Bạn hãy nói tiếng Việt!

(PL&XH) - Tuần vừa qua, trong chuỗi sự kiện chào đón Nick Vujicic - chàng trai không chân không tay đến Việt Nam, câu anh nói với một bạn trẻ: “Bạn hãy nói tiếng Việt” khiến rất nhiều người không khỏi xúc động.

Đã lâu lắm rồi, sự quan trọng của tiếng Việt mới được nhắc đến trên truyền thông giản dị và giàu cảm xúc đến thế.

Còn nhớ, Lưu Quang Vũ đã từng có những vần thơ rất hay về tiếng Việt rằng: “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn/Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình…”. Ngẫm ra mới thấy, chúng ta hiện nay, đang mắc nợ tiếng Việt nhiều quá.

Bước vào thời hội nhập, điều sợ nhất là khi chúng ta không đủ vốn ngoại ngữ để có thể mở cánh cửa đi vào thế giới. Vì vậy, bây giờ, người người mong muốn con em mình đi học ngoại ngữ, thậm chí cho con đi học từ bé để sớm thành thạo ngoại ngữ, coi như là tạo lập “vốn liếng” để có thể đi du học. Chuyện đó không có gì sai, nhưng nếu mê mải chạy theo các thứ tiếng nước ngoài mà quên đi tiếng Việt, ngữ pháp tiếng Việt còn không vững thì có nghĩa là đang mắc nợ với quê hương mình, với thứ tiếng nặng ân tình đã nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ.

Ngay trên các cuộc thi truyền hình, chúng ta cũng không khỏi thấy mơ hồ về giá trị của tiếng Việt tại các cuộc thi đó. Từ “Thần tượng âm nhạc Việt”, “Giọng hát Việt”, đến “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”… những bài hát tiếng Anh còn nhiều hơn cả bài hát tiếng Việt. Vì sao có tài năng, có chất giọng mà cứ phải hát tiếng Anh? Hay vì hát tiếng Anh mới là lạ, mới gây tò mò, thích thú, còn hát tiếng Việt thì không?

Trên các trang mạng xã hội, kiểu nói pha tạp tiếng Anh và tiếng Việt ở đâu cũng có, tiếng Anh còn được Việt hóa bằng những từ tiếng Việt phiên âm theo kiểu: Xẹc xi (sexy), F.A (Forever Alone), Xì tai (style)… Đôi khi người ta còn cho rằng, đó là kiểu nói của những người mang dấu ấn của thời hiện đại và có phong cách.

Hoặc nếu không xen lẫn giữa tiếng Anh và tiếng Việt, thì cách nói, cách viết của tiếng Việt đơn thuần cũng bị bóp méo một cách khủng khiếp. Đặc biệt với tầng lớp 9x và 10x, tiếng Việt được rút ngắn triệt để. Sử dụng tiếng Việt trong văn nói và văn viết đang ngày càng biến tướng thành một ngôn ngữ pha tạp rất nhiều thứ: Ký tự, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ chợ trời… Ví dụ: Ý nghĩa và bản gốc “Chị có khỏe không? Bao giờ chị được nghỉ hè”. Được chuyển sang dạng tin nhắn như sau: “Cj c0' koe? 0? Ba0 gj0 Cj du0c ngj hE”.

Luôn có một thực tế là: Chúng ta rất dễ bị lu mờ bởi những giá trị bên ngoài, vì vậy, sự trong sáng của tiếng Việt đôi khi bị đảo lộn bởi rất nhiều yếu tố tác động. Nhiều cuộc hội thảo về việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đã được tổ chức, trong đó những nhà khoa học đều chỉ nói về các yếu tố chuyên môn như sự nhất quán, cách phát âm… mà quên mất một điều quan trọng: Làm sao để những người Việt, nhất là những người trẻ, thực sự yêu và tự hào khi sử dụng tiếng Việt.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết rằng: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi/Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi”. Tiếng Việt, tiếng cội nguồn đáng yêu và tự hào như vậy, cớ gì mà chúng ta còn phải để bạn nước ngoài nhắc?

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20130525072319253p1004c1032/ban-hay-noi-tieng-viet.htm