Báo chí phản biện và… phản biện báo chí

Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. Để thực hiện tốt chức năng này, các nhà báo phải tỉnh táo, khách quan và không ngừng cập nhật kiến thức.

Giám sát và phản biện – Một chức năng cơ bản của báo chí

Báo chí có nhiều chức năng, giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng cơ bản của báo chí. Trước đây, chức năng này ít được các nhà lý luận nhắc đến; gần đây, do yêu cầu của thực tế cuộc sống, chức năng này được đề cao. Thật ra, từ xưa đến nay, báo chí vẫn thực hiện chức năng giám sát và phản biện của mình. Điều này thể hiện rõ trong những sự việc, sự kiện cụ thể.

Đó là khi một số chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật của các bộ, ngành, địa phương quy định những điều thiếu tính thực tiễn, khó khả thi, hay không mang lại lợi ích cho cuộc sống, đã bị báo chí phê phán, phản đối. Do vậy, những chủ trương này, hoặc là không ra đời được, hoặc là vừa ra đời đã... “chết yểu”. Đó là một số quy định, như: ngực lép không được lái xe; đưa tên bố mẹ vào chứng minh thư nhân dân; quy định về số vòng hoa trong tang lễ, số mâm cỗ trong đám cưới, thực phẩm không được để quá 8 tiếng đồng hồ…

Thậm chí, có những chủ trương, chính sách lớn đã được trình lên Quốc hội, nhưng do báo chí phản biện quyết liệt và có cơ sở khoa học nên bị Quốc hội bác. Có thể xem đây là thành quả lớn nhất trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện của báo chí Việt Nam.

Báo chí giám sát và phản biện trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo

Có thể nói, báo chí rất “ưu ái” lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chịu khó đồng hành, phân tích, mổ xẻ gần như tất cả các chủ trương, đường lối, chính sách trong giáo dục.Hầu như không có cơ quan báo chí nào, dù đó là cơ quan báo chí của trung ương hay địa phương lại không có chuyên mục “Giáo dục”. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay mỗi tháng có khoảng gần 3.000 bài (không kể tin) về giáo dục và đào tạo trên các trang báo in, điện tử, phát thanh, truyền hình. Điều này cũng dễ hiểu vì giáo dục và đào tạo liên quan đến tất cả mọi người nên mọi người quan tâm. Hơn nữa, giáo dục lại luôn luôn trong tình trạng đổi mới nên cang thu hút sự chú ý. Khi nhân dân quan tâm thì báo chí phải phục vụ.

Điều đáng nói là những bài viết về giáo dục và đào tạo trên báo chí rất phong phú, đa dạng. Quan điểm, cách đánh giá của những bài báo này khác nhau, thậm chí có những lúc đối lập nhau. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành Giáo dục trong quá trình tiếp thu ý kiến của công luận, cũng như việc chỉ đạo thực hiện những chủ trương lớn trong giáo dục.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, một số quyết định quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo được báo chí giám sát và phản biện khoa học, khách quan; do đó, những quyết định đó đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng. Việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, mà kết quả vừa được dùng để xét tốt nghiệp phổ thông, vừa được dùng để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng là một ví dụ điển hình. Báo chí đã nêu vấn đề này từ hàng chục năm trước, phân tích những cái hay, cái dở của việc làm này; kết luận cái hay nhiều hơn.

Tuy nhiên, không phải khi nào báo chí cũng thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện của mình trong lĩnh vực giáo dục. Cũng có những lúc báo chí gây cho giáo dục không ít khó khăn, lúng túng.Thực tế đã chỉ ra rằng, không phải lúc nào báo chí cũng làm đúng, làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Đã có không ít vụ việc phản biện của báo chí chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu cơ sở khoa học.

