Băn khoăn giữ hay đổi tên Luật Hợp tác xã

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ tên Luật Hợp tác xã (sửa đổi); một số ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác; một số ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn tên gọi Luật đảm bảo tính bao quát, chính xác và phù hợp.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp sáng 10/11. Ảnh: QH

Hợp tác xã là thương hiệu của nền kinh tế Việt Nam

Tham gia thảo luận, các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về tên gọi dự luật.

Tại Tờ trình về dự án luật, Chính phủ nêu 2 phương án xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, phương án 1 đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác và phương án 2 là giữ nguyên tên Luật là Luật Hợp tác xã.

Chính phủ lựa chọn tên gọi là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.

Không đồng tình với đề xuất của Chính phủ, một số đại biểu đề nghị giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), vì khái niệm hợp tác xã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, tên gọi này đã được sử dụng thường xuyên trong công tác truyền thông, tuyên truyền, kể cả pháp luật dẫn chiếu đều thuận lợi và gần gũi với người dân từ Luật Hợp tác xã năm 1996, Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012.

Theo các đại biểu, việc giữ nguyên tên Luật là Luật Hợp tác xã một mặt vẫn bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã, mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan chưa đánh giá tác động hết được.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) nhấn mạnh, tên gọi rất quan trọng nhưng không phải tất cả. Quan trọng nhất vẫn là nội dung phải làm sao tạo được động lực để hợp tác xã phát triển chứ không phải vì tên gọi đơn thuần. Do đó, đại biểu nhất trí giữ tên gọi như hiện hành là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP Hà Nội) mong muốn giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tên gọi này đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật. Đây cũng là tên gọi đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục kế thừa phát huy trong thời gian tới.

Cũng đề nghị giữ nguyên tên gọi là dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) lý giải, hợp tác xã là nòng cốt, đại diện và là đặc trưng cho thành phần kinh tế tập thể. Tổ chức hoạt động của tổ chức hợp tác, liên hợp tác xã và các tổ chức kinh tế tập thể khác cũng tuân thủ theo bản chất, mục đích, cơ chế hoạt động của hợp tác xã. Đại biểu cho rằng, đây mới chính là cách tiếp cận đúng bản chất mối quan hệ và mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế. Do đó việc giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể.

Cần đánh giá tác động, hệ lụy của việc thay đổi tên

Ở chiều ngược lại, khi tranh luận với các ý kiến trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Điều 16 của Luật Hợp tác xã có nguyên tắc tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Như vậy, tổ chức kinh tế hợp tác khác với tổ chức này cách đây 40-50 năm. Trong thời bao cấp, hợp tác xã chủ yếu là hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, với luật này thì có tổ chức kinh tế hợp tác xã. Với quy mô nền kinh tế hiện nay thì có thể có hàng triệu thành viên và có sức mạnh kinh tế rất lớn, rất khác với thời gian trước.

Theo đại biểu, hiện nay, chúng ta đã có 4 loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, liên đoàn xã. Liên minh, liên đoàn là những tổ chức cao hơn và phức tạp hơn của các hợp tác xã. Chính vì vậy, tên gọi tổ chức kinh tế hợp pháp là phải chính xác và điều đó cũng là một nguyên tắc lập pháp, tức là có bao nhiêu đối tượng điều chỉnh thì tên gọi nó phải đủ để bao trùm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng bày tỏ thống nhất với tên gọi là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm bao quát đầy đủ các đối tượng áp dụng. Việc đổi tên như Tờ trình của Chính phủ sẽ tạo sự khác biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các loại hình thể, tổ chức này và các tổ chức kinh tế hợp tác; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần hợp tác giữa các thành viên với nhau. Trong phạm vi điều chỉnh không chỉ có hợp tác xã mà còn có tổ hợp tác, liên minh hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã. Đây là các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác cho nên việc đổi tên gọi là phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) lại cho rằng tên gọi Luật các tổ chức kinh tế hợp tác chưa xác định chính xác và đầy đủ các tổ chức kinh tế hợp tác. Nếu giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã cũng chưa hợp lý, vì có nhiều hình thức, mô hình khác của các tổ chức kinh tế hợp tác. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn tên gọi Luật đảm bảo tính bao quát, chính xác và phù hợp.

Góp ý về tên của dự án luật, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, với tên gọi Luật Hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, rất phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và đã quen thuộc từ luật hiện hành, đã đi vào cuộc sống, tâm thức của người Việt. Việc đổi tên cũng không làm thay đổi nội hàm của luật nếu mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì cũng không cần thiết phải thay đổi tên luật.

Còn với tên luật là Luật tổ chức kinh tế hợp tác đúng với nội hàm, phù hợp với các quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức trong các tổ chức kinh tế hợp tác và cũng đúng với định hướng Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu tên gọi của dự án luật để thể hiện rõ quan điểm trong xây dựng luật. Đồng thời đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động và hệ lụy của việc thay đổi tên để các đại biểu Quốc hội có cơ sở quyết định.

Trong khi đó, góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề xuất đặt tên gọi của dự thảo luật là Luật các tổ chức kinh tế tập thể để phù hợp và thống nhất chung với tên gọi mà các nghị quyết của Đảng đã đặt tên, đặc biệt là Nghị quyết số của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Các cụm từ trong dự thảo Luật Kinh tế hợp tác nên sửa thành kinh tế tập thể, mặt khác gọi Luật các tổ chức kinh tế tập thể thì phạm vi nhấn mạnh đúng vào các đơn vị cụ thể, gắn với mối liên kết ngang trong mối quan hệ cộng đồng; phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế./.

Kim Thanh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/ban-khoan-giu-hay-doi-ten-luat-hop-tac-xa-624063.html