Bảo bối 'tử thần' giúp Nga cản sự phản công của Ukraine

Truyền thông phương Tây nhận định hệ thống bãi mìn dày đặc của Nga đang khiến chiến dịch phản công của quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn.

Theo Financial Times (FT), sau 6 tuần phát động phản công nhằm giành lại các khu vực phía đông và phía nam, Ukraine đang rất khó khăn trong việc tiếp cận tuyến phòng thủ vững chắc của quân Nga bởi các bãi mìn rộng lớn và dày đặc.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ giữa tháng 7 đã thừa nhận “các đơn vị của Ukraine có xu hướng tiến công chậm lại” khi vấp phải những bãi mìn mà phía Moscow giăng ra.

Đợt phản công do Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine thực hiện vào đầu tháng 6 đã không thể vượt qua nổi bãi mìn do Nga dựng nên và để mất 2 xe tăng Leopard và 16 xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley do phương Tây cung cấp.

Lực lượng Ukraine đang thu gom mìn- Ảnh: AFP

“Chúng tôi có thể tiến công với 10 lữ đoàn nhưng sẽ không hiệu quả vì mìn ở khắp mọi nơi, cứ nửa mét lại có mìn”, Sultan, chỉ huy trung đoàn 78 của Ukraine, một đơn vị lực lượng đặc biệt, cho FTbiết tại một bệnh viện dã chiến gần mặt trận ở vùng Zaporizhzhia.

Volodymyr, một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện quân sự khác gần Bakhmut, tiết lộ với FT rằng ông đã thực hiện hàng chục ca phẫu thuật mỗi ngày, hầu hết là cắt cụt chi do nổ mìn.

“Trước cuộc phản công, chúng tôi chủ yếu điều trị các vết thương do mảnh đạn pháo. Bây giờ là vết thương do mìn”, ông nói.

Sức mạnh của hệ thống mìn

Hệ thống rải mìn từ xa ISDM Zemledeliye được cho là “bảo bối” hữu dụng giúp quân đội Nga phá hủy nhiều thiết bị do NATO cung cấp, gây ra nhiều thương vong và hạ gục tinh thần lính Ukraine.

Báo Nga dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết: “Zemledeliye được trang bị cho các đơn vị công binh của Nga mà không phải pháo binh nhưng chúng hiệu quả không kém gì những khẩu pháo. Rõ ràng hệ thống rải mìn này là mối đe dọa đối với cuộc phản công của Ukraine”.

Hệ thống rải mìn từ xa ISDM Zemledeliy của Nga - Ảnh: MilitaryLeak

Các quả mìn Zemledeliye được đặt dựa trên xe địa hình KamAZ 8x8 bốn trục, thiết kế tương tự các hệ thống pháo phản lực đa nòng thông thường. Cụm ống phóng của Zemledeliye gồm hai khối 25 ống phóng với 25 quả rocket cỡ 122mm có tầm bắn từ 5 - 15km.

Hệ thống rải mìn “thông minh” này của quân đội Nga có thể tự động chuẩn bị dữ liệu đường bay, tính toán thời gian, vị trí khu vực rải mìn từ xa, chia sẻ dữ liệu về mìn và bãi mìn cho chỉ huy đơn vị và các phương tiện chiến đấu khác.

Ngoài Zemledeliye, các khu vực phía trước các cứ điểm chính của Nga đã được chôn dày đặc mìn chống tăng và mìn chống bộ binh, cũng như các dây kích nổ hoặc báo động. Hệ thống mìn phòng ngự đồ sộ như vậy đã góp phần cản bước tiến quân đội Ukraine trong hơn 1 tháng phản công vừa qua.

“Các quả mìn đang hạn chế nghiêm trọng không gian cơ động của người Ukraine, đây thường không phải là điều tuyệt vời khi bạn đang ở vị trí tấn công”, Franz-Stefan Gady, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) nói.

