Bản sắc của Tạp chí Giảng viên và Tạp chí Giáo dục lý luận

Tôi nguyên là cán bộ huấn học chuyển sang làm báo, bắt đầu từ Tạp chí Sổ tay giảng viên...

Tuy vậy, tôi không phải là hoàn toàn “tay không bắt giặc” vì trước đó, tôi cũng đã từng cộng tác viết bài cho Tạp chí Thời sự phổ thông Tạp chí Tuyên huấn. Nhưng đấy chỉ là cộng tác viên, còn khi chuyển sang làm chuyên trách, tôi phải nghiên cứu, học tập qua các tài liệu về nghiệp vụ báo chí, phải đọc rất nhiều các tạp chí khác như: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Triết học, Tạp chí Kinh tế, v.v..để tìm ra cho mình những điều cần thiết cho việc biên tập một tờ tạp chí của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng.

Điều làm tôi suy nghĩ rất nhiều sau khi nghiên cứu, học tập, đó là làm sao để thể hiện và giữ cho được bản sắc của Tạp chí Sổ tay Giảng viên, phân biệt cho rõ với các tạp chí của Học viện Nguyễn Ái Quốc, của Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương, của Tạp chí Xây dựng Đảng, v.v..

Khẳng định đối tượng của Tạp chí là đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của hệ thống trường Đảng các cấp, giảng viên lý luận chính trị của các trường đại học, cao đẳng, Tạp chí Sổ tay Giảng viên cũng như sau đó là Tạp chí Giảng viên cung cấp cho giảng viên những bài giảng “mẫu”, những nội dung cơ bản của các chương trình lý luận chính trị trung cấp, sơ cấp, những nội dung quan điểm cơ bản của các nghị quyết của Đảng trong từng thời kỳ, nhất là nghị quyết của các Đại hội Đảng, các nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng, những kinh nghiệm giảng dạy, những nội dung tổng kết từng phần học, các bài giải đáp về những vấn đề cốt lõi trong mỗi bài, mỗi phần học, những câu chuyện về thành công và thất bại của các giảng viên, v.v..

Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương trò chuyện cùng đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương; đồng chí Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và các lãnh đạo Tạp chí Tư tưởng – Văn hóa (1/2003)

Lúc bấy giờ, tôi rất tâm đắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương cho Tạp chí Thời sự phổ thông là: Tạp chí phải thực sự là tờ Tạp chí cho cán bộ cơ sở thôn xã, phải viết ngắn gọn, dễ hiểu, mỗi bài không quá hai trang khổ nhỏ, phải là những vấn đề thời sự nóng hổi cung cấp kịp thời cho cán bộ cơ sở để họ làm công tác tuyên truyền, giáo dục ở cơ sở. Tạp chí phải ra khổ nhỏ để cán bộ cho vào “xà cột” (loại cặp nhỏ đeo vai đựng tài liệu luôn bên mình).

Tôi luôn quán triệt những định hướng ấy khi làm Sổ tay Giảng viên rồi đến Tạp chí Giảng viên. Cũng vì vậy, khi việc học tập tại chức được mở rộng, tôi đã cùng anh em trong tạp chí bàn bạc xin đổi tên Tạp chí Giảng viên thành Tạp chí Giáo dục lý luận để hướng đến phục vụ cho không chỉ học tập tập trung tại trường mà cho cả học tập tại chức, không chỉ cho giảng viên mà cho mỗi đối tượng học tập lý luận chính trị theo các chương trình tại chức sơ cấp và trung cấp về lý luận chính trị.

Với tên mới, Tạp chí Giáo dục lý luận đã mở rộng được đối tượng phục vụ, và mở rộng nội dung đề tài trên tạp chí. Song, chúng tôi luôn luôn ghi nhớ định hướng của tạp chí là: (1) Bám sát đường lối quan điểm của Đảng qua các nghị quyết của đại hội và nghị quyết của các hội nghị Trung ương, qua sự chỉ đạo của Lãnh đạo Ban với hoạt động báo chí trong từng thời gian; (2) Bám sát các chương trình giáo dục lý luận chính trị tại hệ thống trường Đảng khu vực, trường Đảng tỉnh, trường tại chức cao cấp, cũng như chương trình giáo dục đảng viên theo sự chỉ đạo của Vụ Trường Đảng, Vụ Giáo dục đảng viên.

Nhờ những định hướng đó, Tạp chí đã được cơ quan Tuyên huấn các cấp, cán bộ giảng dạy các Trường Đảng tỉnh, Trường Đảng khu vực, các trường tại chức và các cán bộ giảng dạy lý luận, chính trị ở nhiều trường đại học, cao đẳng, cũng như các học viên lý luận chính trị rất hoan nghênh, coi Tạp chí như người bạn của mình. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ không có các phương tiện truyền thông như bây giờ, Tạp chí thực sự là “người bạn đường”, giúp đỡ cho công tác giáo dục lý luận chính trị đạt được hiệu quả cần thiết.

Tất cả cán bộ biên tập chúng tôi vì thế cũng phấn khởi hăng say để làm cho tờ Tạp chí ngày càng chất lượng hơn, hay hơn và luôn giữ vững bản sắc của mình.

Sau đó, tôi được Ban điều đi làm chuyên gia cho nước bạn Lào và không còn trực tiếp làm Tạp chí nữa. Nhưng khi sang giúp bạn, tôi đã giúp cho hai tờ Tạp chí của bạn đi theo hướng đó và đã được bạn hoan nghênh, chấp nhận. Bây giờ mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy vui và phấn khởi về một thời làm báo, Tạp chí của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng./.

Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cùng cán bộ Tạp chí Tuyên giáo qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm trước trụ sở Tạp chí (2010).

LÊ DUY
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục Lý luận
Ban Tuyên huấn Trung ương

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/ban-sac-cua-tap-chi-giang-vien-va-tap-chi-giao-duc-ly-luan-153643