Bản tin 22/12: Thông tin mới nhất vụ sập trần lớp học ở trường liên cấp, nhiều học sinh bị thương

Thông tin mới nhất vụ sập trần lớp học ở trường liên cấp, nhiều học sinh bị thương, Những vật dụng nào có thể bị cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT?...

Những vật dụng nào có thể bị cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT?

Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020, được sửa đổi bổ sung bởi thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12-3-2021 và Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều 3 về “Bài thi” như sau: Tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần vật lý, hóa học, sinh học); 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông; hoặc lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp (đối với thí sinh tự do). Thí sinh được đăng ký dự thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông. Thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Về hồ sơ đăng ký dự thi, dự thảo nêu: Đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của quy chế, ngoài các hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, hồ sơ đăng ký dự thi phải có thêm: Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12 hoặc nơi thí sinh đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực; bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận hoặc do sở giáo dục và đào tạo nơi thí sinh đã dự thi xác nhận trong trường hợp thí sinh dự thi tại tỉnh khác.

Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu: Đơn vị đăng ký dự thi có trách nhiệm rà soát, tra cứu thông tin cung cấp bởi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trên Hệ thống quản lý thi) để xác nhận diện ưu tiên theo nơi thường trú cho thí sinh.

Liên quan đến trách nhiệm thí sinh, dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Thí sinh phải tuân thủ việc trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi; ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình. Để phục vụ quá trình làm bài thi, thí sinh được mang vào phòng thi, gồm: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Đáng chú ý, tại dự thảo lần này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ những vật dụng cấm thí sinh mang vào phòng thi, cụ thể là: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi, theo báo Hà Nội Mới.

Nam thanh niên 34 tuổi đột quỵ khi đang chơi thể thao

Nam thanh niên bị đột quỵ lúc chơi thể thao đến viện điều trị.

Đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc, nam thanh niên 34 tuổi bất ngờ bị đột quỵ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó

Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận người đàn ông 34 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhập viện với biểu hiện đột quỵ.

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết và xác định người này bị đột quỵ não. Trước đó, bệnh nhân yếu nửa người, nói khó khi đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc.

Khi bệnh nhân xuất hiện biểu hiện này, lúc đầu mọi người nghĩ anh này bị trúng gió. Tuy nhiên, sau đó nghi ngờ tình trạng yếu nửa người do đột quỵ nên đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, cho biết người bệnh được chẩn đoán tắc mạch máu não cấp đến bệnh viện trong "thời gian vàng" sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não. Sau điều trị, bệnh nhân dần hồi phục.

Theo bác sĩ Yên, thời tiết biến đổi thất thường với nhiệt độ giảm sâu như những ngày qua khiến số ca nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch.

Thời tiết lạnh không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân lớn tuổi, mà kể cả người trẻ. Các bệnh nhân không chỉ bị đột quỵ, tim mạch, mà mắc các bệnh lý khác như đột quỵ não, bệnh lý thần kinh.

Để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, bác sĩ khuyến cáo người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường. Trong khoảng thời gian vàng dưới 4,5 giờ sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời, cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.

Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, nếu đột ngột nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt, gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện ngay.

Thông tin mới nhất vụ sập trần lớp học ở trường liên cấp, nhiều học sinh bị thương

Hiện trường vụ sập trần lớp học ở trường liên cấp, nhiều học sinh bị thương.

Thông tin trên báo Nhân Dân, sáng 21/12, trần nhà của một lớp học ở Trường phổ thông Hermann Gmeiner, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bị sập, khiến nhiều học sinh bị thương.

Cô giáo Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường phổ thông Hermann Gmeiner, cho biết: Khoảng 7 giờ 30 phút, khi các học sinh lớp 11A9 của trường đang ngồi học thì trần nhà bằng gỗ bất ngờ đổ sập xuống, rơi trúng nhiều em.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, các thầy, cô giáo nhanh chóng sơ cứu và đưa các học sinh bị thương vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An.

Trong số 8 học sinh bị thương, có 1 em bị thương nặng ở phần đầu và lưng, đang được chuyển đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội; 1 em bị gãy chân.

Các em còn lại chỉ bị xây xát nhẹ.

Cơ quan công an và Sở Y tế Nghệ An đang làm việc với nhà trường để làm rõ vụ tai nạn.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-nhung-vat-dung-co-the-bi-cam-mang-vao-phong-thi-tot-nghiep-a641748.html