Bản ghi nhớ "bom tấn"

Kết quả thăm dò do Công ty Public Policy Polling công bố ngày 16-5 cho thấy 48% người được hỏi ủng hộ việc luận tội ông Trump

Báo The New York Times hôm 16-5 đã tiết lộ bản ghi nhớ "bom tấn" của cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey. Theo đó, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu cơ quan này dừng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

Can thiệp điều tra?

"Tôi hy vọng ông có thể cho qua chuyện này, bỏ qua cho ông Flynn. Ông ấy là một người tốt" - Tổng thống Trump nói với ông Comey trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 14-2, theo nội dung bản ghi nhớ được cựu giám đốc FBI viết lại ngay sau đó. Ông Comey không đáp lại yêu cầu mà chỉ nói: "Tôi đồng ý ông ấy là người tốt".

Bản ghi nhớ của cựu giám đốc FBI James Comey (phải) cho thấy Tổng thống Donald Trump (trái) đã yêu cầu FBI dừng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn (giữa) Ảnh: REUTERS

Cuộc gặp diễn ra một ngày sau khi cố vấn Flynn từ chức bởi vụ lùm xùm liên quan đến chuyện ông thảo luận với đại sứ Nga tại Mỹ về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Washington đối với Moscow trước khi ông Trump nhậm chức.

Nhà Trắng lập tức phản pháo: "Dù nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng tướng Flynn là một người tốt, đã phục vụ và bảo vệ đất nước chúng ta nhưng tổng thống chưa bao giờ đề nghị ông Comey hay bất cứ ai khác chấm dứt bất cứ cuộc điều tra nào, bao gồm cuộc điều tra liên quan đến tướng Flynn".

Tuy vậy, "gáo nước" từ Nhà Trắng không thể làm giảm "sức nóng" của bản ghi nhớ mà nếu là thật sẽ gây ra mối đe dọa không nhỏ đối với tương lai chính trị của ông Trump.

Báo chí Mỹ và thế giới đều đồng loạt loan tin, trong đó những cơ quan truyền thông lớn như đài CNN hay báo Washington Post đều xác nhận sự tồn tại của bản ghi nhớ.

Theo CNN, bản ghi nhớ có một chi tiết đáng chú ý khác mà phía Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra phản hồi, đó là ông Trump còn nói với ông Comey là FBI nên xem xét bỏ tù những phóng viên đăng tải tài liệu mật .

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Jason Chaffetz trong đêm 16-5 đã gửi thư tới quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe yêu cầu được xem tất cả bản ghi chép, tóm tắt hay thu âm giữa ông Comey và Tổng thống Trump vào ngày 24-5 tới.

Không ai có thể nghi ngờ sức mạnh của một bản ghi nhớ từ nhân vật cấp cao như giám đốc FBI. Người dân Mỹ hẳn vẫn chưa quên vụ việc nổi tiếng dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush khi ông Comey điều trần rằng có một cuộc đua giữa FBI và giới chức cấp cao Nhà Trắng tới giường bệnh của Bộ trưởng Tư pháp lúc bấy giờ là ông John Ashcroft để định đoạt số phận chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA). Khi Nhà Trắng bác bỏ lời của ông Comey thì bản ghi chép của Giám đốc FBI lúc đó - ông Robert Mueller - đã được dùng để xác thực.

"Lãnh thổ luận tội"

Theo nhận định của báo The New York Times, sau tiết lộ mới nhất về bản ghi nhớ của ông Comey, nối tiếp những cuộc khủng hoảng liên tục bùng phát tại Nhà Trắng (ông Trump bị cáo buộc chia sẻ thông tin mật cho các quan chức Nga hoặc đột ngột sa thải ông Comey), khả năng luận tội ông chủ Nhà Trắng bắt đầu được nói tới nhiều hơn.

Ông David Gergen, cựu cố vấn dưới thời 3 tổng thống Mỹ , trong đó có 2 người đối mặt tiến trình luận tội là Richard Nixon và Bill Clinton, cho rằng nếu bản ghi nhớ của ông Comey là thật thì đồng nghĩa với việc chính quyền non nớt của ông Trump đang sa vào "lãnh thổ luận tội".

