Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bài 1: Quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thời gian qua, đặc biệt từ sau Đại hội XII của Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao. Kết quả đạt được có sự đóng góp của các cơ quan có chức năng PCTN ở trung ương (T.Ư) và các bộ, ngành, địa phương.

Hội thảo về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan thực hiện chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng Trung ương

Tích cực phát hiện và xử lí tham nhũng

Để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và các cơ quan chức năng đã tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong điều tra, phát hiện, làm rõ, xử lí các vụ án, vụ việc về tham nhũng. Bên cạnh đó có biện pháp kịp thời để hạn chế thiệt hại xảy ra, đồng thời xác định mức độ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm, có hình thức xử lí thích đáng và nghiêm minh. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử như: Vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; vụ án xảy ra tại Phòng giao dịch Ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh; vụ án xảy ra tại Vinalines; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn; vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank); vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương…

Theo Tiến sĩ Trần Văn Long, Thanh tra Chính phủ, quá trình xử lí các vụ việc thể hiện rõ quan điểm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” và theo phương châm “tài liệu chắc đến đâu xử lí đến đó”, sau đó điều tra, xử lí tiếp nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lí tham nhũng. Cùng với việc phát hiện, xử lí nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; động viên, khuyến khích người phạm tội tự thú, tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho nhà nước. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế đạt khá cao như: Vụ án Giang Kim Đạt đã thu giữ, kê biên, phong tỏa tài sản hơn 300 tỉ đồng; vụ Hứa Thị Phấn kê biên hơn 10.000 tỉ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á kê biên hơn 2.000 tỉ đồng; vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn I) thu hồi hơn 6.000 tỉ đồng; vụ án Trịnh Xuân Thanh thu hồi hơn 45 tỉ đồng; vụ AVG thu hồi hơn 8.500 tỉ đồng; vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc tại Phú Thọ và các địa phương khác, bước đầu thu giữ hơn 1.000 tỉ đồng…

Chỉ tính riêng trong năm 2018, Tòa án nhân dân (TAND) các cấp đã đưa ra xét xử sơ thẩm 256 vụ, với 602 bị cáo phạm các tội tham nhũng (so với năm 2017, số bị cáo bị xét xử các tội về tham nhũng tăng 186 bị cáo). Các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Trong số 602 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các Tòa án sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình đối với 11 bị cáo; xử phạt tù từ hơn 15 năm đến 20 năm đối với 34 bị cáo; phạt tù từ hơn bảy năm đến 15 năm đối với 70 bị cáo; phạt tù từ ba năm đến bảy năm đối với 132 bị cáo; phạt tù từ ba năm trở xuống đối với 218 bị cáo…

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo sát sao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về PCTN của Ủy ban kiểm tra T.Ư. Theo đó, từ đầu nhiệm kì đến nay, Ủy ban kiểm tra T.Ư đã tổ chức kiểm tra đối với nhiều tổ chức đảng như: Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ban cán sự Đảng bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, Đảng ủy Tổng cục Hậu cần kĩ thuật, Đảng ủy Quân chủng Phòng không Không quân… Đặc biệt Ủy ban kiểm tra T.Ư đã kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lí tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan. Qua kiểm tra đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan xem xét trách nhiệm liên quan đến nội dung kiểm tra. Ủy ban kiểm tra T.Ư đã kiểm tra làm rõ nhiều vụ việc sai phạm rất nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng, quyết định kỉ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỉ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, trong đó có Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cán bộ trong lực lượng vũ trang... Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỉ luật của Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Phó Vụ trưởng, Ủy ban kiểm tra T.Ư Đặng Thị Kim Ngân cho biết: Từ nhiệm kì khóa XI, Ban Bí thư đã chú trọng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát qua việc ban hành các quyết định về quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát giữa Ủy ban kiểm tra T.Ư với 23 tổ chức đảng, trong đó có các tổ chức đảng của cơ quan có chức năng PCTN như : Ban Nội chính T.Ư, Đảng ủy Công an T.Ư, Đảng ủy Quân sự T.Ư, Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ. Thực hiện quy chế phối hợp do Ban Bí thư ban hành, định kì Ủy ban kiểm tra T.Ư cùng với các tổ chức đảng tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp, từ đó đưa ra những quy định, phương thức để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Việc thực hiện phối hợp có hiệu quả tốt giúp cho công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn…

Không chỉ các cơ quan ở Trung ương tích cực phát hiện và xử lí tham nhũng, tại một số địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, phát hiện, xử lí nghiêm minh, kịp thời nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm liên quan đến tham nhũng như: TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và các tỉnh Sơn La, Đắc Lắc, Cần Thơ... Nhờ sự nỗ lực của các cơ quan chức năng nên công tác phát hiện, xử lí các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực đã góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng.

