Bánh giá, bún gỏi dà - loạt món ăn tên lạ đặc sản Tiền Giang

Ngoài hủ tiếu Mỹ Tho, du khách đừng bỏ qua những đặc sản Tiền Giang như bánh giá, bún gỏi dà, mắm tôm Gò Công.

Hủ tiếu Mỹ Tho

Bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho là đặc sản nổi tiếng ở khu vực miền Nam. Khi tới Tiền Giang, du khách khó lòng bỏ qua món ăn này.

Sợi hủ tiếu nhỏ, khô, dai, giòn, vị chua nhẹ, được làm từ gạo Gò Cát thuộc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho. Phần nước lèo của hủ tiếu Mỹ Tho có đặc trưng ngọt, thơm và đậm đà. Nồi nước lèo ngon nhất định không thể thiếu xương ống, khô mực, tôm khô, củ cải trắng cùng một số nguyên liệu khác. Món ăn này còn có thịt cắt lát, thịt bằm, gan, tôm... cùng giá sống, xà lách, cần tây, hành phi, chanh, ớt, tiêu, sa tế.

Khi thực khách gọi món, đầu bếp sẽ chần sợi hủ tiếu qua nước sôi. Đầu bếp khéo léo để sợi hủ tiếu không bị bở hay quá mềm, sẽ không ngon. Khi cho hủ tiếu ra tô, họ thêm ít tóp mỡ, hành phi, nước tương và trộn đều. Cách này giúp sợi hủ tiếu trong, bóng và bắt mắt. Tô hủ tiếu đúng kiểu Mỹ Tho thường có thêm nhiều thịt băm.

Ảnh: Hoàng Bùi

Có hai cách thưởng thức món hủ tiếu Mỹ Tho là ăn dạng khô hoặc dạng nước. Nếu ăn hủ tiếu khô (không chan nước lèo), người bán sẽ múc nước lèo cho vào một chén riêng, bên trong có thêm thịt, gan, tôm, hành và tiêu... Sợi hủ tiếu vsẽ được trộn thêm ít nước tương, giấm đường cho hài hòa.

Với món hủ tiếu nước, người bán sẽ sắp xếp thịt heo cắt lát, gan, phèo, tôm, mực, trứng cút... lên trên phần sợi hủ tiếu, rồi chan nước lèo vào.

Mỗi bát hủ tiếu có giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng.

Bún gỏi dà (già)

Bún gỏi dà là đặc sản khá thú vị để thưởng thức khi du khách tới miền Tây. Theo người dân địa phương, món ăn này có xuất xứ từ gỏi cuốn. Các nguyên liệu như bún, tôm, tép, thịt luộc, rau sống thay vì cuốn, được biến tấu bằng cách cho tất cả vào tô. Người miền Tây thưởng thức món ăn bằng cách và như cơm. Do cách phát âm từ "và" thành "dà" mà từ đó, bún gỏi dà ra đời.

Ảnh: vanhkhuyenleyoutube/annie_vnkitchen

Phần nước dùng có vị chua của me và mùi đặc trưng của tương hột. Ăn cùng với bún gỏi dà là các loại rau quen thuộc như giá, bắp chuối và ít cọng quế. Đậu phộng được cho vừa phải khiến món ăn thêm vị béo.

Bánh giá (vá)

Bánh giá là món ăn xuất hiện từ xa xưa tại Tiền Giang nói riêng và miền Tây nói chung, nhưng không được nhiều du khách biết tới như bánh xèo.

Nguyên liệu chính của món ănlà giá sống. Những sợi giá dài, trắng múp sẽ làm cho chiếc bánh thêm giòn và không gây cảm giác ngán cho thực khách. Cũng có nơi gọi bánh giá là bánh vá vì cho rằng, khi chiên, bánh được đựng trong những chiếc vá.

Phần bột làm bánh được pha bột gạo, đậu nành và bột mì thành một hỗn hợp sền sệt, cho thêm chút muối và đánh đều tay. Nếu tỉ lệ bột mì nhiều bánh sẽ giòn còn nhiều bột gạo bánh sẽ rất dẻo. Phần nhân được làm từ tép bạc, gan heo, thịt nạc bằm và giá sống. Thịt và tép được ướp tỏi, muối, bột ngọt.

Ảnh: Cooky TV

Muốn chiên bánh giá cần có vá chiên, cho giá sống, gan heo, tép, thịt và vài hạt đậu phộng rang vào trong vá rồi múc bột cho ngập các loại nguyên liệu này. Nhúng vá vào chảo dầu đang sôi đến khi bánh kết dính lại thì từ từ rút bánh ra.

Bánh giá thường được ăn kèm với bún, bánh cuốn hoặc xôi cùng với rau sống và nước mắm pha tỏi ớt chua ngọt.

Mắm tôm Gò Công

Đặc sản mắm tôm chà Gò Công (Tiền Giang) được nhiều người biết đến, và cũng là đặc sản làm quà phổ biến khi du khách tới tỉnh này.

Mắm tôm Gò Công trước đây từng là món tiến vua trong thời nhà Nguyễn, được làm từ 3 nguyên liệu chính là tôm tươi, tỏi và ớt. Loại tôm dùng trong món mắm này là tôm bạc đất, đánh bắt dưới sông Tiền. Những khi nguồn tôm bạc đất khó kiếm, người làm mắm pha trộn thêm tôm bạc nghệ.

Tôm được chọn có kích cơ đều đặn, được cắt đầu, rửa sạch và chờ ráo nước. Tôm được trộn với hỗn hợp gồm tỏi, ớt, muối, đường, rưới thêm chút rượu trắng, rồi đảo đều liên tục, hơi bóp nhẹ để gia vị thấm vào tôm. Sau đó, người dân cho hỗn hộp này vào giã nát, quết nhuyễn. Hiện nay, các cơ sở sản xuất số lượng lớn sẽ sử dụng máy xay.

Sau khi xay, người làm dùng khay rây để tách phần chất lỏng với phần chất thô. Chất nhuyễn lọc chảy xuống dưới, phần xác còn lại nằm trên khay. Động tác chà xát để lọc lựa này giải thích vì sao có tên gọi mắm tôm chà.

Mắm tôm chà khi bảo quản tốt, có thể để dành ăn nhiều tháng không hư. Loại mắm này dịu vị, không khẳm như nhiều loại mắm khác.

Tổng hợp

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/top-4-dac-san-tien-giang-khong-the-bo-qua-2177618.html