Bảo đảm quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số

Bài 1:
TÔN TRỌNG, GIÚP NHAU CÙNG TIẾN BỘ

BPO - Nhà nước Việt Nam thực hiện đường lối nhất quán là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Bảo đảm, thúc đẩy quyền của các dân tộc thiểu số

Lịch sử nước ta đã ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong sự nghiệp đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào các DTTS đã từng không ngại hy sinh xương máu để che chở, bảo vệ cán bộ cách mạng, hăng hái theo Đảng trong cuộc trường chinh kháng chiến cứu nước. Ngày nay, các DTTS vì nhiều lý do mà còn nghèo nàn, lạc hậu và chậm phát triển thì các dân tộc đa số sẽ giúp đỡ đồng bào DTTS.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác dân tộc. Bình đẳng để đoàn kết là vấn đề cốt lõi trong quan hệ giữa các dân tộc ở Việt Nam. Trong thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku tháng 4-1946, Bác Hồ viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Tiếp đó, tháng 2-1947, Người viết trong thư gửi đồng bào thượng du: “...Tôi thay mặt Chính phủ, cảm ơn đồng bào và hứa rằng: Đến ngày kháng chiến thành công, độc lập thành công, Tổ quốc và Chính phủ sẽ luôn luôn ghi nhớ những công lao của các đồng bào”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm cơ bản của Đảng, từ Hiến pháp năm 1946, 1959, 1992 và Hiến pháp năm 2013 hiện hành đều luôn thể hiện sự quan tâm thích đáng đến vị thế, vai trò và quyền lợi của các DTTS. Điều 8, Hiến pháp 1946 khẳng định: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”. Đến Hiến pháp 1959, Điều 3 xác định: “Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà nước có nhiệm vụ gìn giữ và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc…”. Điều 5 Hiến pháp 1980 khẳng định: “Nhà nước có kế hoạch xóa bỏ từng bước sự chênh lệch giữa các dân tộc về trình độ phát triển kinh tế và văn hóa”. Trong thời kỳ đổi mới, Hiến pháp 1992 phát triển: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk năm 2018 - Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk năm 2018 - Ảnh: TTXVN

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc xác định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển... Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) khẳng định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc”.

Hiến pháp năm 2013, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã kế thừa và phát triển các quan điểm về công tác dân tộc được quy định tại Điều 5: “(1) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. (2) Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. (3) Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. (4) Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Trong Hiến pháp năm 2013, ngoài Điều 5, tại các điều khác có nêu như: Điều 58, Khoản 1: “…có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”;Điều 61, Khoản 3:“Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào DTTS và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…”; Điều 70, Khoản 5:“…Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước”. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc được khẳng định trong thực tiễn; quyền và nghĩa vụ công dân cũng như đời sống của đồng bào DTTS được đảm bảo, không ngừng được nâng lên.

Gần đây nhất, văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII nêu rõ mục tiêu “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, đồng thời “chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc được khẳng định trong thực tiễn; quyền và nghĩa vụ công dân cũng như đời sống của đồng bào DTTS được đảm bảo, không ngừng được nâng lên. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam không có dân tộc nào là “dân tộc bản địa”; không có vấn đề phân biệt đối xử với các DTTS, mà đều chung sống bình đẳng. Và cũng không có cơ sở thực tiễn, chính trị, pháp lý cho sự tồn tại của những loại hình kiểu “nhà nước” hay “vương quốc tự trị”. Ở Việt Nam, Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện đảm bảo mỗi dân tộc cũng như cộng đồng các dân tộc phát triển.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bằng cơ chế, chính sách phù hợp cùng với đảm bảo về cơ sở pháp lý, đến nay, đồng bào các dân tộc, nhất là DTTS đã thay đổi, cải thiện đáng kể về đời sống vật chất, tinh thần, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Từ thực tiễn có thể khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm giúp các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ đã và đang được thực hiện có hiệu quả. Đây không chỉ là sự kế thừa, phát triển truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà còn khẳng định bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong thời đại Hồ Chí Minh. Thực tế này là không thể phủ nhận!

Tôn trọng, bảo đảm quyền bình đẳng thống nhất của 54 dân tộc

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia thống nhất của 54 dân tộc, trong đó có 53 DTTS với 14,119 triệu người, khoảng 14,7% dân số cả nước. Quy mô dân số của các dân tộc không đồng đều, có 6 dân tộc hơn 1 triệu người, 14 dân tộc dưới 10.000 người, 5 dân tộc dưới 1.000 người. Có 3,6 triệu hộ dân, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản. Tuy có sự khác nhau về quy mô dân số, về trình độ phát triển, mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục… tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam thống nhất.

Việt Nam đề cao quyền bình đẳng của dân tộc thiểu số trên tinh thần "anh em như thể tay chân" - Ảnh internet

Trên thực tế, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo cơ hội, điều kiện để đồng bào DTTS tham gia xây dựng hệ thống chính trị, quản lý đất nước. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước rất chú trọng đến chính sách phát triển đội ngũ cán bộ DTTS. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ DTTS tham gia vào các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Kết quả bầu cử tại 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 có 11,68% cấp ủy viên người DTTS (cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%). Tại Đại hội XIII của Đảng có 13 Ủy viên Trung ương Đảng là người DTTS.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà và chụp hình lưu niệm với các đại biểu người dân tộc thiểu số (nguồn quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà và chụp hình lưu niệm với các đại biểu người dân tộc thiểu số (nguồn quochoi.vn)

Số lượng đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã tăng dần theo các khóa: Khóa I: 10,2%, khóa XIII: 15,6%, khóa XIV: 17,3%, khóa XII: 17,7%, khóa XV: có 89 đại biểu người DTTS, chiếm 17,84% số đại biểu (là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay). Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước Việt Nam có thêm đại diện của 2 DTTS rất ít người là Lự và Brâu. Như vậy, trong tổng số 54 dân tộc, hiện chỉ còn 2 dân tộc là Ơ Đu và Ngái là chưa có đại diện tham gia Quốc hội.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các văn bản chỉ đạo như: Từ năm 2013 đến 2023, trong 53 văn bản luật có các điều khoản quy định đảm bảo quyền của người DTTS, có 12 luật mới ban hành từ năm 2012. Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị.

Là quốc gia có nhiều dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đường lối, chính sách dân tộc có vị trí đặc biệt quan trọng

Là quốc gia có nhiều dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đường lối, chính sách dân tộc có vị trí đặc biệt quan trọng

Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 14-7-2020 về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự án có mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đây là động lực, luồng sinh khí mới cho thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong 10 năm tới.

Về quyền tiếp cận giáo dục, Nhà nước ta ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng DTTS và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngày 14-5-2018, Chính phủ ban hành Đề án 522 về "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025"; đề án xây dựng xã hội học tập; quan tâm công tác dạy học tiếng DTTS.

Đại hội XIII của Đảng đã nêu chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc tiếp tục được quan tâm, chú trọng nội dung cơ bản thống nhất với các kỳ Đại hội trước, đó là: Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc.

Như vậy, các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ là một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà nhân dân ta đang xây dựng. Chính sách dân tộc thể hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm chính trị của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên. Mặt khác, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời đánh bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

2. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2021.

3. Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992, 2013) Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2013.

4. Nghị quyết 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về Công tác dân tộc.

5. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011).

6. Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

7. Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

8. Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

9. Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 14-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Anh Đức - Mỹ Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/146047/bao-dam-quyen-binh-dang-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so