'Báo động' tai nạn học đường, ai phải chịu trách nhiệm?

Trong vòng nửa tháng qua, nhiều vụ tai nạn học đường thương tâm xảy ra, khiến dư luận xã hội bàng hoàng, phụ huynh lo lắng.

Hiện trường vụ tai nạn tại ĐH Hutech. Ảnh: SV.

Nguy hiểm rình rập ngay tại trường học

So với các khu vui chơi, trường học luôn được xem là nơi an toàn cho học sinh. Thế nhưng, do học sinh đông, trường học chật hẹp, các dụng cụ phục vụ học tập, cơ sở vật chất của trường chưa được đảm bảo, xuống cấp… là nguyên nhân gây ra những tai nạn đáng tiếc cho học sinh.

Những ngày qua, nhiều người đau xót trước cái chết thương tâm của Nguyễn Thanh Long (29 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM) vì bị một miếng bê tông rơi trúng đầu.

Ngày đưa tiễn Thanh Long, tại lễ tang, ĐH Hutech trao bằng tốt nghiệp cho cậu. Mẹ nam sinh khóc nấc, chua chát hỏi: 'Sao con tôi đi học trong trường mà cũng chết?'.

Hiệu trưởng trường ĐH Hutech trao bằng tốt nghiệp cho cha của sinh viên Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Dân Trí

Trước đó, ngày 12.10, anh Phạm Văn Đạt ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đau đớn khi con anh bị cánh cửa ở cổng trường Tiểu học Tam Quan (huyện Tam Đảo) đổ sập xuống người, khiến cháu bị gãy xương quai xanh.

Cùng ngày, em Bùi Văn Thành, Trường Tiểu học Đại Bản (Hải Phòng) tử vong tại trường do bị điện giật. Lực lượng chức năng phát hiện nơi học sinh tử vong có sợi cáp quang mạng Internet quấn vào song sắt lan can và quấn vào hệ thống dây điện của trường.

Tiếp đến, vào chiều 17.10, một học sinh lớp 8 Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) trong lúc chơi đùa đã ngã từ lan can tầng 2 xuống đất, phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức.

Tại Thái Bình, bé trai 3 tuổi ngã tại trường mầm non, dẫn đến bị xuất huyết não và phải đi mổ gấp để cứu tính mạng.

Mảng vữa trên trần rơi xuống lớp học. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Chiều 20.10, thầy trò Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) hoảng sợ, tháo chạy khi nhiều mảng vữa trần nhà tại các lớp học bị vỡ, rơi xuống sàn. Do cơ sở vật chất bị xuống cấp, hằng ngày học sinh và giáo viên vẫn dạy và học trong tâm trạng thấp thỏm. Còn phụ huynh thì lo lắng khi tử thần rình rập ngay trên đầu con mình.

Tai nạn xảy ra trong trường, ai chịu trách nhiệm?

Chia sẻ với Lao Động, anh Phạm Văn Đạt (Vĩnh Phúc) vẫn chưa hết bức xúc, vì khi tai nạn xảy ra, lãnh đạo trường nơi con anh học có thái độ phủ nhận trách nhiệm. Anh cho biết không cần trường bồi thường, nhưng ít nhất cũng cần có sự quan tâm, động viên con anh.

Nhiều vụ tai nạn xảy ra ngay tại trường học, nhưng đa phần đều có điểm chung như trường hợp của con anh Đạt: Nhà trường đùn đẩy trách nhiệm, gia đình học sinh nhận lấy nỗi đau.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, khi vụ tai nạn xảy ra trong trường học thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng của trường, không thể đổ lỗi cho học sinh hay gia đình. Ngoài ra, ngành giáo dục cần có công văn yêu cầu các trường tổng kiểm tra, rà soát các hạng mục kém chất lượng, để học sinh được học tập trong môi trường an toàn.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/bao-dong-tai-nan-hoc-duong-ai-phai-chiu-trach-nhiem-571509.ldo