Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Tam Điệp

Ngày 13/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Tam Điệp về kết quả lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh thành phố Tam Điệp từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bên cạnh thuận lợi, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh, với tinh thần quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đến nay đã đạt và vượt 6/12 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, tạo đà phát triển thành phố trong những năm tiếp theo.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, thành phố đã bố trí 7/9 Bí thư Đảng ủy và 2/9 Chủ tịch UBND phường, xã không phải là người địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đảng bộ thành phố đã thành lập mới 6 chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; kết nạp được 423 đảng viên, nâng tổng số tổ chức cơ sở đảng toàn thành phố lên 65 tổ chức cơ sở đảng với gần 6.000 đảng viên.

Công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tập trung chỉ đạo. Công tác dân vận được tăng cường, có bước đổi mới về phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Tình hình tôn giáo, dân tộc ổn định. Hoạt động của HĐND, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp tiếp tục được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện được nâng lên.

Kinh tế tiếp tục phát triển: Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ được duy trì và tăng trưởng khá. Năm 2022: Doanh thu công nghiệp đạt trên 10.750 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 4.840 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác năm 2022, đạt 176,8 triệu đồng, tăng 31% so với năm 2020; thành phố có 18 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Từ năm 2020 đến nay thành phố đã xét, công nhận 15 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 83,3% so với chỉ tiêu Đại hội. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2022 đạt trên 461 tỷ đồng, gấp 2,09 lần dự toán tỉnh giao…

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các thiết chế văn hóa được quan tâm. Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 0,53%. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố Tam Điệp cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội như: kết cấu hạ tầng KCN Tam Điệp I chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ; Khu công nghiệp Tam Điệp II đã được quy hoạch nhưng chưa thu hút nhà đầu tư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; công tác quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường ở một số phường, xã còn bất cập, chưa chặt chẽ; nguồn lực đầu tư công chưa đáp ứng được nhu cầu…

Từ thực tiễn, thành phố Tam Điệp cũng đề xuất Tỉnh ủy kiến nghị với Trung ương xem xét điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội của chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở (hiện đang là 5 năm hai lần) thống nhất theo nhiệm kỳ đại hội của tổ chức cơ sở đảng (5 năm một lần). Đề nghị tỉnh chỉ đạo rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai đối với một số cơ quan, đơn vị Trung ương trên địa bàn thành phố đảm bảo hiệu quả sử dụng đất đai, tránh lãng phí; tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp, một số mỏ trên địa bàn; Quan tâm bố trí nguồn ngân sách để triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Điệp I; đầu tư Khu công nghiệp Tam Điệp II.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố đảm bảo nguồn lực triển khai thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm mở rộng địa giới hành chính để đảm bảo các điều kiện xây dựng thành phố theo các tiêu chí của đô thị loại II trực thuộc tỉnh…

Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện các sở, ban, ngành đã phát biểu ý kiến, gợi mở một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập cho thành phố liên quan đến các lĩnh vực như: công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; về quản lý, cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn; công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; các giải pháp xúc tiến, thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp và lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện Khu công nghiệp Tam Điệp II; về phát triển sản xuất nông nghiệp; về sắp xếp đơn vị hành chính; công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội; công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác phát triển đảng viên, phát triển nguồn nhân lực…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Ban Thường vụ Thành ủy Tam Điệp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu kết luận hội nghị.

Nhấn mạnh về vai trò, vị thế của Tam Điệp trong bản đồ địa - chính trị của tỉnh, của đất nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng Tam Điệp có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh; sứ mệnh lịch sử của Tam Điệp đã và đang tạo ra những động lực thúc đẩy phát triển. Do vậy, Tam Điệp cần nhận diện rõ tiềm năng, lợi thế, cơ hội và thách thức để xác định đường hướng phát triển trong tương lai.

Trước mắt tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính, mở rộng không gian đô thị theo tiêu chí mới và các điều kiện xây dựng thành phố theo các tiêu chí của đô thị loại II trực thuộc tỉnh, trong đó lưu ý coi trọng quy hoạch phân khu thương mại, dịch vụ, không gian công cộng, quy hoạch vùng nông thôn…

Trao đổi về các nội dung kiến nghị, đề xuất của Ban Thường vụ Thành ủy Tam Điệp, đồng chí cho đây là những kiến nghị, đề xuất xác đáng, xuất phát từ những khó khăn thực tiễn của thành phố; giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo và có phương án giải quyết cụ thể với từng đề xuất, kiến nghị, qua đó góp phần tạo điều kiện để Tam Điệp có thêm nguồn lực triển khai thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Tam Điệp tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra. Chú trọng phát huy nội lực, khơi thông các nguồn lực; tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, quan tâm thực hiện công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, tập trung phát triển đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; chú trọng xây dựng các mô hình trên các lĩnh vực để từ đó nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần xây dựng thành phố Tam Điệp ngày giàu mạnh, văn minh.

Mai Lan - Đức Lam - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ban-thuong-vu-tinh-uy-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-thanh-uy/d20230713142222866.htm