Báo chí phải thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh mới

Trong cuộc trò chuyện với Báo TG&VN nhân dịp 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), cho rằng làm báo bây giờ 'nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng lắm thú vị'.

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Từng quản lý báo chí trên diện rộng, tầm vĩ mô trong tư cách Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, và nay là quản lý một cơ quan báo chí có quy mô lớn - một tổ hợp báo chí, truyền thông hàng đầu của đất nước, với đầy đủ 4 loại hình báo chí cùng hàng nghìn nhân sự, công việc nào “làm khó” ông hơn?

Nếu như trước đây, trên cương vị Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (hay trước đó là Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản của Ban), trách nhiệm chủ yếu của tôi là tham mưu cho cấp trên và chỉ đạo, định hướng nội dung, tư tưởng chính trị, phương pháp công tác cho các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ và những nội dung khác liên quan đến các mảng vừa nêu, thì khi về Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), lại phải quán xuyến, lo lắng, giải quyết toàn diện từ chuyên môn đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý máy móc thiết bị, tài sản, đổi mới công nghệ, tìm kiếm nguồn thu, làm sao mở rộng hơn nữa diện phủ sóng của Đài… Nói chung là phải xắn tay vào mọi việc.

Ở thời điểm truyền hình và Internet bùng nổ, phát thanh từng có lúc bị hờ hững và hầu như chỉ “co mình” lại ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Người ta thậm chí đã nghĩ đến một “cái chết”, hay một sự “thoái vị” được báo trước. Nhưng rồi phát thanh bất ngờ hiện diện khá rõ nét trong đời sống thành thị, trong giới trí thức, giới trẻ, công chức, viên chức bằng vào việc… ngày càng có nhiều người sở hữu ô tô riêng hơn. Ông có cho rằng đấy là cơ may?

Đó là một cơ may, đương nhiên, nhưng chắc chắn không phải là cơ may duy nhất. Không phải ngẫu nhiên mà tại các nước phát triển, phát thanh luôn có được vị trí xứng đáng, trong nhiều hoàn cảnh, còn là độc tôn, so với nhiều loại hình báo chí khác. Ở Việt Nam, hẳn là do quan niệm của một số người, kể cả ở cấp quản lý, mà phát thanh từng bị coi nhẹ, như thể đã “xế chiều”, dù nó luôn sở hữu những thế mạnh đặc thù không dễ và không thể bỏ qua so với các “binh chủng” báo chí, truyền thông khác.

Đầu tư cho phát thanh không quá tốn kém, với các công cụ hành nghề khá cơ động, gọn nhẹ, thuận tiện. Quy trình tiếp cận và xử lý thông tin cũng thuận tiện và nhanh hơn khi phát thanh trực tiếp một sự kiện nóng nào đó đang diễn ra, thậm chí còn có thể nhanh hơn truyền hình trực tiếp nhiều lần. Tiếp nhận thông tin từ phát thanh cũng là việc “nhất cử lưỡng tiện” đối với công chúng, khi có thể cùng lúc một công đôi việc: vừa nấu ăn vừa nghe đài, hay vừa lái xe vừa theo dõi các kênh phát thanh, nhất là kênh VOV giao thông (không chỉ đơn thuần là các tin tức giao thông…).

VOV cũng có thể làm bạn với những người nông dân ngoài đồng, trên nương rẫy cho đến những bệnh nhân đang nằm viện, chỉ với một cái đài bán dẫn nhỏ gọn bên mình hay thậm chí là chỉ cần bằng một cái điện thoại cắm tai nghe… Vào những đêm khuya, nó cũng là một người bạn dễ thương, gần gũi cho những ai mất ngủ, khó ngủ với chất giọng thủ thỉ, tâm tình vốn dĩ là “món tủ” của các chương trình phát thanh đêm khuya. Đó là “Tiếng thơ”, “Đọc chuyện đêm khuya”, “Sân khấu truyền thanh”, “Thì thầm bên gối”, “365 ngày hạnh phúc”, “Kết nối”…

Lúc này đây, người ta cũng có thể nghe đài qua internet, đồng thời xem, đọc các loại hình báo chí và xem, nghe vô số kênh truyền hình, phát thanh… được tích hợp cùng lúc trên trang tờ báo điện tử VOV.VN của Đài, qua ứng dụng VOV Media, VTCNow, qua điện thoại thông minh cầm tay. Thậm chí, nếu muốn, còn có thể nghe tới 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số trong nước và 13 thứ tiếng nước ngoài bất cứ lúc nào, chỗ nào…

Thế mạnh lớn nhất của phát thanh là tính tương tác, phải nói là vô cùng tiện lợi, sắc bén, nhanh nhạy so với các loại hình báo chí khác. Chưa kể, một số chương trình văn hóa, văn nghệ khi lên sóng phát thanh và tận hưởng từ nó những thế mạnh đặc thù về âm thanh, giọng nói, giai điệu… có một sức lay động mạnh mẽ, vì nó kích thích trí tưởng tượng của người nghe, giúp họ hình dung ra các cảnh huống, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Thông qua đó, người nghe đài có thể đồng sáng tạo với tác giả và người thể hiện.

Nhiều loại hình báo chí hiện nay đang đứng trước thách thức cạnh tranh với mạng xã hội. Theo ông, cần phải có một thái độ thích nghi thế nào?

Mỗi loại hình báo chí đều có thế mạnh riêng của mình, nhưng trước sự cạnh tranh ngày càng dữ dội của mạng xã hội, đòi hỏi báo chí phải thích nghi nhanh chóng, đúng cách với hoàn cảnh mới. Muốn “thoát chết” đôi khi phải biết… “chung sống”, biết tích hợp những thế mạnh đặc thù của từng loại hình và sử dụng chính mạng xã hội làm cổng ra cho thông tin của báo chí chính thống.

Không nghi ngờ gì nữa, tích hợp các phương tiện truyền thông đã trở nên là một xu hướng tất yếu và mạnh mẽ nhất hiện nay. Khi cùng với internet, là sự phát triển như vũ bão của hàng loạt sản phẩm công nghệ truyền thông mới như công nghệ di động, các thiết bị đầu cuối theo xu hướng di động hóa, cá nhân hóa cao độ… Làm báo, chưa bao giờ nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng lắm thú vị như lúc này!

PV.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-chi-phai-thich-nghi-nhanh-chong-voi-hoan-canh-moi-96270.html