"Đòi một giám đốc FBI ngừng điều tra các hoạt động của cố vấn cấp cao của mình trong chiến dịch tranh cử, nếu thông tin đó là đúng thì rõ ràng là một hành động cản trở công lý" - Jeffrey Toobin, chuyên gia phân tích pháp lý cấp cao của CNN, nhận định.

Vị chuyên gia còn nhấn mạnh tổng thống thứ 37 của Mỹ Richard Nixon bị luận tội năm 1974 cũng vì yêu cầu chấm dứt điều tra vụ bê bối Watergate đình đám có liên quan đến các nhân vật thân cận của mình.

Kết quả thăm dò do Công ty Public Policy Polling công bố ngày 16-5 cho thấy 48% người được hỏi ủng hộ việc luận tội ông Trump, trong khi 41% phản đối.

Tuy vậy, bên cạnh những lời kêu gọi luận tội Tổng thống Trump trong chính trường Mỹ cũng nổi lên ý kiến cho rằng cần cẩn trọng hơn. Ngay cả lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cũng cảnh báo những người đòi luận tội ông Trump đang góp phần đồn thổi vấn đề mà không có bằng chứng cụ thể.

Tránh xa "ghế nóng"

Việc tìm giám đốc mới cho FBI của chính quyền Tổng thống Donald Trump gặp không ít khó khăn khi 2 ứng viên sáng giá nhất đã nói lời từ chối.

Theo Reuters, các cố vấn của Thẩm phán Merrick Garland và Thượng nghị sĩ bang Texas John Cornyn đều khuyên họ không nên dẫn dắt FBI, lấy lý do họ sẽ phải từ bỏ những công việc quan trọng, an toàn để đổi lấy vị trí phức tạp về chính trị và gây tranh cãi. Một nguồn tin thân cận ông Garland cho biết chánh án tòa phúc thẩm quận Columbia này "yêu công việc của mình và không có ý định rời ngành tòa án. Trong khi đó, ông Cornyn cho hay đã thông báo với Nhà Trắng rằng "cách tốt nhất để tôi cống hiến là tiếp tục chiến đấu cho chương trình nghị sự bảo thủ tại Thượng viện Mỹ".

Các cố vấn giấu tên cho rằng giám đốc FBI mới sẽ có một công việc bấp bênh và bị soi mói nhiều hơn sau khi Tổng thống Trump sa thải ông James Comey khỏi chiếc ghế này hôm 9-5. Việc ông Garland và Cornyn tránh né diễn ra chỉ 3 ngày trước khi ông Trump có thể gút lại quyết định. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer hôm 16-5 cho hay ông Trump có khả năng chọn giám đốc FBI mới trước khi có chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào ngày 19-5. Theo ông Spicer, Bộ Tư pháp hiện phỏng vấn các ứng viên tiềm năng.

Ngoài ông Garland và ông Cornyn, cựu Ủy viên Sở Cảnh sát New York Ray Kelly, 75 tuổi, cũng nằm trong danh sách ứng viên rút gọn của Nhà Trắng. Trong khi cố vấn của ông Kelly khuyên ông rút lui thì vị cựu quan chức cảnh sát này chưa lên tiếng. Đến nay, ông chưa được mời phỏng vấn. Một nhân vật khác là thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Trey Gowdy hôm 15-5 cũng nói ông không quan tâm đến chức giám đốc FBI.

Không chỉ ghế giám đốc FBI, các nguồn tin cho biết chính thói quen của ông Trump - như tranh cãi với các trợ lý hàng đầu, đòi hỏi sự trung thành và trừng phạt các quan chức công khai bất đồng ý kiến - đã khiến nhiều người có kinh nghiệm không hào hứng với các vị trí trong chính quyền ông. Một quan chức cấp cao tiết lộ: "Một số chuyên gia kỳ cựu đang rời khỏi Nhà Trắng hoặc tìm kiếm công việc ở nước ngoài".

Xuân Mai

Thu Hằng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ban-ghi-nho-bom-tan-20170517214926706.htm