Bạn trong lúc khó mới thực là bạn

Cách nay 37 năm, Việt Nam và Hy Lạp thiết lập quan hệ Ngoại giao (15/4/1975-15/4/2012). Nhân dịp này, ông Vũ Bình đã chia sẻ cảm nghĩ của mình khi trở thành Đại sứ Việt Nam tại xứ sở của một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại này.

Khi được cử làm người đứng đầu cơ quan đại diện cao nhất của Việt Nam tại Hy Lạp, Đại sứ Vũ Bình ý thức rất rõ về trách nhiệm và nhận nhiệm vụ với một sự chuẩn bị khá kỹ về mặt nghề nghiệp cũng như về kiến thức chung mọi mặt, trong đó có những hiểu biết về vùng đất đã sinh ra truyền thuyết về những vị thần bất tử sống trên đỉnh Olympus trong Thần thoại Hy Lạp.

Ông Vũ Bình cho biết, trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc của Việt Nam trước đây, nhân dân Hy Lạp đã dành cho Việt Nam tình đoàn kết đặc biệt và một sự ngưỡng mộ sâu sắc. Ngay khi đặt chân đến Athens, ông đã cảm nhận được sự đồng cảm chân thành đó. Tuy nhiên, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, cả hai nước vẫn chưa tận dụng tốt vốn quý này để mang lại hiệu quả cao cho sự hợp tác. Đầu tư còn ở mức khiêm tốn, thương mại hai chiều mới ở ngưỡng 100 triệu đôla, trao đổi văn hóa còn rất hạn chế, sự phối hợp trên các diễn đàn và cơ chế đa phương chưa đạt mức mong muốn…

Đầu tháng 12/2010, ông được cử làm Trưởng đoàn đi mở Đại sứ quán của Việt Nam tại thủ đô Athens. Theo ông Bình, việc thành lập Đại sứ quán vào đúng thời điểm đất nước Hy Lạp đang gặp khó khăn là rất có ý nghĩa, bởi "a friend in need is a friend indeed" (bạn trong lúc khó khăn hoạn nạn mới thật là bạn). Đó cũng là một quyết định thể hiện tầm nhìn với quyết tâm tìm và khai thác tốt các cơ hội sẽ mở ra trong điều kiện bạn thay đổi tư duy để vượt qua các thử thách chưa từng có hiện nay.

Lễ khai trương chính thức Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp ngày 26/3 vừa qua, với sự tham dự của đại diện Chính phủ Việt Nam - Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chứng tỏ tình đoàn kết và ủng hộ của Việt Nam đối với Hy Lạp; đồng thời thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ và nhân dân Hy Lạp nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Nhưng có ý kiến cho rằng Hy Lạp đang bị khủng hoảng thì khó có thể hợp tác có hiệu quả, vị Đại sứ tại đất nước đã sinh ra những nhà triết học lừng lẫy như Socrates hay Aristotle không chia sẻ quan điểm này. Ông giải thích: cuộc khủng hoảng nợ hiện nay có những hậu quả và ảnh hưởng lớn đến khu vực kinh tế tư bản tư nhân của Hy Lạp, nhưng đó là cuộc khủng hoảng nợ công. Trong khó khăn hiện nay, để tồn tại các doanh nghiệp Hy Lạp, đặc biệt là khu vực tư đã chuyển hướng, đổi mới, tăng tính cạnh tranh. Hơn nữa, nhiều ngành, nghề và đa số các công ty tư nhân của Hy Lạp đã tham gia vào quá trình "toàn cầu hóa" từ nhiều năm nay. Vả chăng, "cái khó có thể ló cái khôn" khi tư duy được đổi mới. Điều đó có nghĩa là đây chính là lúc có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam, từ việc hợp tác cùng có lợi cho đến các cân nhắc về đầu tư… trong điều kiện giá cả thuận nhất hiện nay.

