khi đó, xã này lại phải chịu áp lực về việc bán đất để trả nợ, mà không phải cứ bán đất là có người mua ngay nên cái khó càng khó thêm… Thậm chí ngay tại một số địa bàn ở Thành phố cũng đã xảy ra nợ xây dựng NTM.

Một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ứng Hòa cũng cho biết, vì ủng hộ chương trình xây dựng NTM ở địa phương nên doanh nghiệp này đã không ngần ngại cung ứng sản phẩm trước cho xã làm đường. Công trình đã xong đến 5-6 năm nay mà doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền thanh toán.

Nên rà soát sớm để giải quyết nhanh

Trao đổi về vấn đề nêu trên, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn tới con số nợ đọng lớn ở xã trước hết là do việc không kiểm soát chặt chẽ đầu tư công, nợ đọng đó đi từ những đầu tư trường học, bệnh viện, đường sá... Ngoài ra, quy trình đấu thầu còn nhiều vấn đề dẫn tới những vướng víu, lợi ích nhóm, tham nhũng trong đó.

Theo chuyên gia, nguyên tắc của đầu tư công, đó là phải có danh mục ưu tiên đầu tư, cái nào làm trước, cái nào làm sau, tùy theo ưu tiên đó mà có nguồn vốn dự trù và phân bổ sử dụng vốn cho phù hợp. Ngược lại, nếu cứ bạ đâu làm đó, thấy cái nào cần thì phải làm ngay cuối cùng không có hiệu quả, đẩy nợ công của Việt Nam cứ chồng chất lên.

Hiện, giải pháp cấp bách được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra là rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm số nợ này trong năm tới, không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán.

Đối với các địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản, không cho phép triển khai công trình xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ đọng; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn. Cùng với đó là thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư công, đấu thầu, không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, thi công khi chưa được bố trí vốn.

Được biết, Hà Nội hiện đang đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư, bố trí hợp lý các nguồn lực để trả nợ, không tiếp tục thi công các dự án chưa bố trí được vốn, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các huyện để xảy ra sai phạm, nợ đọng nhiều.

Đồng thời rà soát lại toàn bộ các đề án xây dựng NTM làm cơ sở để xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, theo hướng ưu tiên: Làm từ đồng vào làng và từ làng lên xã; chọn những nội dung không cần tiền hoặc cần ít tiền để làm trước; tập trung ưu tiên cho hạ tầng phục vụ sản xuất, gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất…

Thương Huế

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bao-gio-tra-het-43897.html