Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái đã tích cực, chủ động tham mưu giúp Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp 'đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ' theo tinh thần Nghị quyết XIX Đảng bộ tỉnh.

Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng các cán bộ Đề án 11 được bổ nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng các cán bộ Đề án 11 được bổ nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định "Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là nội dung cơ bản trong nhiệm vụ đầu tiên của 7 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ.

Đây là kết quả đúc rút, tổng kết từ thực tiễn, đồng thời là điều kiện quan trọng, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới, hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Yên Bái phát triển theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIX.

>> Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức lớp bồi dưỡng cấp ủy cấp cơ sở

Đồng chí Chu Đình Ngữ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tích cực, chủ động tham mưu giúp Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng, tạo lập đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp "đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh. Trong đó đã tập trung cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác cán bộ theo Nghị quyết Đại hội XIX và các nghị quyết của Trung ương.

Ban đã chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy định bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, cụ thể, chặt chẽ, kịp thời trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện thực tiễn và không trái với quy định của Trung ương như: Quy định về phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ; Quy định về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định về luân chuyển cán bộ; Quy định về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và điều động, biệt phái, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ… Trên cơ sở mục đích, chỉ tiêu, quy chế, quy định liên quan, nghiêm túc triển khai đồng bộ, toàn diện các khâu trong công tác cán bộ đảm bảo bài bản, minh bạch, đúng quy trình, chất lượng và có hiệu quả cụ thể.

Công tác tuyển dụng ngày càng thực chất và chặt chẽ hơn. Ngoài việc thực hiện các quy định chung của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã ban hành chính sách riêng để tìm kiếm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ được quan tâm cả về nhận thức và cách làm; quy trình đánh giá có sự đổi mới với cách làm bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng; đánh giá cán bộ xuyên suốt, liên tục, đa chiều gắn với phương thức "Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”.

Trong công tác quy hoạch cán bộ, tỉnh đã coi trọng và thực hiện khá bài bản, vừa bảo đảm số lượng và cơ cấu vừa mang tính toàn diện, bao quát giữa các nhóm ngành, lĩnh vực chuyên môn được đào tạo và phù hợp với xu hướng phát triển theo đúng định hướng của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

>> Tích cực tham mưu xây dựng, tạo nguồn cán bộ

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện nghiêm túc, từ việc xây dựng nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo đến ban hành và áp dụng chính sách hỗ trợ cán bộ đi học nâng cao trình độ gắn với xây dựng kế hoạch giai đoạn, hàng năm và việc cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo từng nhóm chức danh cụ thể.

Đến nay, trên 90% cấp ủy viên cấp cơ sở có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 92,9% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên; 100% cấp ủy viên cấp huyện và tương đương có trình độ chuyên môn đại học trở lên; 90,7% có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị; 100% cấp ủy viên cấp tỉnh có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị, chuyên môn từ đại học trở lên (trong đó 72% có trình độ sau đại học); 96,4% cấp ủy viên các cấp được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng và cập nhật kiến thức mới theo quy định.

Cùng với đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 18/8/2018 về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Đây là giải pháp đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ và bảo đảm nguồn cán bộ chuyển giao vững vàng giữa các thế hệ với cơ cấu phù hợp. Hiện có 191 cán bộ tham gia Đề án, trong đó 19 đồng chí (chiếm 10%) giữ chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 81 đồng chí quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 7 đồng chí quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ các cấp đã có những đổi mới quan trọng, trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Đảng; chú trọng đến luân chuyển để rèn luyện cán bộ qua thực tiễn công tác, giúp cán bộ có bước trưởng thành nhanh chóng; đồng thời thực hiện có hiệu quả chủ trương cán bộ chủ chốt không phải người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Qua đó, đã khắc phục hiện tượng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, tạo nên những chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là ở cấp huyện và cơ sở.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Chu Đình Ngữ cho biết thêm: Trong công tác tổ chức của Đảng, Ban tiếp tục xác định rõ hơn nữa tiêu chuẩn cho từng chức danh cán bộ, gắn với rà soát, bổ sung, hoàn thiện đề án vị trí việc làm cho phù hợp với tình hình mới hiện nay. Đây là yếu tố "đầu vào” quan trọng và là cơ sở để lựa chọn cán bộ phù hợp với từng chức danh, từng vị trí việc làm. Trong đó, chú trọng lấy năng lực công tác, uy tín cá nhân, kết quả thực tiễn làm thước đo và là cơ sở tiêu chuẩn để lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Cùng với đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và phương pháp đánh giá, xếp loại cán bộ, cụ thể hóa hơn nữa việc xử lý cán bộ sau đánh giá, bởi đánh giá cán bộ là khâu then chốt của công tác cán bộ; phân định rõ giữa đánh giá cán bộ định kỳ với đánh giá cán bộ khi đưa vào quy hoạch và khi đề bạt, bổ nhiệm vừa bảo đảm tính thống nhất trong đánh giá cán bộ nói chung vừa phát huy được ý nghĩa, tác dụng của đánh giá cán bộ trong từng trường hợp cụ thể.

Với việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị của tỉnh đã có bước phát triển về nhiều mặt, bảo đảm về số lượng, có cơ cấu hợp lý, phần lớn cán bộ được rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn nên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu đã xác định.

Cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự phát triển của đội ngũ cán bộ các cấp đã góp phần hiện thực các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.

Thu Trang

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/298625/ban-to-chuc-tinh-uy-yen-bai-gop-phan-xay-dung-doi-ngu-can-bo-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu.aspx