Bảo đảm thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng nay, phạm vi áp dụng Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và còn có kiến khác nhau.

Quản lý chặt chẽ vốn nhà nước

Tại dự thảo Luật trình Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến cụ thể lựa chọn giữa hai phương án. Phương án 1,bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013. Phương án 2, quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.

Thảo luận tại hội trường sáng qua, một số ý kiến tán thành phương án 2 với lý do, nếu quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác… sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này. Tổng hợp số liệu khảo sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đối với 13 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cho thấy, số dự án thực hiện đấu thầu ở công ty mẹ chỉ chiếm 17% và 83% còn lại được thực hiện ở các công ty con. Trong đó, số dự án đấu thầu của các tổng công ty con là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn điều lệ chiếm 65%, số dự án được đấu thầu của công ty con là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước có từ 50 - 99% vốn điều lệ là 18%.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu

Xuất phát từ thực tế này, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nhấn mạnh quan điểm “ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” và cho rằng, với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước vẫn cần áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng cho rằng, hiện nay các quy định của pháp luật về đấu thầu và ngay trong dự thảo Luật Đấu thấu (sửa đổi) đang trình Quốc hội cũng đã có những quy định về đấu thầu rất rõ ràng, minh bạch, quy trình, thủ tục hành chính thông thoáng, dễ thực hiện, thời gian tổ chức đấu thầu đã được giảm. Do đó, việc áp dụng Luật Đấu thầu để thực hiện các gói thầu sẽ không mất nhiều thời gian, thuận lợi cho quá trình thực hiện và sẽ không làm giảm khả năng linh hoạt hay bỏ lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. “Qua đấu thầu sẽ lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm và hiệu quả kinh tế mang lại cho Nhà nước, doanh nghiệp sẽ là rất lớn thông qua quản lý tốt công tác lựa chọn nhà thầu bảo đảm công bằng, minh bạch”, đại biểu phân tích.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm này, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị, cần đánh giá tác động đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ. Trường hợp doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu dự án chưa đến 50% cũng cần được làm rõ trong dự thảo Luật.

Không nên áp dụng cứng nhắc một phương thức quản lý

Không đồng tình với những ý kiến trên, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) chọn phương án 1 và đề nghị không mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước. Lý lẽ là bởi, nếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu cho công ty con của doanh nghiệp nhà nước đồng nghĩa mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu. “Đây là một phạm vi rất rộng”.

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng nhấn mạnh, Luật Đấu thầu không phải công cụ duy nhất để quản lý doanh nghiệp nhà nước mà còn có các Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp… Vì vậy, cần hết sức cân nhắc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước nhằm mục đích quản lý nguồn vốn của nhà nước tốt hơn.

Theo Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), cần phân biệt giữa vốn của nhà nước, ngân sách của nhà nước được sử dụng trong thực hiện dự án là bao nhiêu, tỷ lệ bao nhiêu chứ không phải doanh nghiệp nào là doanh nghiệp nhà nước và chiếm bao nhiêu phần trăm của nhà nước để đưa vào phạm vi áp dụng của dự thảo Luật. Đại biểu nhấn mạnh, vấn đề cần lưu tâm là chúng ta kiểm soát đồng vốn của nhà nước được đầu tư vào các chương trình, dự án đấy như thế nào; tránh nhầm lẫn những dự án nào, công ty nào của nhà nước mà sử dụng trên 50% vốn của nhà nước mà không thực hiện đấu thầu đấy là vi phạm Luật Đấu thầu. Với lý do này, đại biểu cho rằng, phương án 1 là phù hợp, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các doanh nghiệp nhà nước, vừa bảo đảm hiệu quả quản lý của nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Giải trình, làm rõ thêm nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phương án do Chính phủ đề xuất bảo đảm không thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cũng không tạo ra khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, đối tượng doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp nhà nước đã được mở rộng, không chỉ bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà còn có cả doanh nghiệp trong đó Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên. Dự thảo Luật đã quy định doanh nghiệp nhà nước thuộc các đối tượng nêu trên phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Mặt khác, khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật đã quy định việc áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. "Quy định như vậy vẫn đảm bảo nguyên tắc tất cả các dự án sử dụng vốn nhà nước, bất kể dự án đó của doanh nghiệp nhà nước hay không phải của doanh nghiệp nhà nước đều phải áp dụng Luật Đấu thầu", Bộ trưởng cho biết.

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cũng đã quy định rất rõ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác để áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp cho từng loại doanh nghiệp.

Các đại biểu dự phiên họp

Các đại biểu dự phiên họp

Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác, phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp. Với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phương án Chính phủ trình đã phù hợp với các quan điểm của Nghị quyết Trung ương cũng như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các doanh nghiệp nhà nước cũng như hiệu quả quản lý của nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-thuan-loi-cho-hoat-dong-dau-thau-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-i329963/