Bảo đảm quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số

Bài cuối:
BÌNH PHƯỚC PHÁT HUY “SỨC MẠNH MỀM” ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

BPO - Bình Phước là địa phương có 41 dân tộc sinh sống, đây là điển hình cho sự đa dạng về dân tộc của đất nước. Sự đa dạng này một mặt tạo ra những nét phong phú, đặc sắc về văn hóa, con người, vùng đất của địa phương, cũng là “sức mạnh mềm” đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước.

Điển hình cho sự đa dạng về dân tộc của đất nước

Tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên là 6.876,76km2, nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, là cửa ngõ, cầu nối của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia; có đường biên giới dài 258,939km (có 15 xã biên giới, thuộc 3 huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Dân số toàn tỉnh có 1.034.667 người, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) là 203.519 người (19,67%); có 41 DTTS sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố. Các DTTS chủ yếu sống bằng nông nghiệp, tập trung ở miền núi, vùng sâu, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh. Giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh có 58 xã thuộc vùng DTTS và miền núi, trong đó có 5 xã và 25 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn.

Bình Phước là một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh trong khu vực Đông Nam Bộ, có lịch sử lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuy nhiên, với đặc điểm này, Bình Phước cũng là một vùng thường bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình”.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền các cấp trong tỉnh, những năm qua, đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước đã phát huy sức mạnh nội lực, đoàn kết, đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Phát huy sức mạnh nội lực, đoàn kết phát triển

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Kết luận số 380-KL/TU ngày 25-6-2022 về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất.

Các cấp, ngành của tỉnh đã tập trung thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ góp phần phát triển hình kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, quan tâm nắm tình hình, triển khai giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh xã hội, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tăng cường đối thoại với dân và tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực dân tộc được quan tâm theo hướng thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc, trọng dân, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị tích cực tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh xã hội, nhất là trong đồng bào DTTS.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Phước biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống - Ảnh: Nhất Sơn

Bình Phước có 2 chủ trương rất nhân văn, hiệu quả. Đó là Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS mỗi năm và hỗ trợ đồng bào DTTS khó khăn mua bảo hiểm y tế. Kết quả trong 4 năm thực hiện, trên địa bàn tỉnh đã giảm hơn 4.000 hộ nghèo DTTS, đưa tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm sâu chỉ còn 6,17%; hỗ trợ đồng bào DTTS khó khăn mua bảo hiểm y tế với tổng 62 tỷ đồng, nhờ đó có hơn 76.000 người dân có thẻ bảo hiểm y tế…

Năm 2021-2022, toàn tỉnh đã giảm 2.453 hộ nghèo DTTS, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra (mỗi năm giảm 1.000 hộ), đưa số hộ nghèo DTTS cuối năm 2021 còn 516 hộ, chiếm tỷ lệ 43,36% trong tổng số hộ nghèo. Riêng năm 2022, do áp dụng chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2021-2025) nên số hộ nghèo DTTS tăng lên 2.820 hộ, chiếm tỷ lệ 57,91% trong tổng số hộ nghèo (4.870 hộ nghèo). Trong năm 2022, đã giảm 1.166 hộ nghèo DTTS.

Sinh viên thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số tại các xã biên giới, xã vùng khó khăn của tỉnh Bình Phước được hỗ trợ kinh phí học tập Nguồn: Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước

Cùng với kết quả giảm nghèo, tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sạch đạt 98,8%; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh là 85,87%; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ DTTS dưới 5 tuổi năm 2022 là 1,96%; tỷ lệ trẻ DTTS nhập học đúng tuổi bậc tiểu học năm 2022 là 96,98%; tỷ lệ trẻ DTTS từ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học năm 2022 là 95,60%; tỷ lệ người DTTS từ 10 tuổi trở lên biết chữ đến năm 2022 là 93,83%; tỷ lệ mù chữ nữ DTTS đến năm 2022 là 8,93%; tỷ lệ học sinh nữ DTTS ở bậc tiểu học, THCS, THPT đến năm 2022 là 46,07%; tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở mầm non năm 2022 là nhà trẻ 3,1%, mẫu giáo 59,7%.

