Bản tin 26/9: Sở GD&ĐT chấn chỉnh hoạt động trường tư thục, quốc tế

Sở GD&ĐT chấn chỉnh hoạt động trường tư thục, quốc tế; Bệnh hiếm khiến bé gái 1 ngày tuổi hẹp đường thở, suy hô hấp...

Tp.HCM: Sở GD&ĐT chấn chỉnh hoạt động trường tư thục, quốc tế

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo báo Vietnmnet, Sở GD&ĐT Tp.HCM vừa có văn bản chấn chỉnh hoạt động giáo dục các trường tư thục, trường quốc tế.

Cụ thể địa phương này yêu cầu, các đơn vị chỉ được tổ chức hoạt động giáo dục sau khi được Sở GD&ĐT cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục, đảm bảo tổ chức hoạt động đúng với các nội dung được cấp phép.

Đối với trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài, khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục, đơn vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục. Sau khi được cho phép hoạt động giáo dục, đơn vị tổ chức hoạt động theo quy định hiện hành.

Khi có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung, thay đổi về một trong các nội dung được cấp phép, đơn vị phải thực hiện hồ sơ đăng ký điều chỉnh và gửi về Sở GD&ĐT xem xét và thẩm định quyết định cho phép hoạt động giáo dục.

Đặc biệt, đối với trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT loại hình tư thục (vốn trong nước và vốn nước ngoài). Đối với trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT loại hình tư thục (vốn trong nước).

Khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo, đơn vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục. Sau thời hạn 2 năm, kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường trung học (vốn trong nước) không được cho phép hoạt động giáo dục, Sở GD&ĐT báo cáo UBND TP quyết định hủy bỏ quyết định cho phép thành lập trường.

Đối với trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục, đơn vị thực hiện hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục.

Sau thời hạn 2 năm kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục không được cho phép hoạt động giáo dục, quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hết hiệu lực.

Khi có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung, thay đổi về một trong các nội dung được cấp phép (địa điểm hoạt động giáo dục, nội dung hoạt động giáo dục...), đơn vị phải thực hiện hồ sơ đăng ký điều chỉnh và gửi về Sở GD&ĐT xem xét và thẩm định quyết định cho phép hoạt động giáo dục.

Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện hồ sơ gia hạn thời gian hoạt động giáo dục trong thời hạn 6 tháng trước khi quyết định cho phép hoạt động giáo dục hết hiệu lực thi hành.

Về tổ chức hoạt động sau khi được cấp phép hoạt động giáo dục, sở yêu cầu trường phổ thông tư thục xây dựng cơ cấu tổ chức theo quy định, cụ thể: phải có hội đồng trường, ban kiểm soát, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, hội đồng thi đua khen thưởng, hội đồng kỷ luật...

Sở GD&ĐT Tp.HCM cũng yêu cầu tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và đạt trình độ được đào tạo và chuẩn nghề nghiệp phù hợp với từng cấp học được quy định, phải bảo đảm tỷ lệ ít nhất 40% giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo viên theo quy định.

Thực hiện ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, giải quyết các chế độ về ngày nghỉ của người lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động. Thực hiện chế độ đóng bảo hiểm xã hội, mở, đóng sổ đúng theo quy định, đăng ký giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài công tác tại đơn vị theo quy định.

Nhà trường treo biển tên trường đúng tên được ghi trong quyết định cho phép thành lập của UBND Tp.HCM, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất được an toàn cho học sinh.

Trường phải triển khai dạy học chương trình nước ngoài sau khi nhận được đầy đủ quyết định phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp do Bộ GD&ĐT tạo cấp và quyết định phê duyệt liên kết giáo dục với nước ngoài do Sở GD&ĐT cấp.

Sở GD&ĐT yêu cầu các trường không tổ chức quảng cáo và tuyển sinh tại địa điểm chưa được cấp phép hoạt động giáo dục, tuyển sinh số lượng đúng với số lượng Sở GD&ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Hội đồng tuyển sinh chịu trách nhiệm về việc tuyển sinh không đúng quy định.

Thực hiện theo quy về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, kê khai giá dịch vụ giáo dục.

Ngoài ra, nhà trường phải tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính, thành lập công đoàn cơ sở, sử dụng con dấu nhà trường đúng mục đích.

Đối với các trường mầm non, trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài phải xây dựng cơ cấu tổ chức theo quy định. Trường hợp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người biệt phái từ các nước phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định hiện hành về miễn giấy phép lao động.

