Bảo đảm bình đẳng giới

BHG - Xác định rõ ý nghĩa của bình đẳng giới (BĐG), các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã vận động nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống và nâng cao địa vị kinh tế của người phụ nữ trong gia đình.

Cán bộ Báo Hà Giang hưởng ứng Tuần lễ áo dài năm 2023. Ảnh: PV

Những năm qua, các cấp hội LHPN hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo; hàng trăm phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh theo loại hình kinh tế hộ; thành lập hàng trăm tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế; hỗ trợ thành lập hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo bằng ngày công lao động, cây giống, con giống, vốn... được hàng chục tỷ đồng. Triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, thành lập hàng trăm đội văn nghệ, đội thể thao với nhiều loại hình hoạt động đa dạng, phong phú; tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, có ý nghĩa chính trị sâu rộng, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, sức khỏe cho hội viên, phụ nữ, giúp hội viên phụ nữ tự khẳng định mình trong lĩnh vực văn hóa, xã hội tại cộng đồng.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Chu Thị Ngọc Diệp chia sẻ: Hội phối hợp tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân; tập hợp những kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em để từng bước giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ. Công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là việc phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em được chú trọng. Tổ chức các hội thảo, diễn đàn, hội thi, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong thực hiện BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua, bán người, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phụ nữ Báo Hà Giang duyên dáng trong tà áo dài truyền thống.

Để giúp các nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao trình độ về mọi mặt, các cấp hội LHPN đã tích cực vận động việc tham gia học tập; triển khai cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ; phối hợp mở các lớp xóa mù chữ, dạy tiếng phổ thông cho hội viên, phụ nữ. Do đó, với hàng trăm lớp xóa mù chữ được mở đã giúp cho gần 16 nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số được học tiếng phổ thông. Nhằm đảm bảo BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các cấp hội tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; hướng dẫn kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con theo khoa học cho gia đình hội viên, phụ nữ thông qua hoạt động của các câu lạc bộ về lĩnh vực gia đình, các nhóm cha mẹ, nhóm trẻ vui chơi đọc sách...

Đặc biệt, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tham mưu, đề xuất rà soát, bổ sung quy hoạch, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Đảng, chính quyền; có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo. Do đó, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND – UBND các cấp; tỷ lệ các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ đều tăng so với những năm trước. Trong quá trình tham gia các tổ chức, đơn vị, cán bộ hội các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm, đề xuất kịp thời giải pháp giúp chính quyền giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em tại địa phương.

Qua tìm hiểu thực tế, công tác BĐG, tạo điều kiện để phụ nữ trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xã hội còn nhiều bất cập. Tỷ lệ phụ nữ tham gia giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt còn thấp. Ở một số sở, ngành, đội ngũ cán bộ, công chức nữ chiếm tỷ lệ trên 50% nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo chưa tương xứng. Tỷ lệ phụ nữ không biết chữ độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 7,75%).

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Chu Thị Ngọc Diệp cho biết thêm: Bảo đảm công tác BĐG, tỉnh ta tập trung thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức về BĐG, tầm quan trọng của công tác BĐG đối với sự phát triển KT – XH cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu đối với công tác BĐG; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và sự phối hợp liên ngành về BĐG; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng các nghị quyết, chương trình, dự án, đề án phát triển KT – XH. Tiếp tục thực hiện những giải pháp xóa mù chữ phù hợp và tăng cường sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận các cơ hội học tập. Tăng cường mở các lớp tập huấn giảng dạy về kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng sống và tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc; hài hòa về vai trò sản xuất và tái sản xuất sức lao động của người phụ nữ.

Bài, ảnh: Kim Tiến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202303/bao-dam-binh-dang-gioi-3e50467/