Băn khoăn hạ chuẩn giáo viên

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở một số bộ môn mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đề xuất cho phép tuyển dụng người tốt nghiệp cao đẳng ở những môn học này.

Đề xuất trên được nêu trong Dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ GD&ĐT đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học và THCS, bao gồm: lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật). Việc tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn được thực hiện đến hết năm 2028.

Theo Bộ GD&ĐT, đề nghị này nhằm mục đích tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi triển khai thực hiện quy định về chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục năm 2019, bảo đảm đủ số lượng giáo viên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học.

Dự thảo viện dẫn thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, đến cuối năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 862.1082 (tăng 10.314 giáo viên so với năm học 2018 - 2019). Chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông ngày càng được nâng lên, từng bước đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Song số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên dạy các môn tích hợp (lịch sử - địa lý, khoa học tự nhiên), môn học mang tính đặc thù (công nghệ, tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân. Đa số các trường THPT chưa có giáo viên môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) để học sinh lựa chọn môn học theo quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023…

Dự báo đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp THCS môn công nghệ thiếu 11.598 giáo viên; môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên; môn nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên.

Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập, năm học 2023-2024 giao bổ sung 27.860 biên chế. Tuy nhiên, theo báo cáo của các tỉnh, TP, đến hết học kì I năm học 2022-2023, các địa phương tuyển dụng được 55,5% chỉ tiêu được giao.

Bộ GD&ĐT đã phân tích kỹ tính cần thiết của việc tạm thời hạ chuẩn giáo viên. Đây được xem là phương án tình thế, được thực hiện có thời hạn khoảng 4 năm để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở một số bộ môn trên khắp cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn không ít băn khoăn liên quan đến tính công bằng và sự thống nhất trong công tác tuyển dụng giáo viên giữa thời điểm trước và thời điểm hiện tại.

Mặt khác, khi đã thống nhất nâng chuẩn được quy định trong Luật, nay lại hạ chuẩn, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên nói chung? Giáo viên trình độ cao đẳng có đáp ứng yêu cầu dạy học sinh giai đoạn hiện nay không, khi giáo dục ngày càng phát triển và đòi hỏi về trình độ giáo viên ngày càng cao? Trong một tập thể sư phạm, khi hầu hết giáo viên trên chuẩn lại xuất hiện giáo viên dưới chuẩn, liệu phụ huynh có e ngại? Giả sử hạ chuẩn vẫn chưa tuyển đủ giáo viên thì phương án tiếp theo là gì?...

Có thể lấy ví dụ về Phần Lan - đất nước được coi là tấm gương giáo dục của thế giới. Tại đây, họ tuyển giáo viên bậc thạc sỹ trở lên, đặc biệt quan tâm giáo dục bậc tiểu học bởi họ quan niệm, càng cấp học nhỏ tuổi, càng cần giáo viên có trình độ. Lương, thu nhập của giáo viên tại đây tương xứng nên thu hút những giáo viên xuất sắc nhất, tận tâm yêu nghề và giáo viên là công việc mơ ước với thế hệ trẻ.

Nhìn lại Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là cơ chế đãi ngộ với nghề giáo còn thấp, chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Do đó, song song với tạm thời hạ chuẩn hay cho phép mở khoa đào tạo giáo viên môn tích hợp, môn nghệ thuật thì việc nâng lương, tăng chế độ đãi ngộ để nâng cao đời sống giáo viên vẫn là giải pháp căn cơ thu hút nhân lực, trong đó có nhân lực giỏi đến với nghề giáo.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ban-khoan-ha-chuan-giao-vien.html