Báo cáo 3 công khai không minh bạch, chuyên gia đề nghị xử lý nghiêm hiệu trưởng

Theo chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, những trường thực hiện báo cáo 3 công khai không minh bạch thì cần xem xét xử lý nghiêm hiệu trưởng.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT, hàng năm, cơ sở giáo dục đại học phải công bố báo cáo ba công khai trên website của nhà trường.

Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT cũng nêu rõ mục tiêu thực hiện công khai là để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.

Về nguyên tắc thực hiện công khai của các cơ sở giáo dục phải đảm bảo đầy đủ các nội dung, hình thức và thời điểm công khai vào tháng 6 hàng năm.

Thông tin được công khai tại các cơ sở giáo dục và đào tạo và trên các trang thông tin điện tử theo quy định phải chính xác, đầy đủ, kịp thời và dễ dàng tiếp cận.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và đã đăng tải một số bài viết phản ánh việc vẫn còn tình trạng có trường báo cáo 3 công khai không trung thực.

Đơn cử, báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ở chế độ bảo mật, phải nhập mật khẩu mới xem được.

Báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ở chế độ bảo mật. Ảnh chụp màn hình

Hay bản công khai của Trường Đại học Nguyễn Trãi trên website của trường có số liệu không phải là bản gửi tới cơ quan quản lý. Một số trường khác trong báo cáo ba công khai lại có số liệu năm sau lặp lại y hệt của năm trước, thời gian công khai cũng không thực hiện đúng theo quy định....

Cần công khai các trường sai phạm

Trước thông tin này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng: Phải chăng báo có uẩn khúc nên trường tìm cách giấu giếm đi. Hoặc nếu không giấu giếm được thì chỉ công khai đến một mức độ nào đó.

“Cái gốc của vấn đề vẫn là do bệnh thành tích còn dai dẳng trong hệ thống các cơ sở giáo dục. Có thành tích thì công khai ra còn có sai sót thì giảm bớt hoặc giấu giếm đi.

Muốn giải quyết được điều đó trước hết phải thay đổi được nhận thực của đội ngũ lãnh đạo các trường và cả hệ thống giáo dục. Cần trung thực, khách quan, có thành tích đến đâu báo cáo đến đấy, sai sót đến đâu thì nghiêm túc kiểm điểm đến đó, có như vậy mới tiến bộ được”, ông Sửu bày tỏ.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Mộc Trà

Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ 1: "Đối với cơ sở giáo dục không tự giác công khai, minh bạch thông tin thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường kiểm tra. Khi thấy sai phạm phải xử lý ngay và công khai các trường thực hiện không tốt để xã hội được biết và giám sát.

Ngoài ra, cần xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị như giám đốc hay hiệu trưởng nhà trường khi để xảy ra tình trạng như vậy”.

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1 cũng cho rằng, cần xử lý nghiêm một vài trường hợp để có tính răn đe chung cho toàn hệ thống giáo dục đại học.

Cần xử lý nghiêm hiệu trưởng khi xảy ra sai phạm

Trong khi đó, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có công văn gửi đến từng trường yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, Bộ cũng phải có hệ thống kiểm tra, giám sát.

Với các trường công lập, được nhà nước cấp ngân sách nếu không làm đúng thì nhà nước cần có biện pháp ngược lại về tài chính, ngừng cấp ngân sách cho các trường này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo thầy Tống biện pháp có tác dụng lớn nhất chính là thay đổi bộ máy lãnh đạo của trường.

“Theo tôi biện pháp mạnh, hiệu quả nhất là xem xét xử lý nghiêm hiệu trưởng thay vì xử phạt hành chính. Đặc biệt, những sai trái, những vấn đề không đúng cần được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để xã hội giám sát", thầy Tống nhận định.

Cũng theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thiện Tống, việc xử phạt cần làm một cách hệ thống chứ không phải chỉ xử phạt một vài trường điển hình, như vậy sẽ thiếu sự công bằng.

“Phải tìm hiểu hết tất cả các trường và công bố trường nào làm tốt, trường nào làm không tốt. Trường nào làm sai nhiều thì kỷ luật nhiều, sai ít thì kỷ luật ít. Dù sai ít hay sai nhiều thì đều phải có mức độ kỷ luật nhất định. Mức cao nhất là kỷ luật, cách chức hiệu trưởng.

Bên cạnh đó các trường làm tốt thì cần được khen thưởng. Danh sách các trường làm tốt và không tốt cần được công khai đầy đủ”, thầy Tống bày tỏ.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thay thế Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Về thời gian công khai các hoạt động của cơ sở, Dự thảo có nêu: “Thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai”.

Trong bối cảnh hiện nay, việc đăng công khai các hoạt động của cơ sở giáo dục trong thời gian tối thiểu 5 năm như vậy được nhiều ý kiến đánh giá là phù hợp để xã hội giám sát, truy cập, sử dụng thông tin đối với những cam kết về chất lượng giáo dục thực tế, tài chính,… của nhà trường.

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bao-cao-3-cong-khai-khong-minh-bach-chuyen-gia-de-nghi-xu-ly-nghiem-hieu-truong-post238992.gd