Báo động nạn kích giun bằng điện

Một chủ vườn cam ở xã Thu Phong, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) vừa gửi thư khẩn đến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, phản ánh nạn kích giun bằng điện xảy ra phổ biến trên địa bàn, khiến nông dân trồng cam điêu đứng trước nguy cơ mất trắng sau khi đầu tư hàng tỷ đồng.

Lợi trước mắt

Để đánh kích giun, các đối tượng sử dụng một loại máy đang bán công khai ở Hà Nội và nhiều đại lý điện máy, cơ khí ở miền Bắc, có tên gọi “Máy kích giun, trùng đất điện tử” hoặc “Máy bắt giun đất”. Giá máy dao động 1-3 triệu đồng/bộ, linh kiện nhập khẩu, lắp ráp tại Việt Nam, thậm chí còn được ghi “hàng Việt Nam chất lượng cao”. Trên các trang web và mạng xã hội, thiết bị này được quảng cáo là: đánh 4 cọc (cắm xuống đất) loại 4 tụ siêu khủng, có thể đánh giun với số lượng lớn, trên mọi loại địa hình, chất đất. Sau khi cắm điện xuống đất, khoảng 20-30 phút sau, toàn bộ giun trong phạm vi 4m2 sẽ chui lên mặt đất.

Một chủ vườn bưởi ở khu vực Thung Rếch (xã Tú Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết, nếu loại máy này cắm xuống đất (điện cực đại phóng ra mỗi tụ là 2.000V, tổng là 8.000V) thì không con vật nào sống sót nổi. Vườn bưởi của gia đình anh nhiều lần xuất hiện các đối tượng đánh kích giun trộm, do những đối tượng này hoạt động vào ban đêm nên gia đình không bắt được tận tay. Mới đây, do quá bức xúc, anh thông báo lên các nhóm Facebook của địa phương: “Nếu bắt được kẻ nào tiếp tục đánh kích điện trong vườn, sẽ… chặt tay”.

Tại miền Bắc, nạn đánh kích giun bắt đầu manh nha từ năm 2019, nhưng phát triển tràn lan thời gian gần đây. Nguyên nhân là do có nhiều cơ sở rao thu mua giun đất để làm thuốc hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc (nước này cũng gặp tình trạng nhức nhối trên). Giun đất được các cơ sở này gọi là “địa long”, thu mua về để sơ chế, phơi khô rồi đem làm thuốc (được quảng cáo là bổ thận, lợi tiểu, thậm chí còn được đồn là ngăn ngừa SARS-CoV-2 trong đại dịch Covid-19 vừa qua). Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, nạn săn bắt giun số lượng lớn bằng máy kích điện tái diễn. Giá thu mua giun sống hiện tại khoảng 20.000-25.000 đồng/kg. Còn giá giun khô (đã sơ chế, sấy khô) khoảng 600.000-700.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Tuyên Quang, lực lượng chức năng đã xử lý một cơ sở thu gom, sơ chế giun đất tại thôn Đồng Chậu, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn.

Tại tỉnh Lào Cai, chính quyền xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng đã lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động một hộ thu gom giun đất tại thôn Cốc Sâm 2. Ngày 24-7, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cũng ra văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, ngăn chặn nạn đánh bắt giun đất bằng kích điện, hóa chất đang diễn ra tràn lan.

Hại lâu dài

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, tình trạng trên không chỉ xảy ra ở tỉnh Hòa Bình mà đang trở thành mối nguy tại nhiều địa phương khác ở miền Bắc, như Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Bắc Giang, Thái Bình…, trong khi cơ quan chức năng chưa có chế tài xử lý. Anh Nguyễn Anh Tuân, người viết bức thư gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết, hậu quả của tình trạng này là gây chết vi sinh vật trong đất, tiêu diệt hết giun và làm hỏng rễ của cây. “Nếu tiếp diễn, toàn bộ đất đai canh tác sẽ hỏng và ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp”, anh Tuân viết, đồng thời mong Bộ NN-PTNT vào cuộc, bảo vệ người nông dân.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường thông tin, ngay sau khi nhận được thư của nông dân tại vựa cam Cao Phong (Hòa Bình), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chuyển thư cho Cục Trồng trọt, yêu cầu kiểm tra. Ông Nguyễn Như Cường cho biết đã trao đổi với các địa phương về hướng xử lý.

Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung chế tài, giải pháp trước mắt là cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền đến những người tham gia kích giun đất, cơ sở thu mua, sơ chế, buôn bán giun đất về tác hại nghiêm trọng của vấn nạn này. Đồng thời khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện giun đất để xử lý. Chính quyền địa phương phải xử lý hành chính với những cá nhân trực tiếp kích giun bằng điện theo các quy định xử lý vi phạm an ninh trật tự (tự do vào vườn khi chưa được phép, xung đột với chủ đất, chủ vườn…). Trong thời gian tới, cần bổ sung chế tài đối với các hành vi hủy hoại đất vào các văn bản pháp luật về đất đai, môi trường.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-dong-nan-kich-giun-bang-dien-post702972.html