Bảo đảm vùng nguyên liệu gỗ ổn định

Ngành gỗ Việt Nam đặt trọng tâm vào khâu xuất khẩu. Do đó, việc chủ động tạo ra các vùng nguyên liệu gỗ ổn định, có giá trị, bảo đảm nguồn gốc hợp pháp đang là bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp chế biến và người trồng rừng hiện nay.

Khai thác gỗ rừng trồng tại Công ty TNHH một thành viên U Minh Hạ. Ảnh: VĂN SINH

Theo Cục Lâm nghiệp, cả nước hiện có khoảng 14,74 triệu ha rừng, trong đó có 4,57 triệu ha (31%) rừng trồng, và 10,17 triệu ha (69%) rừng tự nhiên. Mỗi năm, cả nước khai thác hơn 20 triệu tấn gỗ nguyên liệu, đáp ứng trên 80% nhu cầu chế biến xuất khẩu. Nguồn gỗ từ các vườn cao-su thanh lý và cây phân tán cho từ khoảng 8-9 triệu m3 mỗi năm và ngày càng trở nên quan trọng đối với nhu cầu sản xuất.

Theo tính toán của các nhà nhập khẩu gỗ, trước đây, hằng năm các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ từ hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng đến nay, theo thống kê từ các cơ quan liên quan, số lượng nhập khẩu đã giảm dần. Ðây được coi là một thành công trong việc phát triển trồng rừng, xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ có giá trị. Diện tích rừng trồng hằng năm đã tăng từ 5-5,5%, độ che phủ đạt chỉ tiêu mà Chính phủ, Quốc hội đề ra, tạo việc làm cho hơn 2 triệu nông dân. Gỗ rừng trồng đã trở thành nguyên liệu chính cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu.

Những cơ chế chính sách hỗ trợ đã tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác phát triển nhờ trồng rừng. Ông Vũ Thành Nam, Phòng Sử dụng rừng (Cục Lâm nghiệp) cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách cho phát triển lâm nghiệp như: Dịch vụ môi trường rừng, trồng mới 5 triệu ha rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững… Các chính sách đã góp phần đẩy nhanh tốc độ trồng rừng cũng như tiêu thụ gỗ rừng trồng; gỗ rừng trồng trong nước được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ðến nay, xác định cần đẩy nhanh việc xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ để phục vụ công nghiệp chế biến, nhiều địa phương có rừng đã hỗ trợ kịp thời cho người trồng rừng về chính sách, tài chính, con giống, quỹ đất lâm nghiệp. Việc liên kết giữa người trồng rừng với các doanh nghiệp cũng đang được thực hiện hiệu quả.

Quảng Trị là một trong những địa phương đạt được nhiều thành tựu trong phát triển rừng gỗ lớn, liên kết trồng rừng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho biết, trong tổng số 23.400 ha rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) mà Quảng Trị đang có, tập trung chủ yếu ở các công ty lâm nghiệp với hơn 17.000 ha, diện tích còn lại do các hộ dân và hợp tác xã trồng. Quảng Trị cũng là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam có rừng được cấp chứng nhận quốc tế FSC. Tỉnh xác định mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng của khu vực miền trung. Ðể thực hiện mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ trên địa bàn 5 huyện gồm: Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh, nhằm hình thành vùng kinh doanh rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng đã xây dựng Ðề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030.

Ðể bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ người dân sống bằng nghề rừng được hưởng trợ cấp, gồm các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã còn khó khăn và xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các gia đình được hưởng trợ cấp đang thực hiện bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng tự nhiên được giao; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ với diện tích từ 0,3 ha trở lên; nhận khoán bảo vệ rừng từ 1 ha trở lên trong thời gian chưa thể tự túc được lương thực theo quy định. Mức trợ cấp bằng gạo hoặc tiền với giá trị tương ứng 15 kg gạo/khẩu/tháng. Thời gian trợ cấp tối đa 9 tháng/năm, mỗi năm trợ cấp tối đa không quá 3 lần, mỗi lần không quá 3 tháng, thời gian trợ cấp không quá 7 năm. Tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng, phát triển rừng bền vững vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ tốt tài nguyên, môi trường.

Tại tỉnh Bình Ðịnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã rà soát diện tích, đối tượng có nhu cầu đăng ký hỗ trợ trồng rừng sản xuất trong năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn theo quy định của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, có nhu cầu hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất. Việc hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ. Ðịnh mức hỗ trợ bằng tiền mặt, với số tiền 10 triệu đồng/ha.

Tuy vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ tích cực người trồng rừng sản xuất, đối với nhiều hộ trồng rừng, lợi ích kinh tế của trồng rừng gỗ lớn hiện vẫn thấp hơn trồng rừng làm nguyên liệu dăm. Việc tiếp cận với nguồn hỗ trợ của Chính phủ còn khó khăn do các hộ dân không đáp ứng được tiêu chí tài sản bảo đảm, quy định tín dụng, tài chính liên quan. Do đó, nhiều hộ trồng rừng thiếu nguồn lực tài chính để phát triển rừng sản xuất, nhất là rừng gỗ lớn. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng cây giống và kỹ thuật khuyến lâm vẫn còn có nhiều hạn chế. Tâm lý lo sợ rủi ro do thiên tai đối với rừng trồng chu kỳ dài của các hộ trồng rừng vẫn còn. Năng lực vận chuyển hàng hóa, chế biến sâu tại các vùng nguyên liệu rừng trồng vẫn còn yếu… Ðây là những hạn chế lớn cần sớm khắc phục để việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển vùng nguyên liệu gỗ đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ…

Giai đoạn 2021-2025, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu mỗi năm trồng rừng đạt 230.000 ha, trong đó, rừng phòng hộ và đặc dụng đạt từ 4.000-6.000 ha; trồng rừng sản xuất là 225.000 ha/năm, trong đó trồng cây gỗ lớn đạt hơn 30% và trồng 50 triệu cây phân tán mỗi năm…

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Nguồn:https://nhandan.vn/bao-dam-vung-nguyen-lieu-go-on-dinh-post787390.html

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/630645-bao-dam-vung-nguyen-lieu-go-on-dinh.html