Bán lẻ xăng dầu lại 'đuổi' theo chiết khấu

Giá xăng dầu tăng lên, chiết khấu quay đầu giảm xuống mức thấp, khiến các nhà bán lẻ lo ngại lợi nhuận tiếp tục bị bào mòn.

Chiết khấu xăng dầu giảm khiến các đầu mối phân phối rơi vào tình trạng càng bán càng lỗ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước đã được điều chỉnh tăng vào chiều ngày 1/2, nhưng nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn không vui. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát, cho biết: “Mức chiết khấu xăng dầu đã giảm sâu kể từ 3 tuần gần đây”.

Dữ liệu hệ thống kinh doanh xăng dầu ngày 31/1 ghi nhận tại các kho khu vực phía Bắc, như PV OIL Đình Vũ, Cái Lân và Petec Hải Phòng, chiết khấu xăng dao động trong khoảng 200-250 đồng/lít, dầu diesel là 500 đồng/lít. Mức chiết khấu thấp hơn cũng được áp dụng tại kho cảng Petec Bình Định và Vũng Rô của Phú Yên, chỉ 100 đồng/lít xăng, 350 đồng/lít dầu DO.

Với mức chiết khấu hiện nay, theo Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát, doanh nghiệp sẽ lỗ khoảng 800 đồng/lít xăng dầu bán ra, sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhân công vào hao hụt. Nhưng điều khiến ông Thắng lo lắng hơn là tình trạng “càng bán, càng lỗ” nếu chiết khấu giảm về 0 đồng trong thời gian tới.

Biến động trên thị trường xăng dầu thế giới đang thách thức mục tiêu “đảm bảo xăng dầu” của Chính phủ. Ngày 3/1, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã xác định kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 cho các doanh nghiệp, con số là gần 28,42 triệu m3/tấn cao hơn năm 2022 khoảng 2,4 triệu m3/tấn.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính độc lập, nói với Tri Thức - Znews về sự ủng hộ một vài quan điểm trong điều hành xăng dầu hiện tại. Chẳng hạn, với bán lẻ xăng dầu, việc không cố định mức chiết khấu sẽ giúp “điều hành linh hoạt hơn” so với chiết khẩu cố định 5%. Điều này đúng với tình hình biến động có thể dẫn đến các rủi ro về giá.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hiếu cũng chỉ ra rằng thị trường xăng dầu Việt Nam sở hữu chuỗi cung dài, nhiều tầng nấc trung gian, như thương nhân phân phối và bán lẻ. Điều này đang làm “tăng chi phí lưu thông” và “đẩy hệ thống vào rủi ro”, như gián đoạn nguồn cung năm 2022.

Việt Nam đang bắt đầu vận hành nền kinh tế thị trường, tiến sĩ Hiếu cho rằng việc cơ quan quản lý Nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi” có thể khiến các nguyên tắc thị trường không được thực hiện. Rối loạn chuỗi cung hơn một năm trước cho thấy rõ “sự lúng túng trong quản lý Nhà nước về xăng dầu”.

“Sự lúng túng này có thể hiểu được”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói. Sự lúng túng đến từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất, thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh khiến các biện pháp đưa ra để bình ổn giá trở thành lỗi thời. Thứ hai, Nhà nước đã tham gia quá sâu vào thị trường xăng dầu.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội thay đổi nếu Bộ Công Thương trong dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong quý II/2024, đưa ra được giải pháp xử lý những bất cập hiện nay, đề xuất cho phép doanh nghiệp định giá bán lẻ, thị trường quyết định cung cầu”, vị chuyên gia kinh tế gợi mở.

Theo ông Hiếu, hệ thống kinh doanh xăng dầu cần giảm bớt các khâu trung gian, làm rõ phương thức giao dịch xăng dầu, đưa ra quy định cho đầu mối, phân phối và bán lẻ. “Gần 40 doanh nghiệp đầu mối là quá nhiều, nếu giảm 50% số này sẽ giúp chuỗi cung ngắn lại, điều kiện cho cung gặp cầu, tạo ra mức giá ổn định”.

Đưa ra một điểm quan trọng nữa, tiến sĩ Hiếu nói: “Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ không còn ý nghĩa khi Nhà nước rút lại vai trò quản lý và kiểm soát thị trường”. Nhiều năm qua, Quỹ này vốn được xem là công cụ can thiệp vào thị trường, gây hao hụt ngân sách và đi ngược lại nền kinh tế thị trường.

“Tôi hiểu rằng, sự can thiệp của Chính phủ là nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thông qua ổn định giá xăng dầu”, tiến sĩ Hiếu nói. Nhưng ông tin rằng giá xăng dầu sẽ tác động lên cung - cầu, đồng thời điều chỉnh hành vi của các thành phần trong nền kinh tế, đóng góp vào tiến trình nền kinh tế thị trường của đất nước.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ban-le-xang-dau-lai-duoi-theo-chiet-khau-post1440881.html