Xin được phản biện lại… báo chí

Một nhà giáo dục nổi tiếng là thầy Văn Như Cương (người cũng rất hay nói trên báo chí về giáo dục) đã phải bức xúc cho rằng, nhiều người nói về giáo dục như nói về bóng đá. Nghĩa là người ta nói rất tâm huyết, nhiệt tình; ủng hộ hay phản đối rất mạnh mẽ trên có sở không hiểu hoặc hiểu rất mù mờ về một chủ trương, một cách làm nào đấy trong giáo dục.

Ví dụ, báo chí “buộc tội” Bộ Giáo dục và Đào tạo thường biến con em chúng ta thành “chuột bạch”, đưa con em chúng ta ra làm thí nghiệm. Quan điểm không chính xác này có vẻ được nhiều người ủng hộ, nó lặp đi lặp lại trên các trang báo. Có lần, tại một cuộc họp báo ở trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi vô tình thấy một phóng viên nữ, trẻ giật tít cho bài viết của mình “Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ đưa con em chúng ta ra làm thí nghiệm mãi thế?”. Tôi nhẹ nhàng hỏi lại: “Thế theo bạn, lấy ai ra làm thí nghiệm?”. Cô phóng viên trẻ nhìn tôi bằng đôi mắt “hình viên đạn” và hỏi lại khá gay gắt: “Sao anh lại hỏi thế? Anh đứng về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo à?”. Tôi vẫn nhẹ nhàng: “Tôi đứng về phía khoa học, về cái đúng. Trong khoa học, kể cả khoa học giáo dục, trước khi muốn thực hiện đại trà một chủ trương nào đấy, người ta phải làm ở diện hẹp, nghĩa là làm thí điểm. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo làm vậy vì đối tượng duy nhất của giáo dục là con người”. Cô phóng viên trẻ hiểu ra, bẽn lẽn mỉm cười, cám ơn tôi và gạch bỏ cái tít rất có “sức chiến đấu” đó.

Tuy nhiên, việc “buộc tội” ngành Giáo dục chưa phải đã chấm dứt. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy người ta lập luận kiểu này, kể cả ở những diễn đàn rất trang trọng. Tôi cho rằng, phản biện là rất quan trọng nhưng phản biện phải đúng, phải có cơ sở khoa học. Với báo chí, lại càng phải tôn trọng điều này vì ảnh hưởng của báo chí vô cùng lớn.

Không phải lời khuyên, chỉ là mong muốn

Để báo chí mang lại niềm tin lớn hơn, giáo dục cũng đạt được nhiều thành tựu hơn, rõ ràng cả hai bên cần lắng nghe, thấu hiểu và có những điều chỉnh cần thiết.Trong vai trò giám sát và phản biện của mình, báo chí không chỉ thông tin mà còn thể hiện chính kiến, quan điểm đối với các vấn đề lớn, những vấn đề mới của giáo dục và đào tạo. Để làm tốt được điều này, các nhà báo phải không ngừng cập nhật kiến thức mới; nâng cao trình độ chuyên môn; giữ vững đạo đức nghề nghiệp.

Còn những người công tác trong ngành giáo dục, nhất là lãnh đạo cấp cao phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía; điều quan trọng nhất là chắt lọc được những ý hay, ý tốt trong các bài báo. Điều này là vô cùng khó khăn vì báo chí viết về giáo dục và đào tạo rất nhiều và rất lắm giọng điệu. Dẫu vậy, đây là việc cần phải làm, mà phải làm cho thật tốt.

Ý tưởng bỏ biên chế đối với giáo viên thực sự mới mẻ, thực sự đột phá. Ý tưởng này đang được báo chí phân tích, mổ xẻ tích cực. Hãy lắng nghe, lĩnh hội và đưa ra quyết định. Đây là một thách thức đối với cả báo chí và ngành giáo dục.

Thậm chí, có những chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ đã được trình lên Quốc hội, nhưng do báo chí phản biện quyết liệt và có cơ sở khoa học nên bị Quốc hội bác. Có thể xem đây là thành quả lớn nhất trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện của báo chí Việt Nam.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bao-chi-phan-bien-va-phan-bien-bao-chi-3428098-b.html