Băng qua Thái Bình Dương, cùng làm việc và cất tiếng hát

Các bác sĩ tham gia PP22 xem phim chụp X-quang khi khám sàng lọc các ca chấn thương, tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Vượt qua những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa…, họ đến đây, cùng y bác sĩ Việt Nam khám chữa bệnh, trao đổi chuyên môn y tế; tập huấn hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai, xây dựng phòng học, giao lưu cộng đồng… Tham gia chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022 (Pacific Partnership - PP22) tại Phú Yên là một trải nghiệm khó quên.

Đến với người bệnh

Ngày chưa rạng, người thân của chị L.T.H đã thức dậy. Rời ngôi nhà ở thôn Xuân Lộc, xã An Xuân (huyện Tuy An), họ đi xe máy đến Tuy Hòa. Hôm đó là một ngày đặc biệt. Chị H được đưa lên tàu bệnh viện USNS Mercy đang đậu ở Vũng Rô để phẫu thuật điều trị u nang buồng trứng. “Tôi tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ nhưng cũng hồi hộp, lo lắng”- người phụ nữ 50 tuổi thổ lộ. Chồng và con rể ngồi bên cạnh chị. Lát nữa, họ trở về Xuân Lộc, riêng con gái đi cùng chị để chăm sóc mẹ sau ca mổ.

Với gia đình anh N.C.T ở phường 1 (TP Tuy Hòa), hôm đó cũng là ngày đặc biệt, khi đứa con gái bé bỏng của vợ chồng anh được đưa lên tàu Mercy điều trị vết sẹo lớn bằng laser. Hơn 5 năm trước, lúc chưa đầy 2 tuổi, con bé bị bỏng nước sôi, phải đưa vô Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) điều trị cả tháng trời. Tai nạn để lại một vết sẹo lớn và dày trên thân thể cô bé. “Gia đình mong muốn điều trị cho con đã lâu nhưng chưa có điều kiện. May mắn gặp dịp này. Qua fanpage của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, tôi biết về hoạt động này nên đưa con đến khám. Con được điều trị, tôi rất vui. Tôi mong con mình và các bệnh nhân khác điều trị thành công”, anh T chia sẻ.

Các bác sĩ tham gia PP22 phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Chị H và cô bé con anh T là 2 trong số 10 người bệnh được đưa lên tàu Mercy phẫu thuật trong đợt đầu tiên, sau khi khám sàng lọc tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Đây là một hoạt động trong chương trình PP22 diễn ra tại Phú Yên. Trong 10 bệnh nhân lên tàu hôm đó có 1 phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, 3 người bị thoát vị bẹn, thoát vị thành bụng, 5 người bị sẹo co rút… Tất cả đều được điều trị miễn phí.

Hôm đó, ThS - bác sĩ Trần Tuấn Kiệt (Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) đưa bệnh nhân và người nhà của họ lên tàu Mercy, kết nối với các y bác sĩ trên tàu. Bác sĩ Kiệt nói: “Đây là lần thứ hai tôi có cơ hội trao đổi chuyên môn trong chương trình PP. Qua phần trình bày rất hay của các đồng nghiệp người nước ngoài, chúng tôi cập nhật kiến thức y khoa mới, chia sẻ, nâng cao chuyên môn và cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh. Với bác sĩ trong đoàn PP22 đến từ các nước, có những bệnh họ không gặp thường xuyên như sốt rét hay sốt xuất huyết, nên họ rất thích khi nghe các bác sĩ Việt Nam chia sẻ”.

Tham gia hoạt động y tế trên tàu Mercy là một trải nghiệm thú vị. Bệnh viện trên biển Mercy có đến 1.000 giường bệnh, một máy chụp cắt lớp (CT), 4 buồng chụp X-quang, 12 phòng phẫu thuật, 80 giường chăm sóc tích cực, một khu cách ly. Theo đại tá Henry Kim, đoàn trưởng PP22, việc tàu USNS Mercy - một trong những tàu bệnh viện lớn trên thế giới - đến Phú Yên là một điểm nhấn trong PP22.

Trong khuôn khổ chương trình, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử Tàu bệnh viện Khánh Hòa tham gia một số hoạt động trao đổi chuyên môn y tế; tư vấn khám bệnh, kê đơn thuốc cho người dân; tập huấn hỗ trợ nhân đạo ứng phó thảm họa.

Sôi nổi các hoạt động trao đổi chuyên môn y tế

Trong ngày 10 bệnh nhân đầu tiên được đưa lên tàu bệnh viện Mercy để phẫu thuật, tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, các bác sĩ người nước ngoài tham gia PP22 phối hợp với bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình cũng bắt đầu tiến hành các ca phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo, thay khớp háng, khớp gối cho các bệnh nhân đã được khám sàng lọc trước đó. Ở chuyên khoa Ngoại tổng quát, Răng Hàm Mặt…, bác sĩ đến từ nhiều quốc gia cũng có những ngày cùng nhau khám và điều trị cho bệnh nhân, bao gồm điều trị bằng phẫu thuật. Theo BSCKII Trần Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cùng nhau làm việc sẽ giúp cho các bác sĩ thuộc đơn vị tiếp cận các quy trình kỹ thuật mới, nâng cao kiến thức và cả khả năng giao tiếp, ứng xử bằng tiếng Anh. Song song đó, các hội thảo, trao đổi chuyên môn ở nhiều lĩnh vực, từ lâm sàng, cận lâm sàng đến hoạt động điều dưỡng… cũng giúp ích rất nhiều cho các bên tham gia.

