Bánh tét tro làng Lộc Đại

Trong Hành trình quảng bá đặc sản Việt Nam lần 3 (năm 2015), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức đưa bánh tét tro của người Lộc Đại vào danh sách các Đặc sản nổi tiếng Việt Nam.

Trong Hành trình quảng bá đặc sản Việt Nam lần 3 (năm 2015), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức đưa bánh tét tro của người Lộc Đại vào danh sách các Đặc sản nổi tiếng Việt Nam.

Gói bánh.

Gói bánh.

Chiếc bánh tét tro của người dân làng Lộc Đại (xã Quế Hiệp, H. Quế Sơn, Quảng Nam) giờ đã nức tiếng gần xa, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về. Làng Lộc Đại nằm lọt thỏm trong một thung lũng, kề chân núi Hòn Tàu. Con người nơi đây chân chất, hữu tình và sở hữu giọng nói “Sài Gòn 2” chuẩn âm mà đến nay chưa có nhà khoa học nào “giải mã” được. Nhưng điều đặc biệt hơn cả vẫn là chiếc bánh tét tro ngày Tết, một nét văn hóa “có một không hai” từ thời cổ lai và lưu truyền đến ngày nay. Cứ đến những ngày cuối năm, làng Lộc Đại rộn ràng cảnh người dân lên rừng chặt các loại lá rừng như lá kén, lá muồng và ống nứa về làm loại bánh này dâng lên ông bà, tổ tiên trong 3 ngày Tết.

Năm nay đã hơn 80 tuổi và gắn bó với vùng đất này từ lúc còn mưa bom bão đạn, nên bà Trần Thị Lạc hiểu từng “chân tơ kẽ tóc” nét văn hóa bánh tét tro ở làng Lộc Đại: “Những năm sau giải phóng, ở làng Lộc Đại sản sinh một loại nếp đắng. Đây là nguyên liệu chính giúp chiếc bánh tét tro ở ngôi làng này không “đụng hàng” với bất kỳ một loại bánh tét nào khác. Rồi cũng đòn bánh gói bằng lá chuối, nhưng khác biệt nữa là người dân thôn Lộc Đại sử dụng lá rừng, xác tro mè, lá muồng, vỏ đậu phộng (hoặc lá thị) đốt lấy tro để làm bánh”.

Từng đi và thưởng thức ẩm thực khắp mọi miền đất nước, nhưng tác giả bài viết này chưa chứng kiến loại bánh nào được thực hiện vô cùng công phu như loại bánh tét tro. Đầu tiên, bà con ở đây đốt cháy toàn bộ tro mè, lá kén, lá muồng, vỏ đậu phộng rồi lọc tro lấy nước. Sau đó là công đoạn ngâm nước tro với nếp đắng trong vài giờ đồng hồ trước khi gói bánh.

“Đòn bánh tét tro thường dài 35-40cm nên người dân phải chọn những chiếc lá chuối đẹp, không bị tả tơi để gói. Đặc biệt, bà con ở đây chẻ nhỏ ống nứa chặt trên rừng về làm dây buộc chứ không dùng dây ni-lông”, bà Lạc kể.

Tỉ mỉ buộc từng đòn bánh tét tro, chị Nguyễn Thị Năm (người có nhiều năm làm bánh tét tro ngày Tết ở làng Lộc Đại) cho biết, kỳ công nhất là công đoạn nấu bánh. “Nấu bánh tét tro không khác gì nấu cao trăn, nói khó tin chứ phải mất đến 2 ngày 2 đêm. Trong suốt thời gian đó, cả ngày lẫn đêm, các thành viên trong gia đình phải thay phiên nhau để đun củi. Củi nấu bánh phải là những khúc cây to. Người “chăm” nồi bánh tét phải giữ ngọn lửa cháy to liên tục để đạt độ nhuyễn của bánh”, chị Năm cho hay.

Bánh thành phẩm.

Bánh thành phẩm.

Chiếc bánh sau khi vớt ra sàn có màu lam nâu đặc trưng. Bánh dẻo dai, vị đậm đà rất khó tả. “Xác mè ngon bánh, tro lá kén đẹp bánh, lá muồng nồng bánh, vỏ đậu phộng mướt bánh”, chị Năm mô tả.

Ngày xưa, người dân làng Lộc Đại chỉ làm bánh tét tro nếp đắng để dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên và đón khách vào 3 ngày Tết, 7 ngày xuân. Nhưng tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây, loại bánh này đã nức tiếng gần xa, được nhiều người dân các vùng đặt hàng vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Nhiều người dân đã nắm bắt cơ hội này, làm bánh tét tro kiếm thêm thu nhập cuối năm. “Người dân bên ngoài đặt nhiều lắm, nhưng mình không dám nhận số lượng nhiều, vì làm bánh tét tro quá vất vả, phải thức trắng vờ con mắt” - chị Năm tâm sự.

HỒ MỘC CA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/114_219759_banh-tet-tro-lang-loc-dai.aspx