Báo động tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể

Từ đầu năm đến nay, liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong các đám cỗ của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Nguyên nhân được xác định là do bà con chế biến, sử dụng thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn, trong đó nổi lên là rượu chứa độc tố.

Ông Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang thăm hỏi, động viên các bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm tại thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, Vị Xuyên. Ảnh: TTXVN

Dư luận cả nước chấn động trước thông tin 8 người chết và gần 60 người cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm tại đám tang ông Phu Vần Lẻng (dân tộc Hà Nhì ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu). Nguyên nhân vụ việc này đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác định là do ngộ độc cồn công nghiệp methanol với cả 3 mẫu rượu lấy tại hiện trường thì chất này vượt ngưỡng hàng nghìn lần cho phép.

Chỉ sau mấy ngày, gần 100 người nhập viện do ngộ độc thực phẩm tại một đám cưới (thôn 3, xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang), nguyên nhân được xác định là do thực phẩm có chứa vi khuẩn Salmonella. Rất may trong vụ này không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, qua vụ ngộ độc này lại gióng lên hồi chuông báo động về mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong khâu chế biến, bảo quản thực phẩm.

Mới đây nhất, tại đám hỏi con trai ông Lý Seo Hỏa dân tộc Mông (thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, Hà Giang), sau mấy tiếng dùng cơm, các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng và nôn ra thức ăn, kèm theo dịch lẫn máu. Vụ ngộ độc này đã làm 3 người chết, 55 người nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân vụ ngộ độc là do thức ăn nhiễm S.aureus (tụ cầu vàng).

Ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, qua 2 vụ ngộ độc thực phẩm ở Hà Giang, nguyên nhân là do quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo dẫn đến thức ăn nhiễm vi khuẩn. Qua đây, Sở đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm soát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bữa ăn tập trung đông người, tiệc cưới, đám giỗ… Tổ chức tập huấn về công tác đảm bảoVSATTP tại các huyện, tuyên truyền về cách chế biến thực phẩm tại gia đình, đặc biệt tại các đám cỗ có đông người ăn.

Theo ông Chu Văn Ban, Chi cục Trưởng VSATTP tỉnh Lai Châu, do tập quán sinh hoạt của người đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, mỗi khi gia đình nào trong bản có đám (cưới hỏi, ma chay), bà con thường tự nấu và rượu là thức uống không thể thiếu trong những ngày này. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát hàng hóa tại những vùng sâu, vùng xa biên giới còn hạn chế nên tình trạng thực phẩm không tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hết hạn sử dụng được bày bán công khai. Do đó, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì số người mắc cùng thời điểm sẽ nhiều, khó cho công tác cấp cứu, ngộ độc rượu và nấm có nguy cơ tử vong cao nhất tại vùng này.

"Qua vụ ngộ độc làm chết nhiều người tại bản Tả Chải, địa phương đã tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép buổi họp thôn bản, tuyên truyền qua các hội, các đoàn thể, tuyên truyền trên sóng đài phát thanh, truyền hình, báo chí… Ban chỉ đạo ban hành 1 công văn đề nghị tất cả các thôn bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu khi gia đình có đám, tổ chức ăn uống chủ gia đình phải ký cam kết với chính quyền địa phương về đảm bảo VSATTP", ông Ban thông tin.

Bùi Bình

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/bao-dong-tinh-trang-ngo-doc-thuc-pham-tap-the_t114c1159n125711