Bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, giá cả hợp lý

Chiều 16.4, tiếp tục Phiên họp thứ 32, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chỉ sửa đổi những nội dung "đã chín, đã rõ"

Trình bày Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dược và đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số Nghị quyết với các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đối với Luật Dược, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, sau hơn 7 năm thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính; một số quy định về quản lý chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý… Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 43 điều, trong đó sửa đổi 40 điều, bổ sung 3 điều, bãi bỏ 4 điểm và 2 khoản. Trong đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật giữ nguyên theo phạm vi điều chỉnh của Luật Dược năm 2016; chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược, quy định về hành nghề dược, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đăng ký, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thu hồi thuốc, thông tin, quảng cáo thuốc, thử thuốc trên lâm sàng, quản lý chất lượng thuốc và quản lý giá thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: Hồ Long

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí quan điểm xây dựng dự án Luật; cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung và bố cục dự thảo Luật, trong bối cảnh Chính phủ chưa thể sửa đổi toàn diện Luật Dược trong năm 2024, Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất sửa đổi, bổ sung một số điều để giải quyết ngay một số tồn tại hiện hữu, có ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của Nhân dân, theo đó tập trung sửa đổi những nội dung đã chín, đã rõ, đã được khẳng định qua thực tiễn vừa qua.

Cần có chính sách cụ thể hơn để phát triển ngành dược

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Từ thực tế thiếu thuốc, sinh phẩm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh đang đặt ra nhiều vấn đề phải quan tâm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược có thể góp phần đáp ứng được việc tự chủ trong ngành dược của nước ta.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về lĩnh vực dược và phát triển công nghiệp dược, dự thảo Luật sửa đổi một số quy định nhằm khuyến khích, ưu đãi cho các cơ sở sản xuất trong nước, khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam nguyên liệu làm thuốc…; mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc có vốn đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, công nghiệp dược trong nước phát triển cũng khá nhưng khoảng 90% nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu; những thuốc đặc trị thiết yếu đa số cũng vẫn phải nhập khẩu. Do đó, việc phát triển ngành dược vừa là vấn đề kinh tế nhưng vừa là vấn đề liên quan đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, do đó, phải được quan tâm và có chính sách để thúc đẩy phát triển.

Nêu rõ, ngành dược còn nhiều tiềm năng rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Y tế và Ủy ban Xã hội rà soát lại Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm có cách chính sách khuyến khích ngành dược phát triển mạnh mẽ hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, các nội dung dự kiến sửa đổi trong dự thảo Luật vẫn dừng ở nguyên tắc, chỉ cụ thể hơn một bước so với quy định của Luật hiện hành. Do đó, cần bổ sung những chính sách cụ thể hơn để có điều kiện thực hiện.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và sự tham gia thẩm tra, góp ý trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân, do đó, các cơ quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu; rà soát để bảo đảm những nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với căn cứ chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn, thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; giao Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội theo dõi, đôn đốc việc hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm tra dự án Luật tại Phiên họp toàn thể bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng hồ sơ trình Quốc hội.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/bao-dam-nguoi-dan-duoc-tiep-can-thuoc-chat-luong-gia-ca-hop-ly-i367174/