Bạn trẻ nghĩ gì khi mặc bộ đồ ngủ đi phỏng vấn?

'Em có thể tươm tất hơn khi đến đây phỏng vấn không? Nhìn trang phục của em, chị nghĩ em vừa đi tập thể dục rồi tiện vào đây phỏng vấn' - Tôi hỏi một ứng viên. Khi nhận câu trả lời của em, tôi càng kinh ngạc hơn: 'Dạ, đúng là em vừa đi tập thể dục về ạ'.

Nhiều bạn trẻ xếp hàng chờ vào mua hàng ở một cửa hiệu chuẩn bị khai trương - Ảnh: Phunuonline

Tôi làm công tác nhân sự, lắm khi gặp những “ca” oái ăm còn hơn ứng viên nữ này. Có lần tôi nhận hồ sơ của một nữ kỹ sư vừa tốt nghiệp do một người làm ở phòng lao động gửi gắm. Tôi sắp xếp lịch hẹn, buổi phỏng vấn không chỉ có người làm công tác nhân sự mà còn phải có quản lý của đơn vị tiếp nhận.

Tôi lên lịch nhưng đến khi hẹn với ứng viên thì cô bé cáo bận với lý do là em đã lên kế hoạch đi chơi trước khi đi làm với nhóm bạn nên đề nghị tôi lùi lịch hẹn phỏng vấn sang 5 ngày! Tất nhiên sau đó không có một cái lịch hẹn phỏng vấn nào với ứng viên đó nữa vì tôi đã chọn được người khác phù hợp.

Tôi đã phải rất khó khăn để nói chuyện với người gửi hồ sơ. Nhưng như vậy sẽ tốt hơn cho tôi, cho công ty và cho mối quan hệ của tôi với người gửi hồ sơ sau này. Bởi tôi không thể tuyển dụng một người coi việc đi chơi hơn cơ hội việc làm, đặc biệt dựa vào thói ỷ lại là có người quen nên sẽ không nỗ lực trong công việc!

Làm công tác tuyển dụng, tôi gặp rất nhiều ứng viên nộp hồ sơ xin việc với tấm bằng đỏ chót, tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng kinh nghiệm thực tế, xã hội lại hoàn toàn là con số 0. Tất nhiên tôi không mong chờ các em phải có kinh nghiệm về công việc nhưng nếu các em từng tham gia các chiến dịch tình nguyện, hoạt động xã hội thì đó là điểm cộng.

Thế nhưng khi hỏi về các thương hiệu cà phê, trà sữa, mua sắm đang “hot” hiện nay, các em rất rành, và khá nhiều em khoe mình xếp hàng cả ngày để mua một món đồ nào đó trong ngày khai trương!

Thế nhưng, cũng chính những ứng viên sẵn sàng xếp hàng hàng giờ liền đó, kiên nhẫn dù trời mưa hay nắng đó lại tỏ ra e dè khi công ty cho biết có thể sẽ sắp xếp bạn ấy về một chi nhánh hay xí nghiệp ở ngoại thành. Tôi cũng đánh rớt ứng viên khi thấy ứng viên dán mắt vào điện thoại mà không muốn giao tiếp với người khác.

Trước khi vào phỏng vấn, tôi hỏi một câu rất đơn giản, em có thấy bao nhiêu bạn ngồi đợi với em bên ngoài không? Hoặc em có nói chuyện với một bạn nào khi ngồi đợi vào đây phỏng vấn không? Nếu tất cả những câu trả lời đều là không thì dù em có tốt nghiệp loại giỏi nhưng thái độ thờ ơ với xung quanh thì sẽ rất khó làm việc nhóm sau này hoặc trong công việc sẽ không có thiện chí hỗ trợ người khác khi cần…

Là người làm công tác nhân sự đã gần 15 năm, tôi luôn đánh giá cao các bạn trẻ bởi các bạn luôn là những người mang lại sự tươi mới cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng có những quy tắc của mình, đôi khi đồng nghiệp cho rằng tôi cực đoan bởi giới trẻ bây giờ sống rất khác miễn sao có trình độ, bằng cấp ổn là được! Tôi lại cho rằng, chính thái độ làm nên thành công và giá trị con người!

Như trường hợp cô bé mặc đồ thể dục. Tôi đã không tuyển dụng em, nhiều người cho rằng tôi đã vội vã nhìn bề ngoài đánh giá con người nhưng với tôi, ăn mặc đàng hoàng không chỉ là tôn trọng bản thân mà còn tôn trọng công việc mình ứng tuyển, tôn trọng đối tác. Ngay cả việc sơ đẳng nhất còn không làm được thì tôi hoàn toàn nghi ngờ về năng lực của ứng viên, vậy thì hãy để cơ hội cho một người khác, khi ngoài kia có hơn nửa triệu cử nhân, kỹ sư đang thất nghiệp!

Thanh Bình

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/ban-tre-nghi-gi-khi-mac-bo-do-ngu-di-phong-van-570928.ldo