Đáng chú ý, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường phải đảm bảo tổ chức dạy học đúng với chương trình được ghi tại quyết định cho phép hoạt động giáo dục của Sở GD&ĐT và thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định.

Các trường tiếp nhận học sinh Việt Nam phải tuân thủ, học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục…

Người đàn ông tử vong trên đường đi làm về

Người thân, đồng nghiệp đến chia buồn với gia đình nạn nhân.

Người thân, đồng nghiệp đến chia buồn với gia đình nạn nhân.

Nạn nhân là ông Lê Văn H.(SN 1964, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường UBND xã Hưng Trạch.

Thông tin ban đầu, khoảng 15h chiều 24/9, ông Lê Văn H. cùng lãnh đạo xã Hưng Trạch đi kiểm tra tình hình công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã. Hoàn tất công việc, ông H. đi xe máy để trở về nhà.

Khi đi đến tỉnh lộ 561, đoạn qua xã Vạn Trạch, xe máy ông H. va chạm với xe máy đang chạy theo chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến ông H. ngã xuống đường tử vong tại chỗ.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng huyện Bố Trạch đã nhanh chóng có mặt, khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Được biết, ông Lê Văn H. vừa mới được luân chuyển từ xã Vạn Trạch lên xã Hưng Trạch nhận nhiệm vụ từ ngày 1/4/2023.

Bệnh hiếm khiến bé gái 1 ngày tuổi hẹp đường thở, suy hô hấp

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Người Lao Động ngày 23/9, TS.BS Nguyễn Thị Kim Nhi, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết các bác sĩ tại đây đã kịp thời cứu bé gái 1 ngày tuổi bị hội chứng Kasabach-Merrit gây hẹp nặng đường thở, đe dọa tính mạng.

Theo đó, khai thác bệnh sử, bé được sinh đủ tháng, trong thai kỳ không có bất thường. Tuy nhiên, sau sinh tại bệnh viện tư, bác sĩ phát hiện bé có mảng bầm trước ngực nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại đây, bé bị suy hô hấp, cổ bạnh, mảng bầm to vùng cổ - ngực, thiếu máu, giảm tiểu cầu nặng. Bệnh sau đó diễn tiến nhanh, mảng bầm lan rộng ra lên đến vùng cằm – cổ – ngực, phù nề nặng vùng cổ và mặt hai bên kèm theo rối loạn chức năng đông cầm máu, thiếu máu nặng cần truyền máu.

Kết quả siêu âm ngực ban đầu cho thấy dày lan tỏa mô mềm thành ngực và vùng cổ, tăng tưới máu lan tỏa. Sau đó bé được chụp CT-scan ngực, kết quả phát hiện bé có u máu dưới lưỡi, thành trước hầu họng, cổ hai bên, thành ngực trước- trung thất trên chèn ép bao quanh gây hẹp khít khí quản.

Ngoài ra, dựa vào kết quả xét nghiệm lâm sàng khác, bác sĩ xác định bé mắc hội chứng Kasabach-Merrit gây chèn ép nặng đường thở, được hỗ trợ hô hấp bằng CPAP.

Bác sĩ Nhi cho biết đây là hội chứng hiếm gặp và khó điều trị. Hội chứng này có biểu hiện bằng u máu khổng lồ, lớn nhanh, kèm theo tăng tiêu thụ tiểu cầu và các yếu tố đông máu dẫn đến bệnh nhân dễ xuất huyết và thiếu máu nặng.

"Dựa theo y văn, đa số hội chứng này được điều trị nội khoa từng bước bằng cách dùng corticoid liều cao. Nếu không cải thiện sẽ phối hợp thêm các thuốc đặc trị khác như vincristine hay sirolimus nhằm ngăn chặn sự tăng sinh mạch máu của khối u. Với trường hợp trên, bệnh viện đã hội chẩn nội viên và thống nhất điều trị corticoid và vincristine cho bé" – bác sĩ Nhi cho hay.

Hiện sau một tuần điều trị, khối u máu của bé giảm kích thước, không còn chèn ép đường thở nên tình trạng suy hô hấp cải thiện, ngưng thởCPAP. Đồng thời, tiểu cầu tăng dần, không rối loạn đông máu, không cần truyền máu. Bé được xuất viện trong tình trạng sinh hiệu ổn định và theo dõi tái khám định kỳ.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-269-so-gddt-chan-chinh-hoat-dong-truong-tu-thuc-quoc-te-a628078.html