Nhiều khó khăn, thách thức đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, “trên nóng, dưới lạnh”; việc phát hiện, xử lí tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lí tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được chú trọng… Tại Hội thảo về “Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan thực hiện chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng của hệ thống tổ chức đảng Trung ương ở Việt Nam hiện nay” do Ủy ban kiểm tra T.Ư tổ chức tại TP Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng: Chống tham nhũng được Đảng ta xác định là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp đòi hỏi phải thực hiện kiên trì, bền bỉ, kiên quyết và lâu dài. Dấu hiệu vi phạm về tham nhũng thường khó phát hiện, đối tượng vi phạm dùng thủ đoạn tinh vi, thậm chí có sự cấu kết cấp trên với cấp dưới tìm cách gây khó khăn, trở ngại cho quá trình kiểm tra, giám sát. Trong thực tiễn vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát có tâm lí nể nang, né tránh, ngại va chạm khi gặp khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó còn có trường hợp trình độ, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra... Đấu tranh PCTN là công việc rất quan trọng nhưng cũng cực kì khó khăn bởi tham nhũng là một hiện tượng gắn liền với quyền lực, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng của cá nhân, liên quan đến những người có chức, có quyền. Luật PCTN quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong PCTN, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một trong những nguyên nhân khiến vai trò của các cơ quan có chức năng PCTN trong việc phát hiện và xử lí tham nhũng chưa phát huy hiệu quả là do hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan thực thi pháp luật. Đây cũng là nguyên nhân làm cho hiệu quả phát hiện, xử lí các vụ việc tham nhũng thời gian qua chưa cao.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN nên thiếu tự giác trong chấp hành. Tình trạng cán bộ, công chức có tâm lí thờ ơ, ngại đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ còn khá phổ biến; việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức. Trong xã hội vẫn còn tâm lí cần phải hối lộ hoặc tác động bằng hình thức khác đối với người có chức vụ quyền hạn để được thuận lợi trong giải quyết công việc.

Bà Lữ Thị Hằng, TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho biết về những khó khăn, thách thức đặt ra trong trong công tác PCTN là: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn hạn chế, yếu kém. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của một số cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát còn chưa đúng mức, chưa đầy đủ; có nơi lựa chọn nội dung kiểm tra, giám sát chưa sát hợp với thực tế, còn có cấp ủy chưa quan tâm đầy đủ đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Cuộc đấu tranh PCTN do Đảng ta chỉ đạo và phát động trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định nhưng còn chứa nhiều yếu tố bất ổn, chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Điều này gây tâm lí e ngại, chưa tin tưởng hoàn toàn vào công cuộc đấu tranh PCTN của đại đa số người dân…

Tiến sĩ Cao Anh Đô, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ ra nguyên nhân hạn chế trong đấu tranh PCTN, lãng phí là do cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, còn nhiều sơ hở nhưng chậm được sửa đổi bổ sung; còn có tình trạng thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo trong một số quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước dẫn đến khó khăn cho kiểm tra, giám sát, xử lí khi có khuyết điểm, vi phạm. Chưa có cơ chế bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát PCTN đối với cán bộ, đảng viên, công chức… Còn một số tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng, lãng phí nên lãnh đạo không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, lãng phí; chưa thực sự dựa vào dân và chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh PCTN. Công tác cán bộ và việc quản lí cán bộ, giáo dục cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, ngành, trong đó có cán bộ lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng…

Những hạn chế, thiếu sót trên cần được nhìn nhận và khắc phục trong thời gian tới để công cuộc đấu tranh PCTN đạt được những hiệu quả thiết thực, tạo niềm tin cho nhân dân.

Nguyễn Văn Hai

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=140777