Bên lề hội thảo về hỗ trợ nhân đạo, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai. Ảnh: YÊN LAN

Không chỉ tại bệnh viện tuyến cao nhất của tỉnh, hoạt động phối hợp khám chữa bệnh, trao đổi chuyên môn trong chương trình PP22 còn diễn ra tại các bệnh viện chuyên khoa, các đơn vị y tế. Tại Bệnh viện Mắt Phú Yên, các bác sĩ trao đổi chuyên môn trong phòng phẫu thuật. Bác sĩ người Mỹ gốc Hàn Tim I. Kim chia sẻ: “Ba năm trước, đồng nghiệp tôi đã đến Bệnh viện Mắt Phú Yên trao đổi chuyên môn. Tôi rất mong chờ cơ hội này, vì tôi muốn gặp những người mà đồng nghiệp tôi đã từng gặp, từng làm việc chung. Tôi cảm thấy thật may mắn khi được ở đây!”. Rất vui tính, bác sĩ Kim còn hỏi khi chụp ảnh lưu niệm thì nên tạo hình trái tim như thế nào?

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên, đoàn y bác sĩ PP22 trao đổi về y học biển, điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh bằng phương pháp Ponseti, vật lý trị liệu PHCN cho bệnh nhân đột quỵ… Theo BSCKI Trần Như Tiến, Giám đốc bệnh viện, đây đều là những nội dung rất cần thiết đối với một bệnh viện chuyên khoa PHCN đóng trên địa bàn ven biển.

Trải nghiệm tuyệt vời

Người dân Tuy Hòa, nhất là các bạn trẻ, ấn tượng với PP22 qua những buổi biểu diễn sôi nổi của ban nhạc Hải quân Hoa Kỳ. Còn trong xóm nhỏ nằm sau những con dốc quanh co ở thôn Lam Sơn, xã An Thọ (huyện Tuy An), bà con tò mò khi thấy các quân nhân người nước ngoài đến đây xây phòng học. 27 quân nhân, gồm 18 người thuộc lực lượng hải quân và 9 người thuộc lực lượng không quân, bắt đầu công việc xây dựng từ ngày 26/5. Đó là một công trình 3 phòng học có chiều dài 24m, chiều ngang 8m, dành cho học sinh tiểu học. Khi chúng tôi đến đây, họ đã hoàn thành một nửa khối lượng công việc. Đại úy Derrick De Lara, chỉ huy công trình, cho biết mỗi ngày họ thức dậy từ 4 giờ 30 hoặc 5 giờ sáng, có mặt tại đây lúc 6 giờ và làm việc đến 6 giờ chiều. Họ làm việc 7 ngày một tuần, mỗi ngày 12 giờ.

“Với tôi và những người đang làm việc cùng tôi tại công trình này, đây là một trải nghiệm cực kỳ tuyệt vời, lần đầu tiên trong cuộc đời chúng tôi có được. Chúng tôi xây dựng phòng học với mục tiêu: Đây không chỉ là nơi tổ chức hoạt động dạy học mà còn là nơi có thể trú ẩn trong trường hợp bị thiên tai. Khi chúng tôi có mặt ở đây, người dân ủng hộ chúng tôi. Họ vui vì chúng tôi xây dựng phòng học cho con em họ. Hàng ngày có nhiều người dân đi ngang qua khu vực này. Họ dừng lại chụp ảnh, thậm chí họ còn đến gần để quan sát. Vì đây là nơi mà con em họ sẽ học”, đại úy Derrick De Lara kể. Công trình 3 phòng học này sẽ hoàn thành vào ngày 15/7 tới.

Trên chuyến xe đưa các phóng viên tác nghiệp hôm ấy có 3 quân nhân người Mỹ gốc Việt. Hạ sĩ Vianh Longaker quê ở Vũng Tàu, tốt nghiệp Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, sau đó sang Mỹ du học, kết hôn và sống tại Mỹ. Vianh kể: “Buổi sáng, khi tàu chuẩn bị tiến vào Vũng Rô, tôi thức dậy và xém khóc vì quá xúc động. Tôi chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó trong cuộc đời, mình sẽ có giây phút này”.

*

Gặp các phóng viên vào ngày 21/6 vừa qua, đại tá Henry Kim, đoàn trưởng PP22, cho biết: “PP22 đánh dấu sự tiến triển trong mối quan hệ của hai bên trong việc thực hiện mục tiêu chung. Đoàn đối tác Thái Bình Dương vui mừng khi đến Phú Yên - điểm dừng đầu tiên, vì đây là một nơi rất tuyệt và người dân thì rất hiếu khách… Trong quá trình làm việc, chúng tôi xem đây cũng là dịp để chúng tôi được học hỏi rất nhiều từ những đồng nghiệp Việt Nam…”. Ông mỉm cười, nói tiếp: “Và như chúng ta đã biết, vào năm 2019, đội bóng đá của chúng tôi đã thua đội của các anh chị. Chúng tôi đã phải tập luyện rất nhiều để năm nay gặp lại đội bóng của các anh chị”.

Đây là lần thứ hai PP được tổ chức tại Phú Yên, với nhiều hoạt động: Khám chữa bệnh cho người dân, trao đổi chuyên môn y tế, tập huấn hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai, xây dựng phòng học, giao lưu cộng đồng… Tham gia PP22, ngoài các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, xây dựng, ứng phó thiên tai thảm họa của Hải quân Hoa Kỳ, còn có chuyên gia, bác sĩ đến từ các nước: Úc, Anh, Nhật Bản, Philippines, Indonesia… PP22 khai mạc vào ngày 20/6, bế mạc vào ngày 3/7 tới.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/280321/bang-qua-thai-binh-duong-cung-lam-viec-va-cat-tieng-hat.html