Toàn tỉnh có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú. Năm học 2021-2022, có 2.122 học sinh (740 học sinh THPT, 1.382 học sinh THCS), tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng THCS, THPT đạt 100%, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THCS đạt 100%, đậu tốt nghiệp THPT đạt 100%.

Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực, Bình Phước cũng quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS. Theo thống kê của Sở Nội vụ, từ năm 2016 đến tháng 5-2023, UBND tỉnh bố trí công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cho 152 sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành đúng vị trí việc làm; trong đó có nhiều cán bộ trẻ người DTTS được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 219 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh là người DTTS (chiếm tỷ lệ 4,1%); cấp huyện có 1.057 người (tương đương 6,6%); cấp xã có 207 người (tương đương 8,6%).

Tăng cường truyền thông chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Các hoạt động lễ hội của đồng bào các dân tộc được tỉnh Bình Phước quan tâm tổ chức thường xuyên. Hằng năm, ngành văn hóa tỉnh phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các lễ hội cho đồng bào, tạo không khí lành mạnh, vui tươi, thiết thực và bổ ích. Tiêu biểu như các lễ hội: Mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng, lễ đâm trâu, lễ Sen Đôn Ta, tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, tết Ramưwan của đồng bào Chăm… Các tập tục cưới hỏi, ma chay, thờ cúng... của đồng bào DTTS đã từng bước được thực hiện văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc. Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm những câu chuyện kể dân gian, bài hát ru, hát sắc bùa, kèn lá, kèn ống, múa lân, cồng chiêng, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo sưu tầm, tổng kết thực tiễn để đề xuất chính sách bảo tồn và phát triển.

Gia chủ cùng bà con trong sóc chuẩn bị các lễ vật cúng mừng lúa mới - Ảnh: Thổ Thanh - Điểu Lành

Các lễ hội dân gian như lễ hội biểu diễn cồng chiêng, lễ hội té nước cầu mưa, cầu phước, hát múa lâm thôn, lễ hội phá bàu của dân tộc Khmer được duy trì. Việc tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lễ hội, chữ viết âm nhạc, nghề dệt thổ cẩm... của đồng bào DTTS được quan tâm. Có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về văn hóa các DTTS được triển khai. Một số ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào đang dần được khôi phục và phát triển, cung cấp sản phẩm độc đáo phục vụ cho các hoạt động giao lưu, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng trong việc phát triển văn hóa là rất cần thiết.

Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 600 trang, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội thực hiện công tác tuyên truyền, đấu tranh, phản bác. Các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng sử dụng các công cụ, phương tiện của mạng xã hội để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng phủ xanh thông tin tích cực, chủ động dẫn dắt, định hướng luồng thông tin trên không gian mạng liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhận diện, đấu tranh phản bác đối với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó có nhiều thông tin làm rõ các thành tựu trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo được các cấp, ngành chú ý triển khai. Các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài địa phương đã đa dạng hóa hình thức, nâng cao chất lượng tuyên truyền bằng ngôn ngữ, chữ viết đồng bào. Loại hình báo ảnh, phát thanh, truyền hình trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước và các địa phương về tiếng dân tộc đã giúp nhận diện rõ phương thức, âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu lừa phỉnh, lợi dụng vấn đề dân tộc, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo để lôi kéo quần chúng tham gia hoạt động chống phá. Đồng thời, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc, tự do tôn giáo; vận động đồng bào dân tộc tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Với quyết tâm giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, những năm qua, ngoài các chính sách do Trung ương ban hành, Bình Phước đã chủ động triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách... để ưu tiên đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi. Nhờ đó, đã góp phần xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa các vùng trong tỉnh.

Anh Đức - Mỹ Phương

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Kết luận số 380-KL/TU ngày 25-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

3. Báo cáo số 109/BC-UBND ngày 7-4-2023 của UBND tỉnh Bình Phước về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

4. Quyết định số 1887/QĐ-UBND ngày 13-10-2022 của UBND tỉnh Bình Phước về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

5. Quyết định số 212/QĐ-UBND ngày 21-2-2023 của UBND tỉnh Bình Phước về giao chi tiết kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi năm 2023.

6. Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/146129/bao-dam-quyen-binh-dang-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so