Đại sứ Vũ Bình đơn cử một lĩnh vực, đó là hàng hải - vận tải biển. Trong mấy năm qua, đội thương thuyền của Hy Lạp không những hầu như không bị tác động mà còn tiếp tục lớn mạnh và khẳng định vị trí số 1 trên thế giới về cả số lượng, tổng trọng tải, độ tuổi tàu, số đơn đặt hàng, công nghệ quản lý… Hợp tác giữa hai bên có thể trên mọi khía cạnh từ đóng, sửa, bảo dưỡng tàu biển; cung ứng dịch vụ logistics; quản lý và vận hành hiệu quả đội thương thuyền, bao gồm cả thuê và cho thuê, đại lý hàng hải; đào tạo và tuyển dụng thuyền viên, sĩ quan hàng hải…

Để ví dụ, ông Bình đưa ra một phép tính nhỏ: Hiện nay, hầu hết các công ty của Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm của mình đều chỉ áp dụng giá FOB, nếu chúng ta thực hiện được xuất hàng với giá CIF thì hiệu quả hơn rất nhiều. Đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam, xuất nhập khẩu lớn hơn hẳn GDP thì sự chủ động về vận tải biển sẽ mang lại những lợi ích rất lớn, nhất là khi chúng ta đang triển khai chiến lược biển.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Đại sứ Vũ Bình đưa ra lời khuyên: trước mắt các doanh nghiệp nên tham gia một số hội chợ, triển lãm hàng đầu khu vực và quốc tế được tổ chức tại Hy Lạp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng có thể tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong điều kiện đang rất thuận lợi cho nhà đầu tư vào Hy Lạp hoặc buôn bán với Hy Lạp hiện nay. Hiện Đại sứ quán đang phối hợp với các bạn bè, đối tác Hy Lạp xúc tiến việc thành lập Phòng Thương mại & Công nghiệp Hy Lạp - Việt Nam. Chương trình hành động năm 2012, đặt mục tiêu thành lập tổ chức này.

Đại sứ Bình cũng tin tưởng việc trao đổi văn hóa với một trong những nôi của văn minh nhân loại sẽ mang lại hiệu quả mạnh không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn trực tiếp đến kinh tế-thương mại. Vì thế, Đại sứ mong các nhà văn hóa, các nghệ sĩ, nhà giáo dục quan tâm hơn, đẩy mạnh các hình thức giao lưu, trao đổi về văn hóa, nghệ thuật, giáo dục đào tạo và du lịch với Hy Lạp. Ông tiết lộ, Đại sứ quán đã trao đổi với Bộ Văn hóa - Du lịch, với thủ đô Athens và một số địa phương và đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng thuận lợi từ phía bạn.

Dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng Đại sứ quán và cá nhân Đại sứ đã thực sự tích cực, chủ động tiến hành nhiều hoạt động trên các lĩnh vực ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa, công tác cộng đồng, chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Đại sứ đã đi gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều cấp lãnh đạo của các bộ ngành, biển, một số tổ chức chính trị - xã hội - ngành nghề, thực hiện các buổi nói chuyện, giảng bài tại một số trường đại học, đi thăm làm việc tại một số địa phương của Hy Lạp để giới thiệu quảng bá về một nước Việt Nam đang tiến hành thành công công cuộc Đổi mới, đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế và có vị thế không ngừng được nâng cao. Các sự kiện do Đại sứ quán tổ chức luôn thu hút được sự quan tâm của các giới chính trị, kinh doanh và của dư luận sở tại. Thời gian qua, báo chí, truyền hình Hy Lạp đã đưa khá nhiều hình ảnh, bản tin về Việt Nam. Một minh chứng rõ ràng nhất, đó là trong năm 2011, xuất khẩu Việt Nam vào Hy lạp đã tăng 40%, còn xuất khẩu của Hy Lạp sang Việt Nam gấp 4 lần.

Để có kết quả đó, theo Đại sứ Bình, chính là sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp và hỗ trợ của các bộ, ban ngành, các địa phương, đặc biệt là sự hợp tác tích cực của các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước. Đây cũng là yếu tố quyết định đối với tính hiệu quả trong hoạt động của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ông cho biết, luôn sẵn sàng phối hợp, tạo các điều kiện cao nhất để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Hy Lạp và qua đó đến với khu vực Ban-căng - Hắc Hải và toàn bộ Trung và Đông Nam Âu. Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp sẵn sàng đồng hành và làm cánh tay nối dài của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Hải Hiền

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/NgoaiGiao/2012/4/E53EC13B29F74A6F/