Gady cho biết thêm rằng người Nga đang sử dụng “học thuyết quân sự cơ bản của Liên Xô”, đồng thời mô tả sự tương đồng với việc Hồng quân Liên Xô đã đặt hơn một triệu quả mìn vào năm 1943 để ngăn chặn Đức quốc xã trong trận chiến Kursk - trận chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử.

Thay đổi chiến thuật

Theo các binh sĩ tiền tuyến, các bãi mìn đã buộc lực lượng Ukraine phải thích nghi. Thay vì cố gắng chọc thủng hệ thống phòng thủ được củng cố nghiêm ngặt hay băng qua các bãi mìn rộng và sâu hàng cây số của Nga bằng xe thiết giáp phương Tây cung cấp, các nhóm công binh của Ukraine trên tuyến đầu đang phải bò trên các bãi mìn, đôi khi ép sát bụng xuống mặt đất, để có thể gỡ mìn, tạo lối đi an toàn cho lính Ukraine.

"Chúng tôi hiện không thể tiến lên bằng xe tăng, bằng thiết giáp được nữa. Những bãi mìn sẽ khiến xe tăng cũng sẽ phải khựng lại do trúng mìn, rồi sau đó sẽ bị hỏa lực tập trung của đối phương tiêu diệt", Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Valery Zaluzhny nói với tờ Washington Post (Mỹ) hồi giữa tháng 7.

Giới lãnh đạo quân sự Ukraine cho biết họ cần các đồng minh phương Tây cung cấp thêm thiết bị rà phá bom mìn. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov xác nhận ông đã hối thúc đồng minh cung cấp thêm các hệ thống phá mìn, như là thiết bị nổ Bangalore dành cho công binh.

Hai loại xe phá mìn từ xa và gần - Ảnh: FT

“Các máy bay chiến đấu hiện đại như F-16 do Mỹ sản xuất cùng các hệ thống khí tài khác là cần thiết để cung cấp sự yểm trợ tốt hơn cho hoạt động tác chiến trên bộ. Ngoài ra, Ukraine rất cần đến thiết bị rà phá bom mìn điều khiển từ xa”, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, ông Zaluzhny nói.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Gady cho rằng nhiều thiết bị rà phá bom mìn hơn sẽ “không nhất thiết dẫn đến thành công lớn hơn”. “Thiết bị rà phá bom mìn bổ sung sẽ giúp ích, nhưng… các quân đội phương Tây được trang bị tốt như Mỹ thậm chí sẽ rất khó có thể xuyên thủng các lớp phòng thủ nhiều lớp đó”, ông nói.

Rob Lee, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (FPRI) trụ sở tại Mỹ, cho rằng người Nga đã có nhiều thời gian để triển khai mìn trong nhiều tháng trước khi Ukraine tiến hành phản công.

“Họ đã triển khai nhiều loại mìn khác nhau để vô hiệu hóa một số xe rà mìn hoặc các hệ thống mà Ukraine đang sử dụng. Họ đang đào hào và sử dụng mìn điều khiển bằng sóng vô tuyến để tạo ra vấn đề cho quân đội Ukraine”, Lee nói và gợi ý rằng các lực lượng Ukraine có thể sử dụng hệ thống phá chướng ngại vật bằng dây kích nổ di động nhằm rà phá bom mìn của Nga từ một khoảng cách an toàn.

Theo chuyên gia Michael Kofman tại Tổ chức Carnegie vì hòa bình quốc tế, hệ thống phòng thủ nhiều lớp bằng mìn của Nga sẽ mất thời gian tái tạo sau khi giao tranh nổ ra, đây là khoảng thời gian cần thiết để các lực lượng Ukraine tạo bước đột phá nhằm tiến lên.

“Đây cũng là thách thức vì các lực lượng Ukraine cần đầy đủ nguồn lực để thực sự tạo ra một đột phá lớn nhằm đạt được mục tiêu chiến lược trong cuộc phản công”, Kofman nhận định.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bao-boi-tu-than-giup-nga-can-su-phan-cong-cua-ukraine-202691.html