Băn khoăn vùng lụt Chương Mỹ, Hà Nội: Khó bơm thoát ngập

Ngoài phương án bơm nước vùng lụt, phương án di dời dân khỏi vùng lũ ở Chương Mỹ, Hà Nội cũng không khả thi.

Sau 6 ngày nước lũ tràn đê và gây vỡ đê, hiện tại nước mới rút được khoảng 30 cm so với ban đầu. 8 thôn thuộc 2 xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) vẫn chìm sâu trong nước. Hiện tại, dân đã được hỗ trợ máy lọc nước và đã có nước sinh hoạt. Ba trường học ở xã Nam Phương Tiến vẫn bị đóng cửa.

Chưa nhận được kế hoạch

Theo báo chí đưa tin, chiều 16/10, sau khi thị sát hai xã, thuộc vùng lụt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được yêu cầu vận hành máy bơm hết công suất, sớm giải cứu người dân 8 thôn còn bị nước cô lập.

Về thông tin này, chiều 17/10, PV Đất Việt đã liên lạc với ông Hoàng Minh Hiến (phó chủ tịch Huyện Chương Mỹ), ông cho biết chưa nhận được kế hoạch. Về việc này, theo ông, đây là nước tự nhiên, ngập cục bộ không thể bơm hết được.

Cùng ngày, ông Nguyễn Huy Phong (Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến) cho biết, xã có 5 cầu bơm, mỗi động cơ có công suất 1200m3/h. Hiện tại, mất điện, ngập úng, không thể sử dụng. Ông chưa nhận được kế hoạch nào từ Sở NN&PTNN về việc dùng máy bơm, bơm nước những xã lụt. Biện pháp hiện tại, tháo cống cho nước chảy ra sông Bùi, nhưng nước chảy rất chậm, mức nước giảm không đáng kể.

Ông Phong cho biết thêm, khu vực xã Nam Phương tiến hiện vẫn chưa có điện, đời sống các hộ dân vẫn vô cùng khó khăn. Với tình trạng nước rút chậm như vậy, khoảng 5 ngày cho đến một tuần nữa, học sinh mới có thể đến trường.

''Chúng tôi đã cố liên lạc với Sở NN&PTNT Hà Nội, nhưng chưa nhận được câu trả lời'' - vị lãnh đạo xã tâm tư.

Không cần bơm, không cần di dời dân

Về các giải pháp nói trên, PGS.TS Lê Quang Vinh – Giảng viên trưởng Đại học Thủy Lợi (Nguyên giám đốc trung tâm khoa học công nghệ về lĩnh vực Thủy Lợi) cho biết, “bơm nước chống ngập đã dùng nhiều, nhưng tùy hoàn cảnh cụ thể, trong vùng nếu có trạm bơm có sẵn rồi, còn mang bơm dã chiến đến thì không khả thi.”

Theo ông, trong điều kiện ngập cục bộ và mất điện cả vùng, vùng đó lại là vùng đê bối, không được xây dựng các công trình đặc biệt quan trọng, việc mang máy bơm đến là không cần thiết, cần nhìn nhận cả bài toán kinh tế. Mực nước sông đang rút dần, giờ mực nước bên trong nên để nó tự chảy ra. Nếu bơm, chỉ có thể bơm ra sông Bùi. Với khối lượng nước lớn, không thể bơm được.

Về vấn đề di dời dân ra khỏi cùng lũ, ông Vinh chia sẻ, người dân phải thích nghi sống chung với lũ. Không nên di dời dân, nên xây dựng các công trình, thích nghi với việc nếu ngập quá mức cho phép đê bối tràn.

Đê bối chỉ có chức năng bảo vệ vùng bên trong đê bối, tối đa báo động cấp 3, nước sẽ tràn. Nhiệm vụ của nó là bảo vệ đê chính. Bình thường, không được để khu dân cư ở trong đó, nhưng do nhiều yếu tố, người dân đã sinh sống. Giờ phải chủ động sống chung với lũ.

Theo ông, phương châm “chủ động sống chung với lũ” của nhà nước đang được áp dụng rất đúng, rất được đồng tình. Di dời dân, cần có chỗ cần di dời, ít còn được, đây là cả 3 xã với hơn 1 vạn dân.

“Người dân vùng lũ, nếu biết thích nghi, còn tận dụng được tài nguyên sau lũ. Nhà nước nên đầu tư các công trình và nhà ở cho dân thích nghi, hơn là di dời dân” - ông Vinh chia sẻ.

Ngọc Ninh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ban-khoan-vung-lut-chuong-my-ha-noi-kho-bom-thoat-ngap-3345303/