Báo động dịch bệnh tay chân miệng

So với những năm trước, năm nay dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đến sớm hơn và đã xuất hiện nhiều ca bệnh nặng, nguy hiểm.

Bệnh nhi L.G.H. phải thở máy, lọc máu để điều trị bệnh tay chân miệng. Ảnh: H.Dung

Các bác sĩ cảnh báo, số ca bệnh TCM sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Những gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi, các điểm giữ trẻ cần đặc biệt lưu ý để thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh cho trẻ, tránh những hậu quả đáng tiếc.

* Bệnh nhi phải lọc máu, thở máy

Ngày 28-5, Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận bệnh nhi L.G.H. (17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) trong tình trạng sốt cao ngày thứ 2, giật mình khi ngủ. Những ngày sau đó, bệnh nhi tiếp tục sốt cao không hạ, giật mình nhiều trong lúc ngủ, chới với, thở nhanh, mạch nhanh, có dấu hiệu chuyển nặng nên được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc để được điều trị.

ThS-BS Trần Lê Duy Cường, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh TCM mức độ nặng, được chỉ định truyền thuốc Gammar globulin nhằm kháng lại virus TCM. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi không thuyên giảm mà chuyển nặng hơn. Đồng thời, xuất hiện những cơn ngưng thở, mỗi cơn ngắn khoảng 3 giây kèm rung chi, ngồi không vững.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, các bác sĩ đã phải tiến hành đặt ống nội khí quản để ổn định thần kinh cho bệnh nhi. 1 ngày sau khi được đặt ống nội khí quản, bé H. vẫn sốt cao liên tục, mạch nhanh, huyết áp cao nên bác sĩ tiến hành lọc máu để thải những độc tố của virus TCM ra ngoài.

Đến ngày 3-6, bé H. đã giảm sốt, huyết áp, mạch về mức bình thường. Dự kiến 1-2 ngày tới, bệnh nhi sẽ được cai máy thở và tiếp tục theo dõi, điều trị cho đến khi bình phục hoàn toàn.

Theo BS Cường, từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận một số trường hợp bệnh TCM nặng nhưng chưa có ca nào phải thở máy, lọc máu như bé H. Kể từ tuần cuối tháng 5, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận từ 1-2 ca TCM nặng chuyển từ Khoa Bệnh nhiệt đới.

* Những dấu hiệu nhận biết bệnh TCM

Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho hơn 50 bệnh nhi, một nửa trong số đó là bệnh TCM. Số ca nhập viện do TCM tăng gấp 3 so với vài tuần trước đó.

BS CKI Hán Bình Thuận, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho hay, “mùa” của bệnh TCM thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Nhưng năm nay, dịch bệnh đến sớm hơn, diễn tiến bệnh bất thường hơn, có nhiều ca bệnh nặng, cần phải theo dõi sát.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 750 ca mắc bệnh TCM, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã gửi một số mẫu bệnh phẩm đi làm xét nghiệm nhưng hiện chưa có kết quả. Tuy nhiên, nhiều khả năng các ca bệnh nặng đã mắc chủng EV71 - là chủng virus TCM gây độc thần kinh nghiêm trọng nhất.

Về thuốc điều trị, theo BS Thuận, hiện nay thuốc Gamma globulin vẫn còn nhưng nếu số bệnh nhân mắc TCM tăng, đặc biệt gia tăng về số bệnh nặng sẽ dẫn đến căng thẳng trong vấn đề điều trị.

Đang cùng vợ chăm sóc con trai 3 tuổi tại Khoa Bệnh nhiệt đới, anh T.V.S. (ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) cho biết, cách đây hơn 1 tuần, con anh có biểu hiện mệt mỏi. Ngày 31-5, bé sốt cao không hạ nên gia đình đưa vào bệnh viện khám, làm xét nghiệm máu nhưng chưa phát hiện bệnh nên anh đưa con về nhà. Đến chiều cùng ngày thì bé sốt cao, mệt nhiều, rung người, gia đình lập tức đưa vào bệnh viện để khám và nhập viện. Kết quả khám bệnh cho thấy, bé bị bệnh TCM mức độ nặng, cần theo dõi sát.

Trong khi đó, bé P.N.Q. (3 tuổi, ngụ xã Giang Điền, H.Trảng Bom) nhập viện trong tình trạng loét họng, sốt, phát ban tay chân. Bác sĩ xác định bệnh nhân mắc bệnh TCM độ vừa, đang được theo dõi, điều trị.

BS Hán Bình Thuận cho biết, những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh TCM mà phụ huynh cần biết gồm: trẻ sốt cao liên tục không hạ, tự dưng nôn ói, nhợn ói, run tay run chân, trẻ đi không vững, thở mệt. Một dấu hiệu đặc trưng là trẻ ngủ bị giật mình. Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được khám, điều trị kịp thời. Nếu xử lý chậm trễ, tình trạng bệnh có thể chuyển nặng như ngưng thở, tím tái.

Virus TCM chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với dịch mũi hoặc họng của người bệnh, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người bệnh. Bệnh dễ lây lan trong giai đoạn cấp tính, có thể kéo dài vì virus thải ra phân sẽ sống thêm vài tuần. Thời gian ủ bệnh thường từ 3-5 ngày.

Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Những trẻ mắc bệnh cần được cách ly ở nhà hoặc cơ sở y tế, tránh cho tham gia vào các hoạt động tập thể bởi sẽ có khả năng lây bệnh cho những trẻ khác.

Những trẻ không đi nhà trẻ cũng có khả năng mắc bệnh do tiếp xúc với người lớn. Người lớn tiếp xúc với một trẻ mắc bệnh mà khi về nhà không rửa tay sạch sẽ, sau đó bế hoặc chơi đùa, tiếp xúc với trẻ lành cũng làm lây bệnh cho trẻ.

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, rửa tay là biện pháp phòng, chống bệnh TCM quan trọng nhất. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Phụ huynh cần tăng cường bổ sung vitamin cho trẻ, nhất là vitamin C.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202306/bao-dong-dich-benh-tay-chan-